Việt Nam Thời Báo

Việt Nam và lối thoát duy nhất

Trần Thế Kỷ
* Tác giả gửi bài cho VNTB

 Từ một nước đói ăn triền miên, thông qua Đại hội Đổi mới (1986) đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kéo theo nhiều sự thay đổi về diện mạo kinh tế – xã hội. Thế nhưng, càng về sau này Việt Nam càng lâm vào những khủng hoảng trên các lĩnh vực Kinh tế, xã hội, môi trường, giáo dục… Sự hậu so với các nước trong khu vực không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực.

Kinh tế yếu kém, phát triển kiểu “tụt hậu”

Dưới sự điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế Việt Nam mang một sắc màu u ám.

Tính đến ngày 01-04-2012, Việt Nam chỉ còn hơn 312.000 doanh nghiệp hoạt động trong tổng số trên 694.000 doanh nghiệp thành lập. Nền kinh tế hiện đang bị phụ thuộc, sản xuất chủ yếu là làm gia công, làm thuê cho Trung Quốc và các nước khác. Ngay cả khi nền kinh tế thế giới ra khỏi cơn suy thoái thì Việt Nam vẫn còn lặn hụp trong vũng lầy. Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, “Tăng trưởng của Việt Nam không nhờ tăng năng suất hay tiến bộ về khoa học công nghệ…mà chủ yếu dựa vào tăng qui mô nguồn vốn, khai thác tài nguyên…”

Nhưng có một yếu tố giúp kinh tế Việt Nam “dựa vào” mà ông Bộ trưởng quên nhắc đến, đó chính là lượng kiều hối hằng năm chảy vào Việt Nam. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam liên tục tăng mỗi năm. Tổng cộng từ năm 1993 tới 2013 là khoảng 84 tỷ USD. Riêng năm 2013 của Việt Nam đạt 11 tỷ USD giúp Việt Nam đứng vào danh sách các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Chính lượng kiều hối đã “giúp đỡ” Việt Nam gượng dậy trong sự suy sụp về mặt kinh tế.

Nhưng điều đó cũng không giúp được nhiều, theo thông báo chính thức từ Chính phủ, đến tháng 11-2013, mỗi người Việt Nam gánh 860 USD trong tổng số gần 77 tỉ USD mà chính phủ Việt Nam đi vay trong và ngoài nước. Tỉ lệ vay để trực tiếp trả nợ đang ngày một lớn, dẫn đến tỉ lệ nợ công lên tới 98% (so với 55% mà Chính phủ báo cáo) trong khi mức an toàn của nợ công là 65% GDP.

Ông Vũ Đình Ánh, một chuyên gia kinh tế đã phải thừa nhận rằng, Việt Nam làm ra 100 đồng thì phải dùng 98 đồng để trả nợ. Nguy cơ “vỡ nợ” hiện hữu, khác hẳn so với cam kết của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc “sẽ không để vỡ nợ”.

Một trong những nguyên nhân gây ra nạn nợ công tăng cao là vấn đề về việc sử dụng ODA địa phương, một trong những nguồn trực tiếp gây ảnh hưởng đến vấn đề nợ công cũng gặp nhiều yếu tố tiêu cực. Không ít các lãnh đạo địa phương vẫn tồn tại quan điểm rằng ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt. Chưa kể, bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả trong khi ngân sách nhà nước dành cho bộ máy chiếm tới 70%. Một nghịch lý là, Hoa Kỳ – đất nước có nền kinh tế số 1 thế giới với 320 triệu dân mà bộ máy nhà nước chỉ hơn 2 triệu người còn Việt Nam gần 90 triệu dân lại có tới 2.8 triệu công chức.

Do đó, theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Và “Thực tế là Việt Nam sẽ phải rất lâu mới đuổi kịp được”. Giáo sư Hà Văn Thịnh viết trên báo Một Thế Giới: “Có tìm thấy ở đâu giống với nước ta là nói nhiều, nói lắm mà tất cả sự sai trái, trì trệ vẫn y nguyên? Hình như chỉ có một cái thay đổi thôi: Nỗi đau của hàng triệu người nghèo ngày một nhức nhối hơn”.

Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc công bố tháng 9 – 2014, Việt Nam không có tiến bộ về “Phát triển con người”. Từ năm 2000 đến 2013, chỉ số HDI của Việt Nam đã giảm từ 1.7 xuống còn 0.96. Trong khi, hầu hết quốc gia châu Á đều có chỉ số HDI cao hơn Việt Nam (HDI là chỉ số tổng hợp từ các yếu tố tuổi thọ, tri thức, mức sống).

“Việt Nam nhẽ ra phải nằm trong nhóm các nước có thu nhập bình quân 7.000 USD thay vì 1.400 USD như hiện nay (2014) song thực tế không được do điều hành kém hiệu quả”, ông Olin McGill chuyên gia của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) chia sẻ.

Để kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng này, đa số các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đổi mới thể chế. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại (2014) nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực để phát triển và Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển”. Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định rằng vấn đề chính trị là cái gốc của thể chế kinh tế, “Không thể giải quyết vấn đề chính trị nếu không giải quyết vấn đề các nhóm lợi ích hiện nay. Cho nên đó là một cái vòng lẩn quẩn, các nhóm lợi ích lại thao túng chính trị, xây dựng chính trị và thậm chí hoàn chỉnh chính trị”.


Âm về giáo dục, đạo đức, xã hội

Việt Nam là nước coi trọng bằng cấp hơn thực học, dẫn đến việc, đất nước sản sinh ra quá nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, phát minh tầm cỡ (năm 2013, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ). Số tiến sĩ của Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều luận án tiến sĩ chủ yếu là sao chép công trình của người khác. Việc học giả bằng thật có xu hướng lan rộng. Nhiều người lấy bằng tiến sĩ chỉ để kiếm tiền, địa vị.

Ngành giáo dục không cân đối kế hoạch khiến các trường đại học mở tràn lan mà người dân lại chuộng bằng cấp dẫn tới cả nước dư thừa 72.000 lao động có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không có việc làm (theo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội năm 2014). Mặt khác, do chính sách đãi ngộ nhân tài còn nhiều bất cập và bị lấn lướt bởi mô hình “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”, dẫn đến nạn chảy máu chất xám khi hết 70% sinh viên du học nước ngoài không trở về nước làm việc.

Nền giáo dục bê bét, khiến cho đạo đức cá thể xã hội rơi vào trạng thái suy đồi. Điều này khiến cho tốc độ gia tăng tội phạm nhanh hơn cả dân số. Tướng Phan Anh Minh thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận: “Có những đợt đặc xá là do nhà tù quá tải chứ không phải do giáo dục tốt”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng con người Việt Nam bây giờ còn tha hóa hơn con người Việt Nam thời phong kiến; tư chất, đạo lý con người Việt Nam bây giờ còn thua thời Pháp thuộc. Đảng và nhà nước không ngừng hô hào nhân dân học tập “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, nếu không nói là càng tệ hơn.

Xã hội Việt Nam ngày càng lún sâu vào trạng thái bất an, khủng hoảng niềm tin tràn lan, dẫn đến nạn “ngoại cảm” được tôn vinh tại một thể chế vô thần. Bia rượu và thuốc lá tiếp tục ru ngủ xã hội, khi mà theo công bố gần đây, mỗi năm Việt Nam chi 3 tỷ USD cho bia, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng thứ 8, lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam năm 2013 lên đến 10.150 tỷ đồng, đặc biệt vào năm 2013, Việt Nam xếp trong 25 quốc gia có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất thế giới.

Ô nhiễm môi trường và tham nhũng tràn lan

Có hai thứ phát triển rất nhanh tại Việt Nam là môi trường bị ô nhiễm và nạn tham nhũng.

Sự phát triển kinh tế theo hướng mỗi tỉnh mỗi khu công nghiệp, đã bỏ qua sự bền vững môi trường. Sông ngòi, không khí, đất bị ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị đảo lộn do nạn làm thủy điện, xây dựng các khu công nghiệp (không đề cao xử lý chất thải), tiến hành các hoạt động khai thác công nghiệp thô sơ, hay mang tính chất hiểm họa môi trường như boxit ở Tây Nguyên.

Một kiểu ô nhiễm điển hình nhất có thể thấy tại Việt Nam là ô nhiễm nguồn nước và nguồn thực phẩm đã đưa Việt Nam trở thành nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất thế giới với mỗi năm số bệnh nhân mới là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong. Trong nước, hình thành những kiểu làng lạ, với tên gọi là… làng ung thư.

Môi trường sinh thái đem đến bệnh ung thư, thì môi trường xã hội và thể chế lại tạo điều kiện cho nạn tham nhũng phát triển ngày một tinh vi, phức tạp, từ trung ương tới địa phương. Năm 2013, Việt Nam xếp thứ 123 trên tổng số 176 nước trong bảng đánh giá hàng năm về tham nhũng trong khu vực công của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International).

Căn bệnh tham nhũng trở thành một đặc trưng của thế chế, do đó, khi được hỏi về việc, đến bao giờ nạn tham nhũng mới được đẩy lùi thì chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đáp: “Tôi chưa dám trả lời bao giờ đẩy lùi được tham nhũng”.

Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, cũng phải nhìn nhận: “Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền thì không trôi. Tham nhũng lớn có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu”.

Dù tham nhũng được đánh giá gây hại đến sự tồn tại của chế độ nhưng quyết tâm chống tham nhũng lại dừng ở những lời hứa, trấn an hoặc nếu chống cũng theo kiểu “Ném chuột đừng để vỡ bình”.

Rõ ràng, sự ô nhiễm môi trường, tham nhũng chính là do sự bao che, dung túng của chế độ mà nên. Điều đó dẫn đến việc, dù đã huy động hệ thống chính trị Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc cùng vào cuộc chống tham nhũng. Nhưng rốt cuộc chỉ bắt được vài con chuột nhắt.

Nền “dân chủ” vì… Đảng

Nhân dân không mấy ai còn tin vào chế độ. Tháng 9-2014, bộ phim “Sống cùng lịch sử” được thực hiện để ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và tướng Võ Nguyên Giáp (được nhà nước đầu tư 21 tỷ đồng) đã phải ngưng chiếu sau hai tuần ra rạp vì không bán được vé do người dân không buồn vào xem.

Trong mắt người dân, chế độ nói xóa bỏ giai cấp nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tớ nhân dân nhưng thực tế lại là cha mẹ nhân dân. Khoảng cách giàu nghèo giữa quan và dân ngày càng lớn. Quan chức thì thì giàu lên vì vật chất, trong khi dân thì giàu lên ở các khoản… phí thuế.

Chương II, Điều 27 của Hiến Pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”

Tuy nhiên, hiện nay việc bầu cử, ứng cử vẫn bị chi phối bởi chế độ “Đảng cử, dân bầu”. Trong khi, tạo ra đặc quyền chính trị riêng biệt cho một tầng lớp Đảng viên, lãnh đạo, hình thành nên hệ thống “Thái Tử Đảng” – một cụm từ dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp ưu tiên tuyển vào các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước.

Nền dân chủ bị bóp ngẹt, nạn thuế phí chồng chất, đặc biệt việc tước đoạt ruộng đất nhân danh “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trong nước, lượng dân oan ngày một tăng.

Tiếng nói bảo vệ người dân nghèo của hệ thống báo chí, truyền thông trong nước với con số trên 800, các hội đoàn như Công đoàn, Mặt trận Tổ Quốc, Hội nông dân không mang tính phản ánh thực trạng, quyền lợi của người dân mà chỉ chuyên về tuyên truyền, bảo vệ cho các chủ trương, chính sách (dù sai lầm) của Đảng.

Điều đó, dẫn đến việc, người người dân chủ động sáng lập những tờ báo mạng của riêng mình thu hút hàng triệu người đọc như: Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam… Những hội đoàn dân sự đối trọng với các hội đoàn nhà nước như: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Văn đoàn Độc lập Việt Nam… ra đời.

Dù sự ra đời hoàn toàn hợp pháp, vì nằm trong Điều 25 của Hiến pháp 2013, trong đó ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, nhưng các Hội đoàn, trang báo “lề dân” lại không được thừa nhận, ngược lại liên tiếp bị đả kích trên các phương tiện báo chí nhà nước, các hội viên và người sáng lập liên tục bị sách nhiễu.

Sự suy sụp về kinh tế, suy thoái về đạo đức con người, rối loạn về xã hội, độc quyền về chính trị đã cho thấy, Đại hội Đổi mới (1986) mới chỉ giải quyết trước mắt về vấn đề kinh tế, tuy nhiên điều này đã không kéo được dài lâu, mà ngược lại, càng khiến cho sự hấp hối kéo dài của thể chế làm hao hụt nguồn nhân lực, tiềm lực sẵn có của quốc gia.

Chính vì vậy, người dân mong muốn một sự thay đổi về gốc, trong một Đại hội Đổi Mới – về thể chế, chính trị, làm nền tảng cho việc chấn hưng lại nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tại Việt Nam. Đó là lối thoát duy nhất và là tương lai của Việt Nam, cũng là bước đi hợp lý nhất mà một lãnh đạo có tâm, có tầm có thể làm được.

Tin bài liên quan:

Thư ngỏ gửi “người khuất mặt khuất mày”

Phan Thanh Hung

Nguyên nhân thực đằng sau việc trấn áp các blogger?

Phan Thanh Hung

Tuổi trẻ Việt Nam diễu hành ngày Quốc tế Nhân Quyền 10.12.2014 tại Na Uy

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.