Việt Nam: Cách mạng bất bạo động sẽ thành công hay không?

Võ Long Triều
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Lương Chấn Anh phải từ chức!

Cuộc biểu tình bất bạo động đòi tự do bầu cử ở Hong Kong và yêu cầu Hành Chánh Trưởng Quan Lương Chấn Anh, thân Trung Quốc, phải từ chức. Phong trào do sinh viên khởi xướng và huy động hàng trăm ngàn người ủng hộ tham gia. Dân chúng chiếm khu hành chánh, khu thương mại Causeway và Mong Kok, kéo dài từ tối Thứ Sáu ngày 26 tháng 9 năm 2014 cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên người dân thưa dần và hôm Thứ Hai 6/10 sinh viên khai thông đường dẫn vào khu hành chánh để cho nhân viên có thể tiếp tục đi làm. Sinh viên chấp nhận đối thoại với nhà cầm quyền để giải quyết vấn đề, tuy nhiên nếu chính quyền ra lệnh cảnh sát đàn áp thì không còn đối thoại được nữa. Đặc khu Trưởng Lương Chấn Anh hôm Thứ Hai 6/10 nói: “Chính phủ muốn có một cuộc đối thoại thành thật về vấn đề cải cách chính trị”. Cuộc đối thoại được ấn định vào ngày Thứ Sáu 10/10 lúc 16 giờ chiều. Phải chăng mục đích nhà cầm quyền kéo dài để cho người biểu tình mệt mỏi và dân chúng càng bất bình vì đời sống bị xáo trộn?

Những ngày đầu cảnh sát Hồng Kông dùng súng xịt nước cay, lựu đạn khói, sinh viên phản ứng bằng cách dùng cây dù, vừa che nắng che mưa vừa để chống nước cay, khói và bột hạt tiêu. Do đó nẩy sinh từ ngữ “Cách Mạng Dù”. Nhiều tin đồn đoán cảnh sát sẽ đàn áp, cũng có tin lính Trung Quốc sẽ trá hình, mang sắc phục cảnh sát Hong Kong giúp ông Lương Chấn Anh tái lập trật tự. Nhưng cho tới hôm nay 8/10 chưa có dấu hiệu đàn áp nào. Bắc Kinh tố cáo sinh viên quá khích, có liên hệ với nước ngoài, tạo loạn làm mất an ninh trật tự. Nhưng báo chí Trung Cộng khởi sự đấu dịu và cho rằng ông Lương Chấn Anh có khả năng tự giải quyết. Chưa biết thủ đọan gì sẽ xẩy ra.

Tưởng cũng nên nhắc sơ qua về tình hình chính trị Hong Kong. Triều đình nhà Thanh từ chối nhập cảng thuốc phiện của Liên Hiệp Anh vì vậy xẩy ra chiến tranh nha phiến, Anh Quốc chiếm Hong Kong ngày 20/01/1841. Mãi đến ngày 29/8/1842 nhà Thanh mới chính thức nhượng Hong Kong cho nước Anh theo Điều Ước Nam Kinh. Năm 1898 do “Hiệp Định Mở Rộng” Anh Quốc được thuê Hong Kong trong vòng 99 năm. Đến năm 1997 Anh Quốc chuyển giao chủ quyền cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bằng một “Tuyên Bố Chung Trung-Anh” và luật cơ bản của Hong Kong quy định vùng đất nầy được hưởng “quy chế tự trị cao”, không bị áp đặt hệ thống kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa cho đến ít nhứt năm 2047-2050. Tại đây Trung Quốc hứa áp dụng “một quốc gia hai chế độ”. Người đứng đầu đặc khu Hong Kong sẽ được bầu thông qua “phổ thông đầu phiếu sau khi được đề cử bởi một ủy ban đại diện rộng rãi phù hợp với các thủ tục dân chủ”. Tiếc thay ủy ban nầy đa số là người của Trung Quốc hay thân Trung Quốc. Như vậy hóa ra là “đảng cử dân bầu” đúng theo chế độ cộng sản. Do đó các nhà tranh đấu dân chủ đòi bầu cử tự do và yêu cầu Lương Chấn Anh từ chức vì là người của Trung Quốc.

“Giá trị của những tâm hồn cao quí không chờ con số của năm tháng”

“Cách Mạng Dù” do một thanh niên 17 tuổi tên Joshua Wong, theo phiên âm Hán-Việt là Hoàng Chí Phong, sinh viên ngành khoa học chính trị hành chánh cộng đồng. Năm 15 tuổi Joshua phản đối đề nghị của Bắc Kinh đem chương trình “giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường Hong Kong. Tháng 5 2011 JoshuaWong cùng với một học sinh trung học khác tên Lâm Lương Ngạn lập phong trào “Học Dân Tư Triều” lấy tên Scholarism. Tháng 9 năm 2012 phong trào huy động 13 cuộc biểu tình tuyệt thực thành công, buộc lãnh đạo đặc khu phải bãi bỏ đề xuất giáo dục của Bắc Kinh. Tháng 6/2014 Scholarism đưa ra kế hoạch bầu cử đặc khu trưởng. Tháng 7/2014 phong trào tổ chức cuộc biểu tình ngồi, khiến các quan chức Trung Quốc lên án cảnh cáo, kết quả có 511 người bị bắt. Cuối tháng 9/2014 phong trào sinh viên Scholarism kêu gọi bãi khóa, biểu tình ôn hòa đòi bầu cử dân chủ. Hàng trăm ngàn người ủng hộ xuống đường.

Vấn đề đặt ra là biểu tình ôn hòa bất bạo động như việc xẩy ra tại Hong Kong có thể đạt được nguyện vọng và thay đổi chế độ không? Và trong điều kiện nào nẩy sinh một nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt quần chúng đi đến kết quả mong muốn?

Anh Joshua Wong là một nhân vật khá đặc biệt, ở tuổi 15 anh đã ý thức được tinh thần độc lập dân chủ, tạo dựng được phong trào Scholarism chống sự áp đặt giáo dục của Bắc Kinh. Ở tuổi 17 anh phát động phong trào đòi tự do bầu cử cho Hong Kong. Chính nghĩa và sức thuyết phục của Joshua lôi cuốn Đức Hồng Y Công Giáo Joseph Zen, 82 tuổi cũng xuống đường và ngài tuyên bố với hãng thông tấn Reuters: “Đã đến lúc chúng tôi phải thực sự cho thấy rằng chúng tôi muốn được tự do và không còn chấp nhận nô lệ nữa”.

Phải công nhận tuổi trẻ của Joshua Wong với sự sáng suốt và tài năng thiên phú của anh làm cho người ta nhớ tới lời của đại văn hào Pháp Pierre Corneille, viết trong vở kịch Le Cid: “Giá trị của những tâm hồn cao quí không chờ con số của năm tháng” (aux âmes bien nées, la valeur n’attend point le nombre des années). Nhưng đặc biệt hơn cả, giá trị đó thật sự cũng do ảnh hưởng của môi trường sống, của chế độ sinh hoạt xã hội và nhà trường.

Việc làm của Joshua Wong xác quyết một điều, là người lãnh đạo chỉ cần ý thức rõ ràng mục tiêu tranh đấu, quyết tâm, kiên trì, chấp nhận hy sinh đi cho đến thành công. Joshua nói với đài CNN: “Nếu bạn nghĩ rằng đấu tranh cho dân chủ là một cuộc chiến kéo dài và bạn tiến hành từ từ thì bạn sẽ không bao giờ chiến thắng. Bạn phải xem đó là trận chiến cuối cùng thì mới có quyết tâm đi đến thành công”. Một đồng đội khác của Joshua, anh Chan Kin Man nói với đài CNN rằng: “Chúng tôi nhìn phong trào đấu tranh dân chủ như một trận đánh (a battle). Nó phải là một trận chiến (a war). Bởi vì khi tinh thần dân chủ vẫn sống thì chúng tôi không thua, chúng tôi sẽ không bị đánh bại”.

Joshua học tại Đại Học Hong Kong không bị kềm chế, theo dõi, ngăn cấm và anh sống trong một xã hội tương đối có tự do dù từng là thuộc địa của Anh Quốc. Anh không bị bắt giam tù đày khi anh sử dụng quyền con người là tự do phát biểu chính kiến của mình một cách ôn hòa bằng lời nói hay hành động. Nếu Joshua sinh sống tại Bắc Kinh chưa chắc anh đã có quyền lập hội Scholarism, anh không thể tổ chức biểu tình tuyệt thực 13 lần đòi thay đổi chương trình giáo dục.


Rất ít thành công không đổ máu

Xét cho cùng thiên tài, thiên phú và lòng yêu nước không thể biểu lộ và phát triển trong một chế độ độc tài đảng trị như cộng sản. Sự ôn hòa bất bạo động không thể đối chọi với sự đàn áp tàn bạo sắt máu như tại Thiên An Môn, Tiệp Khắc, Miến Điện… Thực tế chỉ có bạo lực đối chọi với bạo lực mà thôi, thắng hay bại là do tương quan lực lượng. Thông thường tự do phải trả bằng máu và nước mắt. Người lãnh đạo phải có đủ uy tín, thừa hy sinh và can đảm mới hy vọng tổ chức được một phong trào lớn mạnh đòi dân chủ nhân quyền. Nelson Mandela phải chịu 27 năm tù mới tạo được cho dân Nam Phi sự công bằng và tự do.

Nhìn lại lịch sử có rất ít cuộc cách mạng thành công mà không đổ máu. Tại Ấn Độ Mahatma Gandhi được tôn sùng như một đấng cứu tinh, ông đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động, bất hợp tác, bởi vì ông có khả năng thuyết phục dân Ấn Độ tự trồng bông và tự dệt vải, ông có thể kêu gọi toàn dân ra biển múc nước phơi khô thành muối với mục đích tẩy chay hàng hóa của Anh Quốc. Chính quyền thực dân bắt giam người chống đối, Mahatma Gandhi kêu gọi đông đảo quần chúng, hàng trăm ngàn người tình nguyện sắp hàng xin được vào tù. Anh Quốc không đối phó nổi đành trao trả độc lập cho Ấn Độ năm 1947.

Tại Philippimes một cuộc biểu tình ôn hòa với sự tham gia hơn 2 triệu người buộc Tổng Thống Ferdinand Marcos phải từ chức năm 1986 và trốn sang Mỹ. Tại Ba Lan Liên Đoàn Lao Động do Lech Walesa đứng đầu tổ chức biểu tình đình công khắp xứ với sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, khiến Tổng Thống Czeslaw Kiszczack, đảng viên cộng sản phải từ chức ngày 15/8/1989.

 

biểu tình nằm ở Việt nam

Việt Nam: Từ phản tỉnh hay dân chúng?

Người ta tự hỏi bài học của Hong Kong có thể áp dụng ở Trung Quốc hay Việt Nam không? Thực tế khó có thể xẩy ra. Như trên đã nói, chế độ cộng sản có mạng lưới công an dày đặt kiểm soát sinh viên, tôn giáo, và quần chúng gắt gao. Từ học vấn của sinh viên đến sinh hoạt hàng ngày của quần chúng. Mọi chống đối, bất đồng chính kiến sẽ bị đàn áp về tinh thần và thể chất rất mạnh bạo dã man. Vì vậy sinh viên học sinh ngoan ngoãn, tuyệt đại đa số quần chúng đều an phận tìm cách sinh sống qua ngày. Công giáo biểu tình, bị đánh đập, giáo sĩ và giáo dân mang thương tích trầm trọng. Hòa Hảo, Tin Lành bị đối xử còn tệ bạc hơn vì ít tín đồ. Dân oan bị cướp đất, biểu tình khiếu nại công an giải tán bằng vũ lực.

Tóm lại giới trẻ và trí thức Việt Nam dù đã thức tỉnh, họ đấu tranh đòi tự do nhân quyền, chống Trung Quốc xâm lăng, nhà cầm quyền đã dùng mọi biện pháp cứng rắn, biến lực lượng năng nổ nhứt là sinh viên học sinh, và trí thức thành số đông cầu an ngoan ngoãn sợ bị tù đầy dài hạn.

Tuổi trẻ của chúng ta cũng có Võ Minh Trí (bút danh Việt Khang), nhạc sĩ 36 tuổi sáng tác hai bài “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai”, phê bình chính sách đàn áp dân biểu tình chống giặc Bắc, bị kết án 4 năm tù giam 2 năm quản chế. Cũng may đó chưa phải là hành vi lãnh đạo, hô hào biểu tình tranh đấu cho đất nước độc lập, cho dân tộc được tự do. Nếu Việt Khang hành động theo kiểu Joshua Wong chắc anh sẽ lãnh án tù không có ngày ra.

Còn biết bao nhiêu bạn trẻ khác đã, đang, và sẽ còn vào tù vì lòng yêu nước chống giặc, hay đòi tự do dân chủ nhân quyền. Như Đinh Nguyên Kha 26 tuổi, lãnh 4 năm tù giam, Nguyễn Phương Uyên 22 tuổi, sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm, lãnh 3 năm tù treo, bị đuổi học. Cả hai vì tội phát tán truyền đơn chống Trung Quốc xâm lăng. Quyền tự do phát biểu ý kiến bằng lời hát, bằng truyền đơn dán tường đều bị tù giam, thì nói chi đến việc biểu tình phản đối nhà cầm quyền, hoặc hô hào đòi dân chủ.

Ngoài sự kềm kẹp đàn áp thô bạo bằng vũ lực, bằng pháp lý một chiều của nhà nước, còn một yếu tố khác cũng quan trọng khiến người Việt Nam hay Trung Quốc khó đòi tự do dân chủ, đó là sự thờ ơ của quần chúng. Tự do dân chủ nhân quyền xa lạ đối với họ, trong khi cuộc sống hàng ngày trong hoàn cảnh khó khăn mới thật sự là gần, buộc họ phải lưu tâm.

Dù sao cuộc Cách Mạng Dù ở Hong Kong mãi mãi sẽ là tấm gương sáng cho mọi quốc gia sống dưới chế độ độc tài áp bức, đặc biệt là Việt Nam hay Trung Quốc.

Những ý kiến viện dẫn hé mở cho thấy, một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam, nếu có, chỉ có thể xẩy ra trong điều kiện: Một là do đảng viên cộng sản phản tỉnh, đứng ra hành động dẹp bỏ chế độ độc tài đảng trị. Hai là do tham nhũng, bất công, đàn áp, làm dân chúng nghèo đói tận cùng, lòng dân phẫn nộ, tự nhiên sẽ xuất hiện một người hay một đoàn người đứng lên.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)