Phạm Chí Dũng
VOA 7/7/2017
Phiên xử Mẹ Nấm tại Việt Nam.
Không biết vô tình hay hữu ý, trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa – đã được chính quyền nổi còi báo động toàn quốc ngay trước khi diễn ra những chuyến công du đối ngoại của cấp chóp bu Việt Nam. Ngay trước mắt là chuyến đi Đức của Thủ tướng Phúc dự Hội nghị G20 khai mạc vào ngày 7/7/2017.
Vô tình hay hữu ý?
Vào nửa cuối tháng 5/2017, trước chuyến đi của Thủ tướng Phúc sang Washington với mục đích ẩn ý “làm quen với Trump”, ngay trước cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền Việt – Mỹ tại Hà Nội, ngôi nhà nhỏ số 24 Đặng Tất ở Nha Trang của bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – mẹ của Như Quỳnh – bất thần bị hàng trăm công an và dân phòng bao vây vòng trong vòng ngoài. Những người hàng xóm chứng kiến cảnh tượng hùng hổ đe nẹt ấy cứ ngỡ là trong bà Lan phải có một lực lượng đang “âm mưu lật đổ chính quyền”, hay chí ít cũng phải có một tổ chức phản động đang nhóm họp. Song ngôi nhà ấy lại chỉ có bà Lan và hai bé con của Quỳnh – những sinh linh chân yếu tay mềm mà chỉ cần thế ngang ngược côn đồ của một viên công an là khống chế được tất cả.
Vậy tại sao chính quyền phải dùng đến “sức mạnh toàn dân” như thế?
Không thể hiểu khác hơn, việc cho số đông công an bao vây nhà, phong tỏa “nội bất xuất ngoại bất nhập” là một “biện pháp nghiệp vụ” của chính quyền vẫn tuyên xưng “chính danh”, trở thành mẫu mực về hiệu quả khủng bố tâm lý trong các giáo trình nghiệp vụ “bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Cảnh tượng đầy màu sắc khủng bố trên lại xảy ra hai tháng sau khi đóa hoa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Người phụ nữ can đảm quốc tế”.
Chỉ một tháng sau bức tranh khủng bố tại nhà số 24 Đặng Tất, tòa án “nhân dân” Khánh Hòa bất ngờ thông báo đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử. Chi tiết cần chú ý là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị đưa ra tòa sau 8 tháng bị bắt tạm giam, trong khi một trường hợp khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã bị Bộ công an bắt từ tháng 12/2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa được đưa ra xét xử, cho dù thời hạn tạm giam đã kéo dài quá lâu và bị nhiều luật sư tố rằng trại giam đã vi phạm quy định của Luật Tố tụng hình sự về thời gian giam giữ.
Đầu tháng 5/2017, Công an tỉnh Hà Nam bất ngờ thông báo “đã hoàn thành kết luận điều tra Trần Thị Nga” – một tiến trình quá nhanh khi dân oan Trần Thị Nga mới bị bắt vào đầu năm 2017, quá nhanh so với rất nhiều trường hợp người đấu tranh nhân quyền bị tạm giam đến vài năm trời trước khi đưa ra xét xử. Tuy nhiên từ đó đến nay bỗng nhiên bặt tăm thông tin ra tòa của bà Nga.
Vì sao là Quỳnh mà không phải Đài hay Nga bị đưa ra tòa vào thời điểm giữa năm 2017?
Thời điểm giáng cái án cực kỳ bất công và nặng nề – 10 năm tù – đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, lại xảy ra ngay trước chuyến công du sang Đức – cũng của Thủ tướng Phúc, nhân sự kiện Hội nghị G20 quốc tế.
Võ An Đôn – một trong các luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã tiết lộ trong bài viết “Chuyện Mẹ Nấm bây giờ mới kể” trên facebook của anh: “Không hiểu tại sao, sau khi ngài thủ tướng đi thăm Mỹ về thì việc điều tra vụ án kết thúc nhanh chóng và Viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố trong thời gian ngắn, làm các luật sư trở tay không kịp”.
Vô tình hay hữu ý?
Chỉ biết rằng ngay sau bản án 10 năm trên, dư luận quốc tế cùng Mỹ và phương Tây đã nổi giận thật sự, đã phản ứng mạnh mẽ hơn hẳn nhiều vụ Việt Nam bắt người đấu tranh nhân quyền trước đó. Sau giải “Người phụ nữ can đảm quốc tế”, vấn đề bây giờ không chỉ là nhân quyền Việt Nam mà còn là thể diện của nước Mỹ.
Riêng tại Hoa Kỳ, giới lập pháp ở đất nước này đã phải dùng cụm từ “vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đến mức báo động”, và ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ đưa Việt Nam vào lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), cũng như Hoa Kỳ cần nhanh chóng triển khai Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu để chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đảng tự giẫm chân hay ai giẫm lên đảng?
Vô tình hay hữu ý, “thúc đẩy quan hệ kênh đảng” – một trong những mục tiêu thể diện và rất quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam – đặt ra trong chuyến công du sang Washington gặp Tổng thống Obama, được lặp lại trong tuyên bố chung Mỹ – Việt sau cuộc gặp Trump – Phúc vào cuối tháng 5/2017, đã trở nên xấu hổ và xấu đi đến khó tả sau cái án “10 năm Hoa Quỳnh”.
Một hiện tượng đáng chú ý và mổ xẻ là vào nửa đầu năm 2017, “quan hệ kênh đảng” đã bắt đầu được triển khai bằng quan hệ truyền thông.
Tháng 6/2017, lần đầu tiên VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) sang London để tiếp xúc với BBC World Service.
Có tin cho biết kể cả Tạp chí Cộng Sản – tờ báo được xếp “loại một” trong hệ thống báo chí quốc doanh và là nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng là tổng biên tập – cũng có kế hoạch giao tiếp với “đài địch”.
Chưa kể đến những mục tiêu thầm kín mang tính cá nhân thay vì tập thể, mục tiêu công khai là nâng tầm uy tín và vị thế cho đảng cầm quyền ở Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể là cho nâng cao uy thế chính trị cho những người bên đảng, ưu tiên thuộc khối đảng, không chỉ “trên trường quốc tế” mà có lẽ quan yếu nhất là trong “chính trường nội bộ”.
Một trong hiếm hoi bài học có thể “nhân điển hình tiên tiến” là chuyến đi “thành công rực rỡ” của Tổng bí thư trọng sang Mỹ vào tháng 7/2015: ông Trọng đã nhận được lời cam kết của Mỹ về cho Việt Nam tham gia vào TPP – một Hiệp định thương mại mà giới chóp bu Việt Nam rất thèm muốn hầu mong cứu vãn nền kinh tế đang suy sụp. Chính cam kết này đã hỗ trợ đáng kể cho tiếng nói và vị thế chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền tại Việt Nam – một đại hội cực kỳ cam go khi lần thứ hai nổ ra cuộc chiến “Trọng – Dũng”. Kết quả, ông Trọng đã giành thắng lợi lớn chưa từng có!
Nhưng bây giờ không còn là năm 2015, mà đang là 2017.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ biết rằng giờ đây phía Mỹ và Tây Âu đang trở nên khó nghĩ và khó khăn hơn nhiều khi phải tiếp những phái đoàn tự nguyện của “đảng và nhà nước ta”. Cứ nhìn vào nhân quyền Việt Nam là thấy hết. Và chắc chắn nhiều chính khách phương Tây rất muốn hỏi thẳng “kênh đảng” của ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân… rằng tại sao các ông bà lại để cho vi phạm nhân quyền đổ đốn đến thế…
Có một cái gì đó thuộc về nội bộ đảng đã trở nên vừa thâm hiểm vừa lộ liễu đến mức Luật sư Võ An Đôn phải đặt dấu hỏi: “Nghe nói trong chuyến đi Mỹ vừa qua, một nhóm nghị sĩ dân biểu Mỹ đến gặp ngài thủ tướng, yêu cầu Việt Nam thả ngay các tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt quan tâm trường hợp Mẹ Nấm. Ngài thủ tướng hứa sẽ thả Mẹ Nấm trong thời gian sớm nhất, là luật sư bào chữa nghe tin này tôi rất vui mừng. Không ngờ, tòa tuyên Mẹ Nấm 10 năm tù giam, làm luật sư và nhiều người sốc tức tưởi. Không lẽ, ngài thủ tướng cũng bị cấp dưới “chơi” giống như ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Đồng Tâm hay sao?”
Một nghi ngờ rất lớn: chẳng lẽ đảng cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, bằng quá nhiều hành động đàn áp nhân quyền lộ liễu và tàn nhẫn, đã tự phá đi “hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế” của họ, cũng như làm khó hẳn cho những chuyến công du đối ngoại mà bị dư luận đánh giá không ngoài mục đích “xin tiền” của Thủ tướng Phúc?
Hay “toàn đảng toàn quân” vẫn cố níu kéo con bài “đổi nhân quyền lấy lợi ích thương mại” mà cộng đồng quốc tế ngày càng quay lưng?
Hoặc nếu không phải là những người bên đảng tự giẫm lên chân mình, thế lực nào đã tạo ra vi phạm nhân quyền để giẫm lên đảng?