Việt Nam Thời Báo

Về công trình Văn miếu ở Vĩnh Phúc

Chu Hảo

Gần đây công trình Văn miếu đang xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc đã được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Nhưng lại một lần nữa chúng ta bị đặt trong tình thế bàn chuyện “đã rồi”: đã được chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt và cấp kinh phí để khởi công từ tháng 8 năm 2010; đã tiêu hết kinh phí dự toán là 271 tỷ VNĐ, đã dự trù bổ sung 43 tỷ nữa mà chưa chắc đã đến hồi kết. Chắc là chẳng dừng được nữa, chỉ còn có thể làm được một việc góp ý kiến để kết thúc công trình cho hợp lý và tiếp tục “mổ xẻ” rút kinh nghiệm cho các dự án trong lĩnh vực Văn hóa vốn đã đầy rẫy tai tiếng.
Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến thảm trạng: Chủ trương đúng nhưng thực hiện sai; và sẽ không ai thực sự chịu trách nhiệm. Chủ trương phục dựng các di tích lịch sử có ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc là hoàn toàn đúng, nhưng ở dự án cụ thể này việc thực hiện là rất có vấn đề. Chẳng hạn: 1) Đây là một công trình hoàn toàn xây mới không phải trên nền một di tích Văn miếu cũ nào, và với một mô hình kiến trúc không thể biết được là kế thừa từ đâu. 2) Đã là Văn miếu, tức là miếu thờ Văn Tuyên vương (tức Khổng Tử), thì phải thờ Khổng Tử. Dựng mới một công trình thờ Khổng Tử đồ sộ như vậy, to tát và tốn kém như vậy trong bối cảnh hiện nay chắc là không hợp lý. 3) Cũng như nhiều dự án dùng ngân sách Nhà nước khác, dự án này cũng làm rất đúng quy trình, trong đó có hạng mục lấy ý kiến của dân cư trên địa bàn và của các nhà khoa học. Thế nhưng trong thực tiễn, chủ đầu tư thường chỉ là làm lấy lệ cho qua chuyện hoặc không tiếp thu bất kể ý kiến nào không thuận cho việc phê duyệt dự án đã được cấp trên có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị đích thực của Khổng Tử đang được tranh luận kịch liệt chính ngay quê hương của ông thì việc hùa theo chủ trương “xuất khẩu” cái gọi là Học thuyết Khổng tử nhằm quảng bá sức mạnh mềm của thế lực bành trướng Đại Hán cực đoan ra thế giới là điều nên tránh. Cơn sốt Khổng Tử mấy năm qua ở Trung Quốc nhằm mưu đồ chính trị, thông qua việc quảng bá rầm rộ cuốn sách “Luận ngữ tâm đắc” (NXB Trẻ, 2014) của nữ Giáo sư – tuyên truyền viên trẻ tuổi Vu Đan trên chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã dấy lên một cuộc khẩu chiến và bút chiến quyết liệt giữa các nhà lý luận bảo vệ quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tiếp tục tôn sùng Khổng Tử (phục vụ ý đồ chính trị), và những học giả khai phóng quyết một lần nữa đặt Khổng Tử vào đúng vị trí đáng có của mình (hai lần trước là vào năm 1919 với phong trào Ngũ Tứ vận động; và vào năm 1974 với phong trào phê Lâm phê Khổng do Mao Trạch Đông phát động). Độc giả có thể tìm hiểu thêm vấn đề này qua bài viết của Lưu Hiểu Ba “Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay”, đăng trên mạng ngày 2 tháng 5 năm 2015, khi bình luận cuốn sách mới xuất bản của GS Đại học Bắc Kinh Lý Linh nhan đề “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ”. Đối với họ, Khổng Tử mà các vương triều Trung Hoa đời đời tôn sùng như một Đại Thánh không phải là Khổng Tử trong đời thật, mà do người ta nhào nặn ra. Có lẽ ông là một người chăm chỉ học hành, yêu chuộng đạo lý, không mệt mỏi truyền đạt văn hóa cổ xưa, có học vấn mà mà suốt đời đi khuyến dụ tầng lớp cai trị noi gương nhà Chu để thiên hạ thái bình nhưng không ai thèm nghe, cũng như một dạng Don Quixote, cuối đời đành quay về quê nhà và chết trong buồn tủi. Còn Luận ngữ, cũng tựa như cuốn Mao tuyển thời Cách mạng Văn hóa, hầu hết cũng là những câu nói giản dị, rút ra từ “minh triết dân gian”, đã được tán tụng thành những lời dạy tinh diệu của Thánh nhân.
Trong tình hình hiện nay, dù vô tình hay hữu ý, phụ họa chính sách dùng Khổng Tử như một “Đại Thánh Chí Thành Văn Tuyên Vương” nhằm thực hành “quyền lực mềm” của thế lực dân tộc cực đoan Đại Hán là việc làm vừa không khôn ngoan, vừa nguy hiểm.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải xác định lại mục tiêu của công trình. Là Văn miếu thì phải thờ Khổng Tử; nếu xây trên nền di tích cũ, với quy mô nhỏ và theo mô hình kiến trúc Viêt cổ, thì có thể là hợp lý. Nhưng nếu xây hoàn toàn mới với quy mô hoành tráng như hiện nay thì không nên coi là Văn miếu, không thờ Khổng Tử; mà nên tận dụng để làm việc khác, chẳng hạn như làm một ngôi đền chùa mới với những nội dung bên trong phù hợp.
Hội An, ngày 18/6/2015 
Tác giả gửi BVN.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo