Việt Nam Thời Báo

VNTB – 1001 kiểu cạnh tranh thị trường của các công ty Trung Quốc 

Vũ Kim Hạnh

 

(VNTB) – Trung Quốc tập trung chọn Singapore như là nơi “Đông gặp tây” lý tưởng để thử nghiệm các phương cách cạnh tranh trước khi mở rộng ra thị trường quốc tế

 

Gần đây, các công ty Trung Quốc có biểu hiện là tập trung chọn Singapore như là nơi “Đông gặp tây” lý tưởng để thử nghiệm các phương cách cạnh tranh trước khi mở rộng ra thị trường quốc tế, theo phân tích của Xiaofeng Wang, chuyên gia tại Forrester.

 

Dùng thị trường Singapore để thử nghiệm 

Tháng 8 vừa qua, thương hiệu trà Trung Quốc Chagee đã mở ba cửa hàng ở Singapore. Pop Mart, nhà bán lẻ đồ chơi sưu tập từ Bắc Kinh, cũng tổ chức hội chợ đồ chơi thường niên lần thứ hai tại đây, với hơn 50 nghệ sĩ tham gia.

Pop Mart đang xem xét thiết lập trụ sở quốc tế tại Singapore. Chagee dự định mở rộng sang các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.

Thương hiệu Trung Quốc ngày nay ít còn phải che giấu nguồn gốc Trung Quốc của mình mà thay vào đó, họ tận dụng văn hóa và thiết kế bản địa để nổi bật trên thị trường quốc tế. Điều này giúp các công ty có lợi thế cạnh tranh đặc biệt.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế. Ví dụ, Dodo Sugar gặp khó khăn trong việc truyền tải ý tưởng sản phẩm do sự khác biệt văn hóa.

Dù gặp khó để thích nghi với các nền tảng và ứng dụng ngoài Trung Quốc, như chuyển từ WeChat sang YouTube hay Facebook nhưng áp lực từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, các công ty tiêu dùng Trung Quốc phải quay ra ngoài” như Singapore để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và lợi nhuận mới.

Câu chuyện dùng Singapore để “thử nghiệm” khá thú vị, cũng để thấy người Trung Quốc làm thương mại giỏi cỡ nào. Họ “đánh” thị trường Mỹ từ xa, rất xa luôn, cách nửa vòng trái đất.

 

Trường hợp Mexico: có nhiều điều lý thú dành cho doanh nhân Việt Nam 

Trong cuộc họp các chuyên gia thị trường đang hợp tác với trung tâm BSA tuần qua, có một số ý kiến cho rằng: cách mà Trung Quốc đang nhắm thị trường Mỹ mà “trực diện” giành thị trường ở Mexico là khá căn cơ và đáng cho Việt Nam tham khảo.

Từ nhiều năm trước, cụ thể là 4 năm, các thương nhân Trung Quốc đã đổ bộ Mexico, ông hàng xóm sát nhà của Mỹ. Đầu tiên họ mở cửa hàng, rồi mở thương xá buôn bán rất xôm tụ và cũng được người địa phương ưa thích.

Rồi họ tính đi sâu hơn: chuyển nhà máy, lập liên doanh với các doanh nghiệp Mexico ở đủ các lĩnh vực để từ đó làm bàn đạp tiếp tục đưa hàng vào Mỹ. Các bang giáp biên giới với Mỹ là điểm đến ưa thích của DN Trung Quốc vì nơi này được áp dụng một giải pháp tạm thời có thể lách các hạn chế thương mai nhắm vào hàng có gốc Trung Quốc

Rồi họ cũng mở khu công nghiệp. Và như cách của người Trung Quốc, khi họ muốn bám rễ nơi nào là họ đi cả một…hệ sinh thái DN, nghĩa là các DN có mối quan hệ trong chuỗi cung ứng của nhau sẽ đi cùng và liên doanh với các DN Mexico, sau đó các liên doanh này tiếp tục là khách hàng của nhau. Điều này giúp cho sản phẩm xuất sang Mỹ về cơ bản vẫn là hàng Mexico, ít nhất là trên danh nghĩa.

Rồi…có một câu chuyện thật đang xảy ra, mang lại cho chúng ta nhiều bài học.

 

Bài học “Bản địa hóa mới sống còn” cho dân Trung Quốc.

Từ ngày 11/7/2024, một khu phức hợp mua sắm 16 tầng ở trung tâm thành phố Mexico bị chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa, nằm im lìm. Các biển báo ghi “CLAUSURADO” (đóng cửa) đã được dán trên cửa chính hơn một tháng qua.

Khu chợ được gọi là “Yiwu Mall” – ám chỉ chợ của thành phố ở miền đông Trung Quốc, bán các hàng hóa nhỏ và chợ có qui mô lớn nhất thế giới. Đây là một trong số nhiều chợ bán buôn do người Trung Quốc điều hành đã xuất hiện ở thành phố này trong 4 năm qua, tạo nên một khu gần giống khu phố Tàu bán toàn hàng giá rẻ.

Từ tháng 6, tờ báo Reforma của Mexico công bố một loạt các bài báo điều tra về khu phức hợp này, chung quanh ba sai phạm: trốn thuế, coi nhẹ các mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm và chèn ép các doanh nghiệp Mexico.

“Thành thật mà nói, một số người có xu hướng lợi dụng lỗ hổng trong các quy tắc địa phương khi kinh doanh”, chính ông Simon Zhao, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Mexico cho biết.

Zhao, cũng là Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Solarever, một nhà sản xuất tấm pin mặt trời và xe điện, cho biết cũng không nên đổ hết lỗi cho các công ty Trung Quốc.

Nhưng rồi ông Zhao cũng phải nói: “Người Trung Quốc nên tự nhìn lại mình và nhận thức được vấn đề của chính mình. Chúng ta không thể CHỈ NGHĨ ĐẾN VIỆC KIẾM TIỀN. Cần phải BẢN ĐỊA HÓA việc kinh doanh tại Mexico, để người DÂN ĐỊA PHƯƠNG CÙNG CHIA SẺ LỢI ÍCH”.

Thực tế là, trong một lá thư gửi cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tháng 7, các Tổ chức Hoa kiều tại Mexico đã viết: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức rằng không phải dễ mà phát triển kinh doanh ở nước ngoài và chúng tôi cũng hiểu được sự nhiệt tình của các bạn trong việc phát triển sự nghiệp.

“Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng mọi người có thể chú ý đến sự an toàn và hòa hợp của cộng đồng địa phương cùng chúng ta trong khi ta theo đuổi thành công. Chúng ta hãy cùng nhau tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Mexico”, nhóm đồng hương người Hoa tại Mexico cho biết.

Ông Eduardo Tzili-Apango, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Tự trị Metropolitan của Mexico cho biết “Tôi không thể nói rằng sự phẫn nộ đối với người Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng ở Mexico, vì Trung tâm thương mại Yiwu đã được xã hội Mexico chấp nhận”.

Vào tháng 4, Mexico đã công bố tăng thuế đối với 544 mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do – trong đó có Trung Quốc. Tháng trước, Hoa Kỳ và Mexico đã đóng một lỗ hổng trong thương mại thép và nhôm, qua đó tăng thuế đối với nguồn cung từ Trung Quốc chuyển qua biên giới phía nam.

Mùa hè năm ngoái, tại tiểu bang Hidalgo của Mexico, các thương gia địa phương đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, kêu gọi chính quyền thành phố và tiểu bang cấm mở các cửa hàng mới.

Mexico không phải là quốc gia duy nhất trải qua phản ứng dữ dội của doanh nghiệp địa phương vì làn sóng sản phẩm giá rẻ đã đẩy các doanh nghiệp địa phương ra khỏi thị trường.

Để đỡ bị chống đối, người Trung Quốc đã mở công ty, nhà máy, chuyển một số công đoạn hay toàn bộ dây chuyền sản xuất đến nước sở tại, chấp nhận thách chức nhạy cảm về văn hóa và cố gắng quan hệ tốt với chính quyền và dân địa phương.

Dominique Turpin, Chủ tịch khu vực Châu Âu kiêm giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc – Châu Âu ở Thượng Hải, kết luận: “Chìa khóa thành công cho quá trình toàn cầu hóa của bất kỳ công ty nào là mức độ bản địa hóa cao, bao gồm tôn trọng người dân địa phương và văn hóa của họ.

“Nếu bạn có một chiếc bánh lớn trước mặt, đừng ăn hết. Hãy để lại một miếng cho người dân địa phương”.

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Náo loạn các khu công nghiệp ở TP. HCM, Đồng Nai

Phan Thanh Hung

VNTB – Nền kinh tế độc lập trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trương Thế Tử

VNTB – Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến chống bành trướng thương mại của Trung Quốc?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.