
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Hôm nay, Civil Rights Defenders ra thông cáo khẳng định việc chuyển trại vô cớ đối với tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đến một trại giam hẻo lánh là trái với các nghĩa vụ theo luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết. Vào ngày 5/5 vừa qua, Thức – một blogger từng hoạt động tích cực trước khi bị kết án – đã bị chuyển đến một trại giam cách xa nơi gia đình anh sống 1.500 cây số. Trước đó gia đình anh không hề nhận được bất kỳ thông báo nào về sự việc trên. Về phần mình, trong đợt thăm nuôi vào cuối tuần vừa qua, Thức cho gia đình biết anh sẽ bắt đầu tuyệt thực kể từ ngày 24/5 tới. Đây cũng là ngày đánh dấu tròn 7 năm anh bị bắt.
Hồi tháng Ba, Thức cùng một số tù nhân chính trị khác đã tiến hành tuyệt thực trong 13 ngày để phản đối những hạn chế vô cớ của trại giam Xuyên Mộc đối với quyền được gửi và nhận thư từ, sách vở từ gia đình cũng như việc trại giam dùng hình thức biệt giam để kỷ luật phạm nhân. Trước lần chuyển trại mới nhất này, có những cáo buộc cho rằng các quản trại đã đe dọa sẽ trả đũa Thức sau khi anh khiếu nại trại giam và gửi đơn đến các cơ quan nhà nước khác tố cáo tù nhân chính trị bị bạc đãi. Cho đến nay vẫn chưa có hồi đáp nào từ các cơ quan nói trên.
Là một thành viên tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo mọi cá nhân đang bị tước quyền tự do được “đối xử bằng tinh thần nhân đạo và tôn trọng đối với nhân phẩm vốn có của họ” (Điều 10). Trong Bình luận Chung về Điều 10 có hiệu lực thi hành bắt buộc được ban hành bởi Ủy Ban Quyền Con Người của Liên Hiệp Quốc – cơ quan có chức năng theo dõi và đánh giá việc thực thi Công ước của các quốc gia thành viên – đã xác nhận việc đối đãi trong tinh thần nhân đạo và tôn trọng phẩm giá của phạm nhân là “một quy tắc căn bản có tính áp dụng chung” vốn “cần được thi hành mà không được có bất cứ sự phân biệt nào”, kể cả yếu tố khác biệt về quan điểm chính trị.
Năm 2012, Nhóm làm việc về các trường hợp Giam giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc đã kết luận án tù đối với Thức là tùy tiện, đồng thời kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do và bồi thường thiệt hại cho anh.
Civil Rights Defenders kêu gọi Việt Nam cần ngay lập tức trao trả tự do vô điều kiện cho Thức và những công dân khác đang chịu án tù hoặc bị giam giữ chỉ vì đã thực hành quyền con người của họ. Mặt khác, trong thời gian họ chưa được trả tự do, Civil Rights Defenders đề nghị các trại giam giữ trên toàn Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ quy định ở Điều 10 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, đặc biệt Bộ Quy tắc Tiêu chuẩn Tối thiểu về Đối xử với các Tù nhân (Bộ Quy tắc Mandela) của Liên Hiệp Quốc, trong đó bao gồm:
o Quy tắc 43.3: Các hình thức kỷ luật và biện pháp hạn chế không được bao gồm việc ngăn cấm tù nhân liên lạc với gia đình. Tù nhân có thể bị hạn chế liên lạc với gia đình nhưng chỉ trong một thời gian giới hạn nhất định và phải hoàn toàn vì mục đích duy trì an ninh, trật tự.
o Quy tắc 57.2: Cần có các biện pháp đảm bảo nhằm tạo điều kiện để tù nhân gửi yêu cầu hoặc khiếu nại được an toàn và một cách kín đáo, nếu có yêu cầu từ người khiếu nại. Tù nhân […] cần được đảm bảo sẽ không phải chịu bất kỳ nguy cơ nào về khả năng bị trả đũa, trấn áp hoặc các hậu quả tiêu cực khác từ việc gửi yêu cầu hoặc khiếu nại.
o Quy tắc 59: Trong khả năng cho phép, tù nhân cần được sắp xếp nơi thi hành án ở trại giam gần với gia đình họ hoặc nơi họ sẽ tái hòa nhập xã hội sau khi ra tù.
o Quy tắc 68: Mọi tù nhân cần có quyền và được tạo điều kiện cũng như khả năng để nhanh chóng thông báo cho gia đình họ hoặc người được chỉ định liên lạc trực tiếp về tình trạng giam giữ và việc chuyển trại của họ […].
Thông tin bổ sung
Ngày 24/5/2009, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị chính quyền bắt và khởi tố ban đầu với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự (cũ) của Việt Nam vì các hoạt động thực hành quyền tự do biểu đạt trong ôn hòa. Ngày 20/1/2010, trong một phiên tòa chỉ diễn ra trong 1 ngày, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án Thức cùng ba người bạn của anh trong cùng vụ án với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự (cũ). Anh nhận bản án 16 năm tù kèm 5 năm quản chế.
Thời gian qua, Thức đã thi hành bản án tại trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 7/5/2016, một nguồn tin bên ngoài thông báo cho gia đình biết Thức đã bị đưa đến một trại giam khác ở Nghệ An, một tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Ngày 8/5, gia đình anh đến trại Xuyên Mộc để xác minh sự việc. Ban quản lý trại giam xác nhận việc chuyển trại và cho biết họ được lệnh thi hành theo một quyết định ngày 5/5/2016 của Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp thuộc Bộ Công An. Đến nay gia đình anh chưa nhận được một giải thích chính thức nào cho việc chuyển trại này.
Hiện Thức đang bị giam giữ tại Trại giam số 6 thuộc xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An – cách thành phố Hồ Chí Minh 1500 km. Trước đó, trại giam Xuyên Mộc cách thành phố Hồ Chí Minh 100 km.
Nguồn: https://www.civilrightsdefenders.org/news/statements/vietnam-blogger-transferred-to-remote-prison/
Dân luận