Ngọc Lan
(VNTB) – Việc tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội được thực hiện tại các trạm y tế phường, xã, các cơ sở y tế và xe tiêm lưu động đến tận nơi.
“Gần 1 triệu người đã được tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 đến 3 tuần tới” – Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết như vậy tại buổi làm việc vào chiều ngày 11-7 với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6g ngày 10-7 tới 6g ngày 11-7, thành phố ghi nhận 1.403 ca nhiễm, phần lớn tại các khu cách ly, phong tỏa. Từ ngày 25-6 đến 10-7, thành phố đã làm hơn 766.000 xét nghiệm kháng nguyên nhanh, lấy hơn 1,8 triệu mẫu xét nghiệm, đã có kết quả hơn 1,59 triệu mẫu, hơn 218.000 mẫu chờ kết quả.
“Cố gắng từ nay đến cuối tháng 7 có ít nhất 2 triệu liều vắc xin cho TP.HCM. Như vậy là ưu tiên 20 – 25% tổng số vắc xin đến TP.HCM”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay như vậy.
Theo thông báo thì TP.HCM tổ chức 630 điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện và mỗi quận, huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác. Trung bình mỗi điểm tiêm cho 120 người/ ngày.
Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra trong các khung giờ 8g đến 13gh và 15g đến 20g hằng ngày trong suốt thời gian triển khai.
Theo kế hoạch thì trong đợt tiêm chủng, người được tiêm ưu tiên trong đợt này sẽ là người dễ bị tổn thương và ở các khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn quận huyện. Ngoài ra còn có các nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21 của chính phủ.
Sở Y tế TP.HCM đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho các đối tượng mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.
Để hỗ trợ TP.HCM tiêm ngừa ở các điểm nhỏ, lưu động, Bộ Y tế cũng điều tới TP.HCM 30 xe tiêm vắc xin lưu động đặc chủng, có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, bàn tiêm… Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này sẽ sang hẻm khác.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, số vắc xin lần này gồm một triệu liều vắc xin Moderna từ nguồn tài trợ của Mỹ theo cơ chế Covax, và 100.000 liều Astra Zeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Qua bốn đợt tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, TP.HCM đã tiêm 991.322 người, trong đó có 943.215 mũi một và 48.107 mũi hai. Tất cả đều là vắc xin Astra Zenec do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Chưa rõ thời gian cụ thể ở đợt 5 bắt đầu.
Ngoài ra hiện đang có một lo lắng là liệu thời gian tới đây sau khi kết thúc đợt 5, thì những đợt tiếp theo người dân Sài Gòn có phải sẽ được chích vắc xin do Trung Quốc sản xuất mà một doanh nghiệp ngành dược vừa thông báo sẽ nhập đến 5 triệu liều vắc xin Sinopharm?
Người dân lo lắng không hẳn vì tâm lý ghét cộng sản Trung Quốc, mà quan trọng nhất hơn là tính hiệu quả của loại vắc xin này.
Tuần lễ đầu tháng 7-2021, báo chí đưa tin, trong số các nước có cả tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhưng vẫn mắc Covid-19 cao, hầu hết đều dựa vào vắc xin sản xuất tại Trung Quốc, theo phân tích của đài CNBC.
Phát hiện này được đưa ra khi tính hiệu quả của vắc xin Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều, kết hợp với việc thiếu dữ liệu về khả năng bảo vệ trước biến thể Delta dễ lây truyền hơn. CNBC nhận thấy rằng các ca mắc Covid-19 hàng tuần, được tính theo dân số, vẫn tăng ở ít nhất 6 quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới. Đáng chú ý là 5 trong số đó dựa vào vắc xin từ Trung Quốc.
CNBC đã xác định 36 quốc gia với hơn 1.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận mới hàng tuần trên 1 triệu người tính đến ngày 6-7, sử dụng số liệu từ Our World in Data, tổng hợp thông tin từ các nguồn bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chính phủ và các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh).
CNBC sau đó đã xác định các nước trong số 36 quốc gia có hơn 60% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin CoviD-19. Trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Seychelles, Mông Cổ, Uruguay, Chile và Anh. Ngoại trừ Anh, 5 quốc gia còn lại sử dụng vắc xin Trung Quốc như một phần quan trọng trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Hãng thông tấn nhà nước Montsame của Mông Cổ đưa tin vào tháng 5 rằng nước này đã nhận được 2,3 triệu liều vắc xin do Sinopharm (thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc) cung cấp. Con số đó vượt xa 80.000 liều Sputnik V (Nga) và khoảng 255.000 liều Pfizer Mỹ – BioNTech (Đức) mà Mông Cổ nhận được tính đến tuần trước.
Chile đã sử dụng 16,8 triệu liều vắc xin từ công ty Sinovac Biotech có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) so với 3,9 triệu liều Pfizer – BioNTech và một lượng nhỏ hơn hai loại vắc xin khác, Reuters đưa tin vào tháng 6.
UAE và Seychelles phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin Sinopharm khi bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng của họ, nhưng gần đây hai nước này đã giới thiệu các loại vắc xin khác. Tại Uruguay, Sinovac là một trong hai loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất cùng với Pfizer – BioNTech.
Việt Nam được Trung Quốc tặng 500.000 liều vắc xin Sinopharm, với thỏa thuận dùng để chích theo yêu cầu của nhà đầu tư Trung Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, và cư dân vùng biên giới Việt – Trung.