Việt Nam Thời Báo

Vay tín chấp: Đưa khách vào bẫy ‘cắt cổ’ lãi suất

Lãi suất tuy không thấp nhưng thủ tục giấy tờ đơn giản, lại được bảo trợ bởi một ngân hàng nên nhiều người hí hửng vay tín chấp. Đến lúc trả nợ, họ uất nghẹn vì số tiền phải trả thực tế cao gấp nhiều lần.

“Chém” khác gì cho vay nặng lãi

Một công ty cho vay tài chính vừa lên mạng “khoe” hiện có các mức lãi suất vay tín chấp phổ biến là 1,42%, 1,66%, 2,17% và 2,95%/tháng, tính trên dư nợ cố định. Các mức này tương đương với mức lãi suất từ 30-55%/năm, tính theo dư nợ giảm dần.
Tuy lãi suất cao, song, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng đăng kí vay do các ưu thế về giấy tờ, thủ tục đơn giản và được bảo trợ bởi một ngân hàng.

Cách tính lãi với cho vay tín chấp đang là “điểm bẫy” cực kỳ nguy hại.
Không biết có bao nhiêu khách hàng thật sự tỉnh táo, khi vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp với lãi suất kể trên của công ty này, nhưng số người vay xong, đến lúc trả nợ mà không khỏi ngỡ ngàng thì rất nhiều.
Một khách hàng là công nhân tại TP.HCM cho biết có vay số tiền 24 triệu đồng của công ty cho vay tài chính trên, với kỳ hạn 18 tháng. Số tiền mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi là 1,75 triệu đồng. “Tôi đóng được 5 tháng, tổng cộng là 8,88 triệu đồng với lãi suất 5% một tháng. Sau đó, tôi xin thanh lý hợp đồng, vậy nhưng số tiền mà tôi phải nộp là 24,2 triệu đồng. Mức lãi suất 5% không khác gì cho vay nặng lãi, trong khi nhân viên đi phát tờ rơi chỉ ghi có 1,6-2,7%/tháng”.
Khi được hỏi, nhân viên công ty tài chính trả lời, lãi suất từ 1,6-2,7%/tháng được tính trên dư nợ ban đầu, còn 5%/tháng tính theo dư nợ giảm dần. Lãi suất cho vay cao là do chi phí vốn của công ty tài chính cao, giá trị của khoản vay thấp nên các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay cao hơn bình thường và vay tín chấp nên rủi ro cao.
Tuy nhiên, khi so sánh với một công ty khác cũng đang cho vay tín chấp có lãi suất từ 23-39,5%/năm, thì nhân viên kia trả lời vòng vo, không giải thích được vì sao lại có chênh lệch lớn như vậy.
Phải chăng, do lợi nhuận “khủng” mà thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ồ ạt thâu tóm, thành lập công ty tài chính để phát triển cho vay tiêu dùng?
Không chỉ tự chèo kéo khách vay, các công ty tài chính còn kết hợp với nhiều DN bán lẻ để “dụ” khách vay mua hàng điện máy, gia dụng… và cũng khiến nhiều người khốn khổ.
Một khách hàng tại Hà Đông (Hà Nội) kể rằng, anh mua chiếc điện thoại Oppo N1 mini với giá 8,6 triệu đồng tại một siêu thị điện máy ở Hà Đông. Nhân viên bán hàng tư vấn, anh chỉ cần trả trước 3,5 triệu đồng, số còn lại sẽ được một công ty tài chính cho vay và trả dần trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả khoảng 700.000 đồng. Thấy hàng tháng chỉ trả khoản nhỏ, có thể trả được nên đồng ý mua. Khi về đến nhà, ngồi tính lại mới tá hỏa, khoản vay chỉ 5,1 triệu đồng mà trả cả gốc lẫn lãi trong 12 tháng, tổng số tiền lên đến 8,3 triệu đồng, quy ra lãi suất đến 64%/năm.
Quảng cáo cho vay tín chấp với thủ tục rất thông thoáng
Mới đây, một khách hàng tại TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại việc vay tín chấp để mua hàng điện máy, cuối cùng té ngửa ra lãi suất lên tới 85%. Khi muốn tất toán trước hạn thì vẫn bị tính mức lãi suất “tín dụng đen” này bằng đúng thời gian ghi trên hợp đồng.
Đặc biệt, với cho vay tín chấp thì các khách hàng càng nghèo thì càng bị “chém” nặng. Một khách hàng có thu nhập 20 triệu, có chức vụ, có nhà cửa ổn định thì sẽ có khả năng hoàn trả cao hơn một người thu nhập 3 triệu và ở nhà thuê. Do đó, lãi suất của hai đối tượng này cũng khác nhau và người nghèo đương nhiên chịu lãi suất cao nhất.
Đã có nhiều khuyến cáo dành cho khách hàng có ý định vay tín chấp, nhưng các công ty tài chính rất khôn khéo trong việc che đậy lãi suất cao khiến nhiều người khi vay xong mới biết mình bị mắc bẫy. Chẳng hạn, do hiểu tâm lý khách hàng khi vay thường quan tâm đến lãi suất cao hay thấp, nên các công ty tài chính đánh lừa bằng hình thức đưa ra lãi suất vay tính trên dư nợ ban đầu. Lãi suất này tưởng như không cao, nhưng tính ra cũng không khác bị “cắt cổ” là bao.
Bẫy khách hàng bằng cách tính lãi
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất cho vay, trong đó có vay tiêu dùng, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nên không có khung quy định chi tiết. Tuy nhiên, lãi suất cho vay từ 20%-25%/năm là cao, trên 30%/năm là khá cao, trên 40%/năm là rất cao và nếu khách hàng phải vay với mức lãi suất trên 50%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70-80%/năm có thể được xem là tín dụng đen.
Với các công ty tài chính, hoạt động cho vay thường là tín chấp, không có tài sản bảo đảm nên rủi ro lớn, lãi suất phải cao là dễ hiểu. Nhưng cũng không thể lấy lý do rủi ro cao để tha hồ “chặt chém” khách hàng khi áp dụng mức lãi suất như tín dụng đen.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tình trạng nhá nhem lãi suất, thông tin mập mờ với hợp đồng vay, cách tính lãi đang là “điểm bẫy” cực kỳ nguy hại cho đời sống tài chính cũng như niềm tin người dân. Các công ty tài chính hiện nay không bị quản thúc bởi Luật Tổ chức tín dụng về lãi suất nên hầu hết áp lãi suất thỏa thuận với khách hàng. Tình trạng mạnh ai nấy làm, hoạt động lộn xộn, bát nháo khiến thị trường cho vay tiêu dùng không biết định nghĩa như nào cho chuẩn. Điều này có thể gây “mầm bệnh” cho nền tài chính.
Trần Thủy
(Theo VNN)

Ngân hàng ồ ạt cho vay ưu đãi: Người vay cần thận trọng điều gì?

Dư thừa tiền trong hệ thống ngân hàng dịp đầu năm khiến các ngân hàng phải ồ ạt chạy nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lãi suất để khuyến khích khách hàng vay vốn sớm.

Ồ ạt cho vay ưu đãi

Nhằm mục tiêu giảm tải áp lực tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm, ngay từ những ngày đầu năm 2015, các ngân hàng đã ồ ạt chạy nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lãi suất để khuyến khích khách hàng vay vốn sớm.

Cụ thể ngân hàng VPBank đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất 8% /năm trong thời gian tối đa không quá 3 tháng đầu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng đang triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 6%/năm và khách hàng cá nhân từ 6,4%/năm.

Còn tại Viet Capital Bank, ngân hàng này cũng tung gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vay, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm. Với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, Viet Capital Bank cũng bung 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm, ưu đãi trong 3 tháng đầu. Bên cạnh đó ngân hàng này còn khẳng định sẽ đơn giản các thủ tục, quy trình để giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng nhất.

Với VIB, ngân hàng này vẫn trung thành theo đuổi chính sách cố định lãi suất khi dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 7,9%/năm trong 12 tháng đầu cho các khoản vay mới từ 24 tháng trở lên. Bên cạnh đó, VIB cũng dành 3.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng trong 30 tháng đầu khi vay từ 5 năm trở lên…

Được biết trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% hoặc thậm chí cao hơn. Như vậy để có thể hoàn thành được mục tiêu này, việc các ngân hàng đẩy nhanh tín dụng ngay từ đầu năm là cách hợp lý giúp giảm tải áp lực cho thời điểm cuối năm.

Theo ý kiến đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, đây là cách hợp lý để các nhà băng có thể giảm tải được áp lực cho chính họ. Cũng theo vị này nếu như các ngân hàng cứ “bình chân như vại” và chờ các tháng cuối năm thì sẽ có rất nhiều ngân hàng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 12-14% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên để có thể đẩy mạnh được tín dụng ngay từ những ngày đầu năm thì các nhà băng cần phải mạnh tay giảm lãi suất. Bởi theo theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, đầu năm các doanh nghiệp thường có tâm lý ngại vay mượn thêm vào đó mùa kinh doanh chưa vào cao điểm nên tín dụng đầu năm thường khó được đẩy mạnh nếu như các nhà băng không mạnh tay giảm lãi suất sẽ chẳng có lý do gì để khuyến khích họ đầu tư và vay vốn.

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, các ngân hàng đã ồ ạt chạy nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lãi suất để khuyến khích khách hàng vay vốn sớm.

Lưu ý “bẫy” lãi suất

Nhìn chung, chính sách hiện nay của các ngân hàng đều là hỗ trợ lãi suất thấp dưới 10% cho 12 tháng đầu tiên (tùy ngân hàng) để thu hút khách hàng. Từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất được thả nổi tùy theo thị trường (tức là lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất huy động cộng thêm một khoản chênh nào đó). Vì vậy, người vay nên cân nhắc thật kỹ các điều khoản vay vốn trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

“Ai có nhu cầu vay nên hỏi rõ lãi suất thay đổi như thế nào trong suốt giai đoạn vay, nhất là từ lúc hết khuyến mãi trở đi, tránh việc chỉ tháng đầu được hưởng lãi suất ưu đãi, các tháng sau “nhảy” lên cao vút”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng khuyến cáo.

“Năm nay, chi nhánh tôi vừa được ngân hàng mẹ giao khoán cho vay tăng thêm 700 tỷ đồng. Giờ chúng tôi như phát điên vì đi tìm khách hàng. Nếu có khách nào tốt thì giới thiệu nhé, đang cực kỳ bí…”- Nguyễn Minh, cán bộ tín dụng một chi nhánh lớn của Agribank trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ trên báo Tiền Phong.

Đề cập đến các gói vay ưu đãi, theo Minh, cái khó nhất bây giờ là nhiều ngân hàng “tung” ra các chiêu lạ, mà khách hàng không đủ tỉnh táo để lựa chọn. Nguyễn Minh lưu ý: Ví như ngân hàng tôi cho vay lãi suất tiêu dùng cao hơn ở mức 12,5 %/năm, nhưng thời gian vay dài đến 3 năm; chưa kể không có chuyện phạt khi tất toán (trả trước); trong khi nhiều ngân hàng cộng phí phạt và lãi chênh sau này vào có thể lên tới 15-17%/năm. “Hầu hết lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong 3-6 tháng đầu tiên”- Nguyễn Minh nói.

Cũng theo Minh, một nhà băng đang quảng cáo rầm rộ là cho vay tín chấptới 500 triệu đồng trong 48 tháng với lãi suất dao động từ 0,8% đến 1,1%/tháng (tương ứng 9,6-11,3%/năm). Tuy nhiên, hãy lưu ý các điều kiện đi kèm của họ rất “rắn” như lãi phạt trả chậm bằng 150% lãi suất trong hạn.

Còn Hà Chinh, trưởng phòng khách hàng một ngân hàng cổ phần có quy mô lớn không giấu giếm: Chưa bao giờ làm nhân viên ngân hàng khổ và áp lực như hiện nay.

Thay vì chỉ chăm chút khách hàng VIP, giờ đến vị trí trưởng phòng mà Chinh đang giữ cũng phải đi “dụ” và “gom” từng khách nhỏ. Tại thời điểm này, theo Chinh, với khách hàng doanh nghiệp vốn giá rẻ đúng là đang ở “đáy” lãi suất 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, để vay được vốn này, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, hồ sơ thủ tục, ngành nghề, thời gian vay vốn, nguồn doanh thu khả quan. “Chưa có cơ chế cho vay tín chấp, không ngân hàng nào dám nhận thế chấp bằng niềm tin đâu. Nhiều chương trình chỉ đơn giản là vẽ ra để dụ khách thôi”- Chinh nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, đến cuối tháng 2/2015, tổng huy động tiền gửi của 12 ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở trên địa bàn TPHCM đạt hơn 785.000 tỷ đồng.

Riêng tuần sau Tết, các ngân hàng đã huy động được hơn 13.500 tỷ đồng. Tại Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến hết tháng 2/2015 đạt 1.204 nghìn tỷ đồng trong đó, riêng tiền gửi đạt 1.151 nghìn tỷ đồng.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, dù “cầu” vốn vẫn rất cao trong nền kinh tế nhưng hiện mới có khoảng 30% doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận được vốn vay. Thừa tiền – thiếu vốn, phải chăng vì vậy mà ngân hàng căng mình kéo khách?
                                                                                                            Ngọc Anh (Tổng hợp)
                                                                                                             (Theo Người đưa tin)

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao OceanBank và VNCB có người bị bắt đều “được” NHNN mua lại với giá 0 đồng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cổ phần hóa DNNN: Vĩ đại hay ngắc ngoải?

Phan Thanh Hung

HASCON kiến nghị chưa thông qua Chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.