Việt Nam Thời Báo

Việt Nam trong danh sách ‘điều tra thương mại’ của Mỹ

VOA

Tổng thống Donald Trump thông báo về sắc lệnh liên quan tới thương mại hôm 31/3.
Tổng thống Donald Trump thông báo về sắc lệnh liên quan tới thương mại hôm 31/3.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sẽ bị Hoa Kỳ điều tra liên quan tới tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ, lên tới hàng trăm tỷ đôla của Mỹ.


Một trong các sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký cuối tuần trước sẽ “yêu cầu báo cáo về các nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt thương mại trong vòng 90 ngày”, và chính quyền Washington “dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp công khai với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ, các công nhân, nông dân và người tiêu dùng [Mỹ]”.

Tin cho hay, ngoài Việt Nam, 15 nước khác là trọng tâm của báo cáo điều tra sắp tới, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Italia, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Đài Loan, Indonesia và Canada”.
“Họ là những kẻ lừa đảo! Kể từ nay trở đi, những ai phá vỡ các quy tắc sẽ phải đối mặt với các hậu quả, và đó là các hậu quả nghiêm trọng. Hàng nghìn nhà máy đã bị đánh cắp khỏi nước ta, nhưng những người Mỹ không có tiếng nói giờ có một tiếng nói trong Nhà Trắng”, ông Trump phát biểu tại buổi lễ hôm 31/3.
“Dưới chính quyền của tôi, việc đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt. Chúng ta rốt cuộc sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho công nhân Mỹ”.


Ngoài ra, một sắc lệnh khác cũng nêu ra các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với tình trạng trốn thuế nhập khẩu.

“Tự phòng vệ”

Từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “không ngạc nhiên”, nhưng “lo ngại các biện pháp đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại bình thường theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Về khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại với Mỹ, chuyên gia kinh tế này nói thêm:

“Cái cuộc chiến thương mại đó có lẽ là sẽ diễn ra đối với tất cả các nước mà ông Donald Trump đã liệt kê. Hiện nay, Đức đã có thái độ rất là gay gắt đối với việc Hoa Kỳ đối xử đối với thép của Đức và đưa Đức vào danh sách đó. Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao Đức đã thể hiện sự bất bình. Còn đối với Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, nếu ông Donald Trump có biện pháp đối với các nước khác, thì các nước ấy cũng sẽ có biện pháp tự phòng vệ và có thể là trả đũa lại với Hoa Kỳ. Một viễn cảnh chiến tranh thương mại là một viễn cảnh rất đáng lo ngại”.


Trước khi ông Trump thông báo hai sắc lệnh hành pháp về thương mại, các nhà phân tích quốc tế đã nhận định về khả năng rằng “Việt Nam có thể trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại sắp tới vì hưởng thặng dư lớn trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ”.

Việt Nam nằm trong top các nước mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại với mức 32 tỷ đôla.
Việt Nam nằm trong top các nước mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại với mức 32 tỷ đôla.

Năm ngoái, Việt Nam nằm trong top các nước mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại với mức 32 tỷ đôla. Đứng đầu trong danh sách là Trung Quốc với 347 tỷ đôla; tiếp theo là Nhật với 69 tỷ đôla; Đức với 65 tỷ đôla; Mexico với 63 tỷ đôla và Ireland với 36 tỷ đôla.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, ông Doanh cho rằng “Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp phòng vệ mà WTO đã cho phép”.

Ông nói thêm: “Việt Nam sẽ tính toán đa dạng hóa thị trường để bớt phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, tuy rằng điều này không phải dễ dàng và một sớm, một chiều có thể làm được. Việt Nam cũng sẽ có biện pháp trả đũa lại những hàng hóa mà Việt Nam nhập của Hoa Kỳ. Điều ấy không đem lại lợi ích gì cho Hoa Kỳ và cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chiến tranh thương mại là một trong những cơn ác mộng trong tình hình kinh tế hiện nay”.

“Dấu hiệu sắp giông bão”

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng phản ứng trước sắc lệnh hành pháp liên quan tới thương mại của ông Trump. Tới tối 4/4, trang web của Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Công thương Việt Nam chưa đưa có tuyên bố nào. Tuy nhiên, báo chí trong nước đã có nhiều bình luận.

Trang tin Soha News của Việt Nam viết rằng “ông Trump đang đưa nước Mỹ đến gần một cuộc chiến toàn những kẻ thua”, và rằng “các đối tác bị ảnh hưởng sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì thì làm và muốn đối xử với họ như thế nào cũng được”.

Còn tờ Dân Việt cho rằng quyết định trên là “dấu hiệu sắp giông bão”. “Phía Mỹ đang chuẩn bị về dư luận, chính trị và pháp lý cho những cuộc chiến tranh thương mại với các đối tác bên ngoài”, tờ báo thuộc Hội Nông dân Việt Nam viết thêm.


Ông Murray Hiebert, Cố vấn Cấp cao và Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận xét rằng “Mỹ đúng là có thâm hụt mậu dịch thương mại lớn với Việt Nam”, nhưng đồng thời “Việt Nam cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á”.

Ông nói tiếp: “Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt Nam mua của Mỹ đang gia tăng. Vậy nên, một khi Tổng thống Trump nắm được vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tôi không chắc là ông ấy sẽ nhắm mục tiêu vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện quan ngại về các nước như Mexico và Trung Quốc hơn là Việt Nam vì thông thương giữa Việt Nam và Mỹ không quá lớn”.


Đức, quốc gia nằm trong danh sách bị điều tra, đã lên tiếng chỉ trích hai sắc lệnh của ông Trump mà Bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng cho thấy “Washington muốn quay lưng khỏi thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế”, theo Reuters.

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ “tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế và cải thiện hợp tác cũng như đối thoại”.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo