Tôn Trọng Dân (VNTB) Khái niệm về lập trường chính trị tả-hữu tuy nhìn như giản dị nhưng không thực sự giản đơn khi đi vào tìm hiểu và khi dùng để tự xét xem bản thân mình đang chọn lựa/dấn bước trên khuynh hướng nào, khi bàn luận và/hoặc thực hiện những hành vi chính trị.
Từ khởi đầu Cách mạng Pháp 1789 vào thế kỷ thứ 16, “cánh tả”, bao gồm giới tư sản, trí thức, lao động, thường ngồi bên trái ghế chủ tịch trong Estates-General (như quốc hội sau này), lúc ấy được hiểu là đại diện tinh thần cách mạng đòi công lý và tự do; đối ngược là “cánh hữu”, ngồi bên phải của ghế chủ tịch, gồm giới tu sĩ, quý tộc bảo thủ, muốn duy trì trật tự chính trị xã hội hiện hành. Suốt 226 năm qua, ý nghĩa tiên khởi “tả-hữu” của Cách mạng Pháp đã thay đổi và được dùng trong những bối cảnh hoàn toàn khác nhau để mô tả những luồng lạch chính trị khác nhau.
“Cánh Tả” trong truyền thống chính trị bao gồm các khuynh hướng xã hội, dân chủ xã hội mà chủ nghĩa Cộng sản là hình thái cực đoan, trong khi chủ nghĩa phát-xít là hình thái cực đoan của “cánh Hữu” (để dễ hình dung với biểu đồ minh hoạ, xin tham khảo Left Wing/Right Wing Politics-Resources). Vấn đề ý thức chính trị dắt dẫn quyền lợi chính trị (và ngược lại), qua các cương lĩnh của 2 đảng của Mỹ (tham khảo Types of Political Systems-Who Should I Vote For?) đã luôn cho thấy sự khác biệt diễn ra hàng ngày trong thái độ chính trị mà từng công dân Mỹ cần tự định hướng cho mình để có thái độ phù hợp với lựa chọn chung của xã hội.
Hiện nay, ngay cả cách hình dung truyền thống nói trên cũng được/bị lật soi, đảo xét qua các trào lưu khác nhau, trên khuynh hướng tranh biện sao cho ý nghĩa truyền thống về cái TỐT phải thuộc về TA, cái XẤU- tất nhiên thuộc về kẻ không phải là TA. Tuy vậy, loài người nói chung vẫn nhìn theo cách họ đã và đang hiểu, vì phía nào càng về cực cũng càng xấu xa tệ hại, và cũng chớ hề nghĩ rằng HỮU là xấu, còn TẢ là tốt, nếu không, đảng Bảo thủ [1] tại Anh quốc đã không thể tồn tại một cách vượt trội bên cạnh Công đảng [2] suốt hàng chục năm qua. Và, chính vì thế trục/triền tư tưởng-chính trị của loài người lúc nào cũng cần chuyển động cân bằng hướng về điểm giữa (đây lại là một chủ đề mà xa lộ thông tin cho Dân chủ, vì Dân chủ và..của Dân chủ xem như mặc nhiên tất cả ai có thể bàn về Dân chủ, đều ‘đã hiểu’, nên, rất ít ngó ngàng tới).
Đã có xì xào lan truyền trong dân câu kháy mới: “bọn Cộng sản đã làm mất nhiều đảo! – những Đảo gì? – Đảo chính!” / “phe Dân chủ đã lập được nhiều đảng! – những đảng gì? – Băng đảng!” (không phải là chính đảng-đảng chính trị, mà là băng đảng anh chị rằn ri chuyên cướp giật)
Một chính đảng khác biệt với một băng đảng ở chỗ: băng đảng thì phục vụ cho lợi ích của tập thể tụ họp đó, dù ‘mạo danh’ vì mục đích cướp của giàu chia cho nghèo, hay chỉ là nhằm trả thù cho cả một Cộng đồng rộng lớn (mafia là một ví dụ điển hình). Chúng, đều là băng đảng, chúng không có gì chung với xã hội và đất nước, chúng là những biệt lệ mang tính tập thể và tồn tại chỉ cho chúng. Chúng, sớm muộn cũng tiêu vong vì quá xa lạ với lợi ích chung xung quanh.
Trong khi đó, logic của việc thành lập một chính đảng phải chăng không là để tập trung ý chí, tài năng của những Cộng đồng người cùng chung 1 lý tưởng, mục tiêu nhằm phụng sự/phục vụ xã hội và đất nước ? Tuy vậy, dù bên Tả hay bên Hữu, chính đảng nào cũng đều đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó sự thiếu liên kết, thiếu kế hoạch, thiếu phương pháp, cách thức, nội dung đấu tranh trong một số thời điểm nhất định sẽ luôn tạo nên hình thái vô tổ chức trong tổ chức. Đảng Cộng sản quang vinh đang lùng bùng trong giai đoạn này, khi nhận ra mình đã quá ngạo mạn vào sức mạnh của “giai cấp”. Ở phía ngược lại, những cá nhân và tổ chức không Cộng sản cũng chả khác gì vì, thậm chí họ còn sống trong khoảng không bất định đó của công tác tổ chức một cách quen thuộc.
Trong một bối cảnh Kỷ nguyên Quyền lực vẫn còn bừng bừng khí thế với đủ mọi loại ác thú (mà bọn IS là một dạng hình tật nguyền cùng cội nguồn với tổ tiên Cộng sản), một đảng chính trị-chính đảng, xét cho cùng về bản chất, vẫn là nơi tất nhiên mang tính dân chủ hạn chế hơn so với xã hội công dân bao quanh nó, nhưng, đồng thời, chính nhờ có nó-chính đảng, ước nguyện dân chủ mới tập trung được sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên thực sự (thay vì dân chủ nhất nguyên một chiều ích kỷ). Vẫn là cách dĩ độc trị độc, song, con người không có cách nào tối ưu hơn nếu không muốn thơ ngây đứng tản mác và kêu gào khản giọng bằng những lời thét lác hoang mang, vô trí hoặc mãi gật gù nghiệm suy thông tuệ về một nền dân chủ mà trong đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Chú thích:
[1] đảng Bảo thủ (Conservative Party, thành lập năm 1834) là đảng chính trị lớn nhất tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, theo đường lối cánh trung hữu. Đảng Bảo Thủ nắm chính quyền trong 2/3 thời gian trong thế kỷ 20. Một vài Thủ tướng thuộc đảng này: Neville Chamberlain, Winston Churchill, “bà đầm thép” Margaret Thatcher (tính đến 2016 là phụ nữ duy nhất từng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng và là thủ tướng phục vụ lâu nhất kể từ William Gladstone), John Major .. và đương nhiệm là David Cameron (bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2010).
[2] Công đảng (Labour Party, thành lập năm 1900), kể từ ngày thành lập đã trở thành đảng chính trị chủ chốt của đường lối cánh tả tại Anh. Công đảng đã vượt qua Đảng Tự do, trở thành đối thủ chính của đảng Bảo thủ trong thập niên 1920, nắm quyền trong các giai đoạn 1929-31, 1945-51, 1964-70, 1974-79. Một vài Thủ tướng thuộc đảng này: Ramsay MacDonal, Clement Attlee, Harold Wilson, Tony Blair (thủ tướng đầu tiên của Công Đảng nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp), và gần nhất là Gordon Brown (kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2010).
* Bài “2 mặt của 1 đồng xèng: chẳng Phải thì Trái, hết Tả lại Hữu?” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo.
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.