VNTB – 17 tháng Hai là ngày gì?

VNTB – 17 tháng Hai là ngày gì?

Lê Quang

(VNTB) – Hồi năm 2017, tôi tình cờ đọc được status này của một cô giáo trung học trẻ tuổi: “Hôm nay test trên lớp, 100% các bạn trẻ biết ngày 14/02 là ngày gì, nhưng không biết ngày 17/02 là ngày gì”.

 

Các cháu học sinh của cô giáo trẻ ấy không biết cũng đúng thôi. Bởi vì có những người lớn muốn hạn chế đến mức tối thiểu việc nhắc lại tội ác xâm lược của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra vào ngày 17/02/1979 này.

Những dòng chữ ít ỏi trong những trang sách lịch sử tối giản đã không thể ghi sâu vào tâm trí các cháu những thời khắc lịch sử ấy. Và những nhát búa lạnh lùng đục đẽo nham nhở trên các bia đá chứng tích, như muốn xóa hẳn những ký ức về tội ác chiến tranh của quân xâm lược Trung Quốc. Lỗi này thuộc về người lớn.

Lưỡi kéo kiểm duyệt có thể cắt xén bớt những sự thật ấy khỏi những trang sách sử bởi những áp lực chính trị, nhưng thời đại thông tin ngồn ngộn ngày nay đâu còn là cái thời của vua Midas có đôi tai lừa, và anh thợ cạo thành Phrygia mà bạo lực có thể bịt miệng thế gian?

VĂN TẾ ĐỒNG BÀO VÀ CHIẾN SĨ TỬ TRẬN TRONG CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC (1979-1989)

Soạn giả: Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện

Hỡi ơi!

Thấm thoắt đã bốn hai năm

Mới đấy đã thành thiên cổ!

Trời biên giới ầm vang tiếng súng, thanh niên lớp lớp lên đường

Miền biên cương máu nhuộm đỏ sông, dân chúng nhà nhà tan tác

Nhớ linh xưa:

Chiến sĩ tòng chinh

Tuổi hoa niên đang bận sách đèn

Lòng trai tráng chứa bao mơ ước

Đáp lời non sông, hăm hở lên đường

Từ biệt quê hương, gạt niềm thương nhớ

Súng bắn chưa quen, quân sự đôi bài, đánh giặc bằng lòng căm hận

Chiến trận chưa từng, ba lô một gánh, nhắm bắn bằng nỗi hờn căm.

Nhân dân biên giới

Đang yên ổn làm ăn, đâu ngờ phút chốc loạn ly

Gặp buổi thanh bình, ai tưởng được điều thảm khốc

Pháo giao thừa vừa nổ, hội xuân vừa mở rộn ràng

Năm mới vừa sang, hy vọng ngập tràn phơi phới

Đì đùng súng bắn, trẻ con vẫn tưởng pháo giao thừa

Loa réo vang trời, cụ già còn ngờ loa hội mở

Thương thay!

Chiến đấu ngoan cường, xông thẳng nơi mũi tên hòn đạn

Kiên trung giữ đất, sợ chi nơi súng nổ pháo rền.

Máu loang mặt đèo, mùi thuốc súng khét lẹt còn vương

Xác nghẽn gềnh sông, tiếng kêu thương ngút trời đau xé

Địch giết người không ghê tay

Địch nã pháo không ngừng nghỉ

Hãm hiếp đàn bà, lộ mặt loài dê chó. Tiếng kêu thương xé nát một góc trời

Cắt đầu trẻ nhỏ, hiện rõ lũ sài lang. Hồn oan khuất vật vờ miền biên viễn.

Ôi!

Máu xương gửi lại biên cương

Hồn phách tụ về nơi đền miếu

Tuổi thanh xuân dâng Tổ quốc ngàn năm

Hoa chiến thắng dâng Đất Mẹ vạn thưở.

Đền nợ nước nào đợi vinh danh

Chết vì dân đâu chờ tưởng vọng

Hôm nay

Tưởng niệm 42 năm ngày kết thúc chiến tranh

Thương nhớ 60 ngàn đồng bào ra đi vĩnh viễn

Chúng tôi

Đốt nén hương thơm

Dâng vòng hoa thắm

Đơn sơ lễ bạc lòng thành

    Thành kính tâm hương dâng cúng

Cúi xin chư vị anh linh sống khôn thác thiêng

Phù trợ cho Non sông đất nước thăng bình muôn thưở

Cũng xin chư vị

Trừng trị thích đáng

Những kẻ cố tình vong ân bội nghĩa

Những kẻ quên hết công lao và máu xương của chư vị anh linh.

Những kẻ cam tâm bán nước, theo giặc

Lại xin chư vị anh linh, cùng chúng tôi:

Nguyền rủa đời đời bọn bành trướng Bắc Kinh

Nhắc nhở muôn năm mối thù truyền kiếp!

Hỡi ơi!

    Hồn có linh thiêng

Xin về nhận hưởng!

***

Ngày 15 tháng 2 năm 1979, nhân dịp 29 năm Hiệp ước Trung – Xô về vấn đề Mông Cổ và thời điểm kết thúc chính thức Hiệp ước Hợp tác Trung – Xô, Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc chuẩn bị tấn công giới hạn Việt Nam.

Các lãnh đạo Trung Quốc phán đoán cuộc tấn công Việt Nam chớp nhoáng, có giới hạn sẽ không gây căng thẳng đủ để kích thích Liên Xô can thiệp trực tiếp hay quốc tế phản đối.

Họ dự tính Liên Xô sẽ chỉ can thiệp giới hạn ở mức khuyến khích các dân tộc thiểu số Trung Quốc tấn công các vùng xa xôi như Nội Mông, Tân Cương hoặc gây đụng độ nhỏ ở vùng biên giới 2 nước.

Tuy nhiên, để cẩn trọng, Trung Quốc vẫn di tản dân gần đường biên và lệnh các đơn vị quân đội ở biên giới với Liên Xô sẵn sàng chiến đấu. Còn Liên Xô thì tin rằng Trung Quốc chỉ muốn xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam 20 – 30 km rồi rút về nước do đó Việt Nam hoàn toàn đủ sức tự đối phó với Trung Quốc…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)