VNTB – 29 ngàn tỉ đồng là dành để cạnh tranh với công đoàn độc lập?

VNTB – 29 ngàn tỉ đồng là dành để cạnh tranh với công đoàn độc lập?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – “Tới đây, khi có tổ chức người lao động khác ra đời thì với nguồn lực mạnh, công đoàn sẽ có nguồn lực chăm lo cho tổ chức, cho đoàn viên, người lao động cũng như đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn”.

 

Ông Phan Văn Anh – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam – đã giải thích như vậy xung quanh kết luận của Kiểm toán Nhà nước, về việc tổ chức này có khoản kinh phí tích lũy lên tới gần 29.000 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi “Nguồn tích lũy gần 29.000 tỉ đồng đang được sử dụng như thế nào?” của báo Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Anh giải thích (*):

“Theo quy định của Luật công đoàn (năm 2012) và nghị định của Chính phủ (nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21-11-2013), tổ chức công đoàn được giao thu và cân đối để chi, hết niên độ tài chính chi không hết thì được chuyển sang năm sau sử dụng.

Gần 29.000 tỉ đồng là khoản tích lũy từ rất lâu, từ khi có tổ chức công đoàn. Khi chưa có Luật công đoàn (trước năm 2012), khoản tích lũy ở các cấp công đoàn trên cơ sở khoảng 10.000 tỉ đồng.

Từ khi có Luật công đoàn, chúng tôi tiết kiệm hơn, chi hiệu quả hơn nên tích lũy được gần 29.000 tỉ đồng. Trong lúc chưa sử dụng hết thì chúng tôi được gửi ngân hàng có kỳ hạn, toàn bộ lãi suất được bổ sung vào nguồn thu của tổ chức công đoàn để chi lại cho công đoàn.

Số dư gần 29.000 tỉ đồng có ở cả 4 cấp công đoàn: TLĐLĐ Việt Nam là 3.793 tỉ đồng; tại 63 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành trung ương 10.334 tỉ đồng; 1.269 công đoàn cấp trên cơ sở (quận, huyện) là 6.644 tỉ đồng; tại gần 121.000 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp là 7.593 tỉ đồng.

Thực tế, số dư tại cấp cơ sở đến ngày 31-12-2019 đã được chi hết phục vụ người lao động và đoàn viên công đoàn cho dịp Tết Nguyên đán 2020, nên đến lúc này số dư tích lũy chỉ trên 20.000 tỉ đồng.

Với số dư tại công đoàn cấp trên, TLĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án sử dụng khai thác có hiệu quả bằng việc gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng thuộc Nhà nước, được Bộ Tài chính chấp thuận tại công văn số 16838/BTC-TCT ngày 13-11-2015. Do vậy, nói TLĐLĐ sử dụng chưa hiệu quả gần 29.000 tỉ đồng là không chính xác”.

Phỏng viên thắc mắc: Với kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TLĐLĐ có dừng ngay việc cho vay và thu hồi nợ?.

Ông Phan Văn Anh biện minh: “Đúng là trước khi có Luật công đoàn, từ năm 2009 chúng tôi có 2 khoản gọi là cho vay đối với hai đơn vị trực thuộc tổng liên đoàn, một là Công ty TNHH MTV du lịch Công đoàn và Công ty in Công đoàn. Hai khoản vay này khoảng 300 tỉ đồng và đến thời điểm này hai đơn vị đã trả gần nửa, chỉ còn khoảng 170 tỉ đồng. Theo lộ trình, hai đơn vị sẽ hoàn thành trả hết cả gốc lẫn lãi vào năm 2028. Thời điểm cho vay TLĐLĐ có thể cấp vốn, nhưng các lãnh đạo khi đó cho rằng để tăng trách nhiệm cho hai công ty của mình nên cần phải thực hiện cho vay, lãi suất như đơn vị ngân hàng, vay nội bộ, có lộ trình trả nợ và lãi hằng năm”.

Nhóm giám đốc tài chính của một tập đoàn nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam, khi đọc các tin tức kể trên, trong một gặp gỡ thân tình với người viết bài này, họ muốn nhờ chuyển đến nhà chức trách Việt Nam các thắc mắc sau đây:

Thứ nhất, vì sao các tổng kết hàng năm từ TLĐLĐ cho tới Liên đoàn lao động các địa phương đều không đề cập tới những khoản hạch toán tài chính gọi là dôi dư ấy?

Thứ hai, việc dôi dư ấy xuất phát từ tiết kiệm, hay là đã không chi đúng, chi đủ theo quy định? Nếu là tiết kiệm, thì các khoản tiết kiệm có căn cứ pháp lý ra sao?

Thứ ba, câu “gửi ngân hàng có kỳ hạn, toàn bộ lãi suất được bổ sung vào nguồn thu của tổ chức công đoàn để chi lại cho công đoàn” mà vị đại diện TLĐLĐ nói với báo chí, được thể hiện trên sổ sách tài chính công khai, hay là một hệ thống sổ sách tài chính cùng mở song hành và giới hạn phổ biến của TLĐLĐ?

Thứ tư, đề nghị phía lãnh đạo TLĐLĐ trình bày công khai dự án dùng tiềm lực tài chính để cạnh tranh với “tổ chức người lao động khác” có thể sẽ được thành lập theo quy định của Bộ Luật lao động từ đầu năm 2021?; nôm na đó có thể là những tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập…

Thứ năm, câu mang tính khẳng định “Từ khi có Luật công đoàn, chúng tôi tiết kiệm hơn, chi hiệu quả hơn” của ông Phan Văn Anh – phó chủ tịch TLĐLĐ, có thể hiểu đây là một tố cáo gián tiếp các vị quản lý tiền nhiệm? Hoặc đây có thể là phần lỗi của hệ thống quản trị hành chính công trước khi có Luật công đoàn?

Và, người viết muốn được tiếp cho thắc mắc thứ sáu, liệu đó có phải là dấu hiệu của tham nhũng, vì nếu không có công khai về kết quả kiểm toán, thì liệu số tiền bạc chục ngàn tỉ ấy có phải sẽ được chia chác trong nhóm quyền lực nào đó cả trong lẫn ngoài tổ chức TLĐLĐ Việt Nam?

Nói thêm, ông Phan Văn Anh trước khi là phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, ông là Trưởng ban tài chính của TLĐLĐ Việt Nam.

_____________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/bi-kiem-toan-ket-luan-vu-tich-luy-29-000-ti-dong-tong-lien-doan-lao-dong-noi-gi-2020091103042551.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)