Việt Nam Thời Báo

Vì sao Việt Nam có hơi hướng bỏ chế độ hộ khẩu?

Vào tháng 6/2016, một hiện tượng có vẻ “lạ” là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trên cơ sở phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB), đã công bố một bản khảo sát về tình trạng không có hộ khẩu của nhiều người dân. Cùng lúc, một số tờ báo nhà nước cũng đề cập đến tình trạng này theo quan điểm có vẻ đồng thuận với khuyến nghị của WB về sự cần thiết phải bỏ chế độ hộ khẩu ở Việt Nam.
Hình luatminhgia.com.vn
Vì sao lại xuất hiện hiện tượng đặc biệt trên, trong khi hộ khẩu được coi là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam? 
Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5.6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng lý xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện. 
Tuy nhiên nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung cộng. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua. 
Có lẽ chỉ từ năm 2013, việc bỏ chế độ hộ khẩu mới lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ nét hơn. Khuyến nghị này đến từ WB và một số tổ chức nhân quyền quốc tế. Tuy vậy, quyền hành xử và quyết định về hộ khẩu lại thuộc Bộ Công an – một cơ quan bị coi là cực kỳ bảo thủ và rất thường bị thế giới lên án về đàn áp nhân quyền trong nước. 
Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời. 
Cho đến cuối năm 2015, WB mới bắt đầu tỏ rõ uy lực của mình trong các khuyến nghị về nhân quyền. Tháng 12/2015, bà Victoria Kwa Kwa – giám đốc WB tại Việt Nam đã trao cho chính phủ nước này một bản khuyến nghị 7 điểm, với khuyến nghị đầ tiên là đặc biệt chưa từng có: Việt Nam cần sớm ban hành Luật Lập hội.
Có thể hiểu với khuyến nghị trên, WB đã chính thức tham dự vào mặt trận nhân quyền cho người dân Việt Nam. Để nửa năm sau đó, có hy vọng khuyến nghị của WB về bỏ chế độ hộ khẩu sẽ được chính quyền Việt Nam “xem xét”. 
Trong thực tế, WB cùng với quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và chính phủ Nhật Bản là ba chủ nợ lớn nhất của chính thể Việt Nam. Nhưng từ năm 2015, WB và IMF đã tuyên bố chấm dứt các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, tức đến giữa năm 2017, Việt Nam sẽ phải vay với lãi suất thị trường. 
Bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quồc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” nhiều hơn. 
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.