Việt Nam Thời Báo

Việt Nam: Hướng đi cho phát triển đô thị bền vững

Tôn Phi

(VNTB) – Hiện nay, đối với vấn đề xây dựng đô thị người ta hay sử dụng hai cụm từ “phát triển nén – compact” và “phát triển dàn trải nhảy cóc – sprawl”.
Phát triển nén được hiểu với mật độ dân số thật cao với hàng loạt tòa nhà cao tầng vươn lên. Phát triển dàn trải nhảy cóc được hiểu là  mọi phát triển diễn ra ngoài rìa của đô thị.
Vấn đề mà đô thị Việt Nam đang gặp phải chính là không kiểm soát được sự tăng trưởng của các đô thị, đầu tư không mang tính trọng tâm và những mảng đen trong thị trường đất đai… Dẫn đến, dù thực hiện compact hay sprawl thì cũng không giải quyết được sức ép của đô thị hóa lên hạ tầng kỹ thuật, làm ảnh hưởng ngày một lớn đến môi trường sống.
Sức ép đô thị là vì sao?
Một sự lo lắng nhỏ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, là hàng loạt rào cản về thuế được dỡ bỏ. Và nhiều người lo sợ sự gia tăng khả năng sở hữu ôtô, sẽ khiến các vùng đô thị tại Việt Nam phải đối diện với những khó khăn lớn về về năng lượng, kẹt xe, ô nhiễm…
Nhưng 8 năm sau, kể từ cái ngày hòa nhập với nền kinh tế thế giới đó, việc sở hữu ôtô cá nhân là không hề dễ dàng, trong khi chất lượng hệ thống hạ tầng đô thị Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự tiến triển. Đô thị hóa ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, sức ép dân số lên các đô thị ngày một nhiều, đặc biệt là tại các thành phố như Hồ Chí Minh  hay Hà Nội. Khiến cho bài toán giải quyết hướng bền vững đô thị gần như bế tắc. Ví dụ, chỉ riêng về vấn đề tỉ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ đạt có 6,31% trong khi theo quy hoạch thì tỉ lệ này tối thiểu phải đạt từ 15%-20%, lý tưởng là đạt 25%. Do vậy, 1km đường Hà Nội phải chịu tải trên 500 ôtô và 6000 xe máy, với tốc độ phát triển phương tiện 12-15%, thì tình trạng ùn tắc là câu chuyện dài dài.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, hệ quả của sự phát sinh tiêu cực đô thị đó là do quy hoạch chậm, thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo… Dẫn đến việc, nhiều nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu, ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan…
Chưa kể chất lượng quy hoạch thấp, thiếu nhiều quy hoạch, đặc biệt câu chuyện hạ tầng xã hội của một khu vực phát triển chưa được quan tâm, chưa kể trong phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng….
Tư duy quy hoạch đô thị lỗi thời?
Tất cả những vấn đề nêu trên đã tạo nên sức ép đô thị. Nhưng đó là bề nổi, còn bản chất lại nằm trong chính tư duy, khả năng, quy chuẩn quy hoạch đô thị của các cơ quan quy hoạch đô thị tại Việt Nam.
Đầu tiên, trong cách làm quy hoạch của Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại tư duy phương pháp quy hoạch của Liên Xô từ thập niên 50 của thế kỉ 20. Phương pháp quy hoạch này là phương pháp quy hoạch từ trên xuống, bỏ qua tiếng nói, nhu cầu của cộng đồng. Điều đó có nghĩa, quy hoạch đô thị trở thành điểm thể hiện ý chí của nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo sẽ quyết định tất cả các vấn đề trong đô thị. Do đó, các sản phẩm quy hoạch đô thị nhanh chóng lạc hậu trước những thay đổi liên tục của thực tiễn, cách thức quy hoạch không còn sự linh hoạt dẫn đến sự cản trở nguồn lực cộng đồng, xã hội trong việc phát triển quy hoạch đô thị.
Thứ hai, quy chuẩn chung của thế giới về mặt quy hoạch thì đây là ngành khoa học độc lập, thì tại Việt Nam, nó lại phục vụ cho nhu cầu chính trị. Dẫn đến tình trạng chỉ tiêu trong quy hoạch: quy định số dân/ địa vực hành chính, cơ sở hạ tầng (trường học, sử dụng đất)trên đầu người…. Nhưng vấn đề lại đi xa hơn khi các chỉ tiêu này không được tuân thủ trong thực tế mà chỉ mang tính tham khảo, khiến cho công tác quy hoạch trở nên khó khăn và có phần chắp vá “theo chỉ tiêu”. Hiện tượng quy hoạch treo (quy hoạch trên giấy) theo hướng thích chỗ nào vẽ chỗ đó, bấp chấp lãng phí tài nguyên đất là một trong những kiểu quy hoạch theo mục tiêu mà ta thường gặp.
Chưa kể, chiến lược quy hoạch lại phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia và từng vùng, cái chiến lược này cứ 5 năm lại thay một lần và quy hoạch lại phải chạy theo. Cộng thêm việc lãnh đạo các đô thị mỗi khi lên cầm quyền lại muốn tạo dấu ấn cá nhân (tư duy nhiệm kỳ) dẫn đến việc, chiến lược quy hoạch không liên tục, mà chỉ mang tính cầm chừng. Khiến cho sự phối hợp trong quy hoạch đô thị của các ngành liên quan dù có, nhưng vẫn tạo nên sự chồng chéo.
Trong khi đó, ở Việt Nam thị trường đất đai lại mang tính chất thể chế, dẫn đến việc phát triển dàn trải nhảy cóc. Nạn đầu cơ đã khiến cho thị trường đất đai ở Việt Nam bị méo mó, biến dạng. Giá nhà đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn quá và mua đi bán lại rất nhiều lần nên đẩy giá lên cao, dao động từ 12-15 triệu/m2… Điều này đã cản trở sự giãn dân ra các khu rìa trung tâm thông qua nhà ở nhận trợ giá hay còn gọi là nhà ở xã hội, một dạng nhà ở được xây dựng dựa trên cơ chế thuế ưu đãi, một chính sách đặc biệt có lợi cho dân cư vùng ngoại ô cũng như có tác dụng đồng bộ hóa sự phát triển, giãn dân trong quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, yếu tố quốc phòng – an ninh cũng được xem là yếu tố dẫn đến sự phát triển không lành mạnh của thị trường đất đai Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc cản trở rất lớn khả năng quy hoạch đô thị. Bản chất yếu tố này khiến cho tất cả các quy hoạch đều phải thông qua bên an ninh, quốc phòng và đất đai của 2 khu vực này là bất khả xâm phạm. Điều đó đồng nghĩa, mọi quy hoạch đều phải uốn nắn theo 2 khu vực này chứ không bao giờ có chuyện 2 khu vực này chịu uốn nắn theo quy hoạch cả.
Chính trong lối quy hoạch, và tư duy quy hoạch như vậy (quy hoạch thiếu tầm nhìn), khiến cho những vấn đề phát sinh ở các đô thị Việt Nam (kẹt xe, ô nhiễm, sức ép dân cư, chất lượng sống) không những không được cải thiện, mà  sự cố gắng cải thiện càng khiến cho môi sinh đô thị ngày càng khiến cho đô thị trả giá đắt hơn, trong khi tài nguyên đất đai và số tiền bỏ ra để giải quyết vấn đề nêu trên đã không đem lại kết quả nào đáng kể.
Hướng đi nào cho bền vững đô thị?
Sức ép đô thị đến từ chính khả năng và tư duy quy hoạch đô thị, do đó, muốn giải quyết vấn đề này, hướng tới sự bền vững trong phát triển đô thị thì cần một sự tiên phong trong thực hiện chuẩn quy hoạch đô thị kiểu mới. Đồng nghĩa với cách tân trong tư duy quy hoạch đô thị.
Một trong hướng đi như vậy là quy hoạch đô thị vệ tinh. Một cách thức, lý luận quy hoạch trái ngược hoàn toàn với mô hình “đô thị công nghiệp” lỗi thời mà nhiều đô thị Việt Nam vẫn còn đang áp dụng.
Đây là cách thức ra đời dựa trên sự phát triển của đô thị và xã hội đô thị vào thế kỷ 19. Và hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Ví như: New York với cụm đô thị kết nối: New York-Northern; New Jersey-Long Island; New York-New; Jersey-Pennsylvania…
Tại Việt Nam, những năm trở lại đây đã bắt đầu tìm kiếm mô hình này vừa giảm phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, vừa thực hiện cải thiện hạ tầng cơ sở, vừa giảm dân số và gánh nặng môi trường đô thị vùng trung tâm. Và TP. Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn đang đi đầu trong hình thành kiểu quy hoạch đô thị như vậy. Theo đó, đến năm 2025, thành phố này sẽ là một khu siêu đô thị kết nối với các đô thị vệ tinh: 15 thành phố vệ tinh (Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An -Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức, Cần Giuộc) ở 4 hướng (Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Mỹ Tho (Tiền Giang)) với chức năng phát triển theo mô hình “thành phố trong thành phố”, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ trực tiếp thực hiện quy hoạch chung, và theo định hướng dài hạn (10-15 năm), đồng thời tổ chức các đơn vị hành chính theo hướng chính quyền đô thị trực thuộc chính quyền TP HCM.
Đánh giá đây là hướng đi mới, bởi nó giúp thoát khỏi những tồn tại trong quy hoạch về mặt tư duy lẫn hiện trạng mà thể chế tạo nên: xóa bỏ tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, thoát khỏi lối quy hoạch truyền thống theo hướng công nghiệp… Đặc biệt, là sự chuyển đổi từ mô hình chính quyền hành chính sang chính quyền đô thị. Điều này, giúp đảm bảo sự quy hoạch tổng thể về bố trí không gian lãnh thổ, và quy hoạch tổng thể phát triển ngành được thống nhất. Tạo điều kiện cho việc đảm bảo nguồn lực về tài chính, nhân lực lẫn cơ chế, giúp thực hiện chức năng chính là quản lý đô thị và quy hoạch; chỉnh trang, xây dựng, bố trí lại dân cư và phát triển dịch vụ hạ tầng đô thị, tạo sự đồng bộ phát triển các vùng xung quanh và giảm sự ảnh hưởng của tài nguyên đất trong tiến trình quy hoạch… một cách xuyên suốt.
Như TP.HCM, chưa cần đến thời điểm năm 2025, nhưng việc bắt đầu kết nối hướng đi mô hình đô thị vệ tinh đã giúp cho áp lực dân cư của thành phố trên cơ sở hạ tầng giảm xuống ít nhiều, với việc hệ thống giao thông kết nối giữa các vệ tinh được mở rộng: xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai, nút giao thông Tân Vạn… khiến cho thời gian di chuyển giữa các vệ tinh vào thành phố được rút ngắn đáng kể, tình trạng kẹt xe đã được giải quyết được một phần. Sắp tới đây, là hệ thống tàu điện/metro nối các thành phố vệ tinh với thành phố trung tâm sẽ càng giúp cho tình trạng giao thông thành phố sẽ càng được cải thiện thêm…

Như vậy, thay vì dính vào bài toán quy hoạch đô thị trung tâm, và việc tiến hành chỉnh trang đô thị không lối thoát trong tư duy quy hoạch như nói trên, thì việc hướng đến xây dựng đô thị vệ tinh như cách Tp. Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, Hải Phòng… đang đi là phương án để giải đáp cho bài toán khó về quy hoạch đô thị, một cách thức “phát triển nén – compact” và “phát triển dàn trải nhảy cóc – sprawl” đồng bộ và bền vững và giải quyết tốt nét đặc thù (tiêu cực) trong quy hoạch đô thị tại Việt Nam hiện nay. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại học của Việt Nam: Đầu tàu phá hoại mỹ quan đô thị?

Phan Thanh Hung

VNTB- Mọi chuyện thay đổi quá nhanh…

Phan Thanh Hung

Thông tin thêm về vụ hành hung nhà báo Trương Minh Đức

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.