Vấn đề nạn nhân ‘Hóa chất da cam’ nổi lên tại Quốc hội Mỹ

Các thượng nghị sĩ Mỹ đã thúc đẩy Điện Capitol giải quyết việc chăm lo cho các cựu chiến binh của Hải quân Mỹ bị phơi nhiễm hóa chất khai quang màu cam trong Chiến tranh Việt Nam.

Một dự luật do Thượng nghị sĩ Dân chủ Kirsten Gillibrand của bang New York, và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Steve Daines của bang Montana đề xuất hôm thứ Hai sẽ triển hạn các phúc lợi về chăm sóc sức khỏe cho các cựu binh của Hải quân đã phục vụ trên các hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tuần dương hạm và các chiến hạm khác trong thềm lục địa Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam, và các cựu chiến binh mắc phải những căn bệnh có liên quan đến loại hóa chất khai quang mà Việt Nam gọi là “chất độc màu da cam” này. Một dự luật tương tự đã được đề xuất tại Hạ viện hồi tuần tháng trước.

Bảng cảnh báo tại một khu vực bị ô nhiễm chất dioxin gần sân bay Đà Nẵng, Việt Nam.
Các dự luật này đánh động đến dư luận lớn hơn, nhất là các nhóm hoạt động tranh đấu cho những người và môi trường bị bị ảnh hưởng bởi chất dioxin này ở Việt Nam, và những tranh luận còn dang dở về việc bị phơi nhiễm và các chính sách về phúc lợi, đền bù sau gần 1/4 thế kỷ kể từ khi Quốc hội thông qua luật triển hạn các chính sách đền bù cho gần 2,7 triệu cựu quân nhân liên quan đến cuộc chiến.

Ông Phạm Trương, Trưởng Ban Đối ngoại của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam nói với đài VOA:

“Trước hết chúng tôi hoan nghênh quyết định đó. Nếu dự luật mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra liên quan đến các quân nhân Mỹ phục vụ trong lực lượng Hải quân — thế nhưng trước hết mới liên quan đến các quân nhân phục vụ trên các cái tàu hoạt động trong thềm lục địa cách bờ biển của miền nam Việt Nam ngày xưa khoảng 12 hải lý – mà được thông qua thì chúng tôi hoan nghênh. Đó là điểm thứ nhất, còn điểm thứ hai là chúng tôi tiếp tục cuộc đấu tranh đòi chính phủ phải thực hiện trách nhiệm của họ đối với các nạn nhân của chất độc màu da cam.”

Dự luật được đưa ra trong lúc Bộ Cựu chiến binh chuẩn bị đi đến quyết định có thể nội trong nay mai liệu các quân nhân trừ bị phục vụ trên các vận tải cơ C-123 – những chiếc máy bay truớc đó được dùng để rải hóa chất khai quang màu cam trên chiến trường rừng núi ở Việt Nam – có hội đủ điều kiện để hưởng những phúc lợi đó hay không.

Ông Phạm Trương của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam cho biết:

Hình như trong ngày hôm nay hoặc ngày mai Bộ Cựu chiến binh cũng sẽ có quyết định liên quan đến các quân nhân Mỹ phục trên các chiếc máy bay C-123. Bởi vì trước trước đó, Viện Y học Mỹ đã xác nhận máy bay C-123 là môi trường có nhiễm độc dioxin. Cho nên các quân nhân phục trên các máy bay đó mà bị các chứng bệnh mà được Viện Y học Quốc gia Mỹ thừa nhận là có liên quan đến chất độc da cam thì sẽ được hưởng [các phúc lợi đền bù].

Hàng trăm ngàn cựu chiến binh của chúng ta bị từ chối những phúc lợi mà họ cần và đáng được hưởng chỉ vì một chi tiết kỹ thuật trong luật, Thượng nghị sĩ Gillibrand nói trong một thông báo. Hóa chất Cam là một chương rất khó trong lịch sử của đất nước chúng ta, và đã quá hạn mà chúng ta cần phải sửa đổi những lỗi của quá khứ.

Trong Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ thả xuống khoảng 77 triệu lít hóa chất khai quang màu cam.

Trong Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã thả xuống khoảng 77 triệu lít hóa chất khai quang màu cam, Việt Nam gọi là ‘chất độc màu da cam’.

Theo ông Phạm Trương, thì cho đến nay chính phủ Mỹ đã bắt đầu có những phối hợp với Việt Nam để xem xét giải quyết những ảnh hưởng như bị cáo buộc của loại loại hóa chất này đối với con người và môi trường ở Việt Nam.

Đến bây giờ thì chưa hình thành một cái quỹ [đền bù] nào. Hàng năm thì Quốc hội Mỹ vẫn phê duyệt cho chính phủ, cho Bộ Ngoại giao, đúng hơn là giao cho cơ quan USAID một khoản tiền để chi cho các nạn nhân chât độc da cam, hỗ trợ về y tế cho những người khuyết tật do chất độc da cam gây ra.

Cho đến nay thì chính phủ Mỹ cũng bắt đầu có một hình thức phối hợp với chính phủ Việt Nam để giải quyết chuyện này. Trước hết là chương trình tẩy độc ở các điểm nóng của Việt Nam. Cái người ta đang thực hiện giải quyết là ở Sân bay Đà Nẵng. Sau Sân bay Đà Nẵng thì có thể tiếp tục đến Sân bay Biên Hòa. Thế nhưng Sân bay Biên Hòa thì còn trong giai đoạn điều tra, khảo sát về lượng tồn dư chất dioxin ở Sân bay Biên Hòa, cho nên chưa có một phối hợp chính thức. Đồng thời thì chính phủ Mỹ bắt đầu có những xem xét để giải quyết cho những người khuyết tật do chất độc màu da cam gây ra. Thế nhưng số này còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ liên quan đến những người sống quanh các khu vực điểm nóng, đặc biệt là ở chỗ Đà Nẵng.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand đề xuất dự luật triển hạn các phúc lợi về chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh Mỹ mắc phải những căn bệnh liên quan tới hóa chất da cam.

Một dự luật tương tự do Dân biểu Cộng hòa Chris Gibson của bang New York bảo trợ đang được Hạ viện xem xét. Trong lúc dự luật của hai Thượng nghị sĩ Gillibrand và Daines theo trông đợi sẽ sớm được Thượng viện xem xét, phía Việt Nam cũng hy vọng chính phủ Mỹ cũng sẽ tiến tới với các chính sách giải quyết vấn đề ‘chất độc da cam’ này cho Việt Nam.

Ông Phạm Trương của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam nói:

Ngày 13 tháng 7 năm 2013, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã có một tuyên bố chung, trong đó có khẳng định chính phủ Mỹ sẽ có trách nhiệm hỗ trợ về y tế cho những người khuyết tật do chất độc da cam gây ra, thì chúng tôi mong rằng chính phủ Mỹ thực hiện cam kết đó.

Nguồn: Stars and Stripes, WKTV, VOA’s Interview
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)