Vì sao dòng vốn FDI và kiều hối đều tăng mạnh nhưng đầu tư gián tiếp lại rất khiêm tốn? *

Năm 2015 giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ. Kiều hối gửi về Việt Nam cũng lên tới 13-14 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán chỉ chưa đầy 100 triệu đô la Mỹ. Vì sao lại có khoảng cách lớn như vậy giữa các dòng vốn?

Một nhà đầu tư nước ngoài đã rất trầm ngâm khi được hỏi câu này. Sau đó ông tự lý giải có thể là do Nhà nước vẫn còn e ngại thị trường chứng khoán. “Nhà nước vẫn còn tin rằng Nhà nước có thể nắm quyền kiểm soát mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực cho dù lĩnh vực đó Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối”, ông nói.
Năm 2015, dòng vốn FDI và kiều hối đều tăng mạnh nhưng đầu tư gián tiếp lại rất khiêm tốn. Vì sao như vậy. Ảnh minh hoa, TBKTSG
Ông tiếp: “Ở Trung Quốc, một trong số những nhà tư vấn kinh tế cho ông Đặng Tiểu Bình đã dùng ngôn từ nền kinh tế lồng chim (bird-cage economy) để miêu tả việc người ta bỏ nền kinh tế vào trong một cái lồng chim và nền kinh tế chỉ “bay” trong cái lồng đó”. Liệu có thể sử dụng hình ảnh thị trường chứng khoán trong lồng chim (stock market in the bird-cage) để nói về chứng khoán Việt Nam?
Vị chủ tịch công ty quản lý quỹ đầu tư thâm niên này kể mới đây khi tiếp xúc với một trong số các nhà đầu tư ngoại đã bỏ tiền vào quỹ, ông không thể trả lời vì sao không có gì xảy ra với việc nới room. “Tháng 6-2015 chúng tôi đã nghe thấy thông tin nới room, đến hôm nay bảy tháng sau vẫn không có gì”. Và nhà đầu tư ngoại của quỹ phàn nàn: “Ở Việt Nam hình như ngành nào cũng là ngành kinh doanh có điều kiện”.
Điều đó có lẽ không phải nói quá. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết Vinamilk chưa thể nới room ngay vì một trong những ngành nghề đăng ký kinh doanh là trồng trọt, mà trồng trọt không thể nâng room lên 100%. Thực ra, hiện nay Vinamilk không có trồng trọt (có lẽ trừ trồng cỏ cho bò), nên tới đây công ty phải đăng ký lại, bỏ bớt trồng trọt ra khỏi lĩnh vực kinh doanh. Ông Sơn nhấn mạnh khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đăng ký nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng trên thực tế không làm, chỉ đăng ký dự phòng, thành ra bây giờ phải điều chỉnh cho phù hợp với việc nới room. 
Nới room sẽ vẫn là một phần của câu chuyện thị trường năm 2016, song câu chuyện chính của thị trường năm nay sẽ là gì? Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho rằng đó là “tránh để thất vọng”. Những ảnh hưởng của thị trường tài chính bên ngoài hiện tại rõ ràng không tích cực. Giá dầu giảm, chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều giảm. Trong điều kiện diễn biến chứng khoán quốc tế phức tạp, quản trị rủi ro luôn phải đặt trên hàng đầu và phải luôn theo sát. “Dẫu thế, nhà đầu tư Việt về bản chất là lạc quan và vị tha. Họ đã bị thị trường chứng khoán đối xử bất công suốt bảy năm qua, từ năm 2008, nhưng họ vẫn bám thị trường”, ông Dominic Scriven phân tích.
Nhìn lại suốt quãng thời gian dài mà VN-Index không thể vượt qua mốc cản 640 điểm, có những năm lạm phát bật lên 20%, đồng Việt Nam đã mất giá 35% so với đô la Mỹ, lãi suất cho vay có thời điểm 26-27%/năm, sau đó là thắt chặt tín dụng… Bây giờ các chỉ số vĩ mô ấy đã được kiểm soát. Giới đầu tư, giới làm ăn, cả nước ngoài và trong nước, bắt đầu tin tưởng vào bức tranh vĩ mô tổng thể sẽ sáng sủa hơn. Đây đó có những tổ chức đầu tư nhận định Việt Nam có thể là câu chuyện thời cơ hay nhất ở châu Á. Vậy phải tận dụng thời cơ có một không hay này. Khi đến Việt Nam, một số nhà đầu tư từ châu Âu hiểu rằng lục địa già đang phải đối mặt với vô số vấn nạn từ khủng bố, di cư, dân số già nhanh, thay đổi khí hậu đến sức mua yếu, lạm phát thấp… Việt Nam có vấn đề riêng nhưng không phải là những vấn đề gần như bất khả kháng của châu Âu. Bởi thế, lúc này điều mà chứng khoán Việt cần làm là “tránh đừng để nhà đầu tư thất vọng”!
Nghe tưởng chừng đơn giản, thực tế lại không hề giản đơn chút nào. Bản chất của câu chuyện “tránh để thất vọng” một phần phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư. Năm nay ngay trong quí 1, theo chu kỳ là quí sôi động của chứng khoán, thị trường lại một lần nữa cận kề 500 điểm, tâm lý nhà đầu tư không còn mạnh mẽ khi dòng tiền ngoại rút khỏi thị trường bền bỉ và dòng tiền nội tìm đến thị trường bất động sản, nơi đang có ít nhiều con sóng lăn tăn. Làm gì để củng cố tâm lý nhà đầu tư? Sự nỗ lực của riêng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là chưa đủ vì chứng khoán đòi hỏi những giải pháp tổng hợp, mang tính bao quát ở tầm cơ quan quản lý cao hơn, phối hợp đồng bộ hơn.
Theo TBKTSG

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)