Vì sao Hoa Kỳ thất bại trong chính sách tự do tôn giáo quốc tế?

Tiến sĩ Thomas Farr thuộc Trung tâm Nghiên cứu Berley (Georgetown) được coi là một trong những nhân vật chính diện trên chính trường Washington. Bản điều trần của ông vào ngày 13 tháng 6 trước Tiểu ban An ninh Quốc gia thuộc Ủy ban của Hạ Viện về Giám sát và Cải cách Chính phủ đã phản ánh một cách tỉnh táo và sâu sắc về sự thất bại của Hoa Kỳ đối với chính sách tự do tôn giáo quốc tế.

Thật khó để nêu tên được một quốc gia trên thế giới, mà trong suốt hơn 15 năm qua, nhờ sự giúp đỡ từ chính sách tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đã giảm bớt đàn áp tôn giáo hay gia tăng tự do tôn giáo một cách đáng kể hoặc bền vững?

Farr là người có đủ thẩm quyền và tư cách để nói về vấn đề này vì ông từng là chủ nhiệm đầu tiên của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1999-2003, và đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giành tự do tôn giáo trên toàn cầu kể từ lúc đó. Ông làm việc đó xuất phát từ niềm xác tín rằng “đây là việc làm đúng đắn, vừa từ một nhận định khôn ngoan về mặt chính sách: tự do tôn giáo thúc đẩy hòa bình, vì những quốc gia vi phạm quyền tự do quan trọng này hầu hết lại là những quốc gia mà sự ổn định nội địa, chính sách kinh tế, và chính sách ngoại giao có liên quan mật thiết đối với lợi ích của Hoa Kỳ.

Vậy nếu việc thúc đẩy tự do tôn giáo ở nước ngoài (giống như việc bảo vệ quyền này ở trong nước) là một hướng đi vừa đúng đắn vừa khôn ngoan, thì tại sao Hoa Kỳ lại thực hiện kém cỏi như vậy?

Trích trong bản điều trần của Farr, tại sao “thật khó để nêu tên được một quốc gia trên thế giới, mà trong suốt hơn 15 năm qua, nhờ sự giúp đỡ từ chính sách tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đã giảm bớt đàn áp tôn giáo hay gia tăng tự do tôn giáo một cách đáng kể hoặc bền vững?” Thực tế điều ngược lại mới đúng: đó là “ trong hầu hết các quốc gia nơi mà Hoa Kỳt đổ tiền bạc, xương máu và cả các nguồn lực về ngoại giao (như I-rắc, Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và Nga), thì chỉ số về tự do tôn giáo lại đang tụt dốc còn các vụ đàn áp tôn giáo thì gia tăng”.

Farr đưa ra một số nguyên do về mặt cấu trúc.

Đầu tiên, Hoa Kỳ tiếp cận vấn đề tự do tôn giáo quốc tế một cách cực kỳ khoa trương: đưa ra báo cáo hàng năm, các bài phát biểu, công bố danh sách những người phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, những điều này lại chẳng có ảnh hưởng gì mấy tới các thủ phạm đó.

Từ điều này lại gợi ý tiếp cho ta một nguyên nhân khác nữa về mặt cấu trúc, lý giải vì sao những nỗ lực xúc tiến cho tự do tôn giáo trên thế giới, vốn được Quốc hội ủy nhiệm, vẫn không mang lại kết quả: nó đã không được tính toán kỹ lưỡng về mặt chiến lược. Hoặc như Farr đã khẳng định, bằng cách nói thẳng, rằng không một tổng thống hay ngoại trưởng nào có sự phối hợp, cố gắng liên tục để hợp nhất việc thúc đẩy tự do tôn giáo vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ khi Đạo luật Tự do Tôn giáo Toàn cầu được thông qua năm 1998.

Vì vậy, hầu hết các chuyên gia trong ngành ngoại giao của Hoa Kỳ đã không dành sự quan tâm thích đáng cho tự do tôn giáo như một phần của chính sách đối ngoại. Thực vậy, Farr đã xác nhận: những nhà ngoại giao của chúng ta đã không được đào tạo để hiểu biết thế nào là tự do tôn giáo và tại sao nó lại quan trọng, chưa kể làm thể nào để thúc đẩy nó. Và nếu như các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không đòi hỏi việc lập kế hoạch chiến lược chính sách phải bao gồm các vấn đề tự do tôn giáo, thì thái độ hoài nghi vốn đã bắt rễ sâu trong việc thiết lập chính sách ngoại giao về tầm quan trọng đích thực của tự do tôn giáo đối với các cá nhân và xã hội (thái độ hoài nghi làm củng cố quan điểm chính trị thực tiễn rằng tự do tôn giáo không phải là một chính sách ngoại giao đích thực) sẽ vẫn là quan điểm được mặc định trong giới ngoại giao.

Điều này dẫn chúng ta đến một vấn đề có liên quan khác về mặt cấu trúc. Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế được thành lập trong Bộ Ngoại giao theo sự ủy quyền của Quốc hội, với cơ chế quan lieu đó – như mọi định chế quan liêu khác – họ đặc biệt khéo léo trong việc bưng bít bất kỳ vấn đề gì mà cơ quan này cho là không phải mảng quan tâm của họ, khiến cho việc lên kế hoạch nghiêm túc về chính sách không thể thực hiện được. Vì vậy văn phòng và đại sứ đặc mệnh về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế (một chức vụ đã được Quốc hội ủy quyền) thường bị cô lập bên trong Bộ Ngoại giao, bị cắt giảm ngân sách, và giới hạn việc tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các quan chức có thực quyền đưa ra chính sách.

Như tiến sĩ Farr kết luận sau khi nhìn bao quát khung cảnh ảm đạm này: “Hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và các chính phủ nước ngoài không nhìn nhận tự do tôn giáo là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Không có gì ngạc nhiên khi tự do tôn giáo đóng vai trò rất nhỏ hoặc thậm chí không có vai trò nào trong chiến lược của Hoa Kỳ để giúp ổn định các nền dân chủ non trẻ vốn còn đang phải vật lộn để tồn tại, như ở I-rắc hay Pakistan, khuyến khích tăng trưởng kinh tế ở những nơi như Ai Cập hay Nigeria, hoặc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố mang tính chất tôn giáo mà vẫn âm thầm sinh sôi ở nhiều quốc tại vùng Đại Trung Đông.

Tự do tôn giáo là đúng đắn. Tự do tôn giáo là khả thi. Nhưng việc thúc đẩy quyền tự do này vẫn bị gạt ra bên lề trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều đó rõ ràng vừa không đúng đắn, vừa không khôn ngoan.

George WeigelFirst Things

CTV Phía Trước chuyển ngữ

© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)