Việt Nam Thời Báo

VNTB – 30/4 – 50 năm ở đâu cũng là nhà tù

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Chế độ của Minh đã làm gì cho tự do và hạnh phúc của dân?

 

Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn mô tả một tù nhân chính trị bị giam cầm lâu năm và sau đó “xin ở lại tù” vì cho rằng “ở đâu cũng là nhà tù, … ngoài kia là nhà tù lớn, còn trong này là nhà tù nhỏ.”

Hàm ý của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có căn cứ rất sâu xa. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1948, thiết lập 30 quyền và tự do cơ bản vốn có của mọi cá nhân, nhấn mạnh tính phổ quát và không thể chia cắt của chúng.

Những quyền này bao gồm bình đẳng và tự do khỏi sự phân biệt đối xử; quyền được sống, tự do và an toàn cá nhân; tự do khỏi chế độ nô lệ, tra tấn và giam giữ tùy tiện; được công nhận và bình đẳng trước pháp luật; cũng như quyền riêng tư, quốc tịch, kết hôn, sở hữu tài sản, tự do tư tưởng, tôn giáo, ý kiến, biểu đạt, hội họp hòa bình và tham gia chính quyền. Ngoài ra, tuyên ngôn còn phác thảo các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như an sinh xã hội, giáo dục, mức sống đầy đủ – bao gồm chăm sóc sức khỏe – và quyền làm việc trong điều kiện công bằng.

Sau năm 1975, Đảng đã thiết lập một mạng lưới các “trại cải tạo”, thực chất là các trại tù được thiết kế để tuyên truyền và trừng phạt những người đã làm việc trong Nam. Các ước tính cho thấy từ 200.000 đến 1 triệu người đã bị đưa đến các trại này, với thời gian giam giữ từ vài tuần đến 18 năm hoặc hơn.

Chính sách tù cải tạo bắt đầu vào tháng 5 năm 1975. Ban đầu, nhiều người được thông báo rằng họ sẽ trải qua các giai đoạn cải tạo ngắn, nhưng trên thực tế, nhiều người bị giam giữ trong nhiều năm.

Điều kiện trong các trại rất khắc nghiệt, với tù nhân phải đối mặt với lao động cưỡng bức, thiếu thực phẩm và chăm sóc y tế, cũng như tuyên truyền chính trị. Nhiều tù nhân không được thả ra cho đến giữa đến cuối những năm 1980, và một số vẫn bị giam giữ thậm chí còn lâu hơn. Tác động của chương trình cải tạo vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến xã hội trong nhiều thập kỷ sau đó.

Hệ thống sở hữu đất đai đặt quyền sở hữu tài sản chủ yếu vào tay nhà nước, tạo ra điều kiện cho việc thu hồi đất có thể di dời một phần đáng kể dân oan. Từ năm 2001 đến 2010, nhà nước đã chuyển đổi khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp sang sử dụng cho mục đích dân cư và các mục đích phi nông nghiệp khác.

Với khoảng 70% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn và 50% lực lượng lao động làm việc trong nông nghiệp, việc thay đổi cấu trúc sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng.

Có tới hơn một triệu dân oan lang thang khiếu kiện ở Hà Nội kể từ năm 2000. Dân oan đã bị mất gốc khỏi các phương thức sinh kế truyền thống và cộng đồng của họ.

Sống ở nơi đâu cũng là nhà tù không dễ. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh nỗi đau khổ của việc mất tự do – “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Lời nói người xưa thực không sai”. Thế thì chế độ của Minh đã làm gì cho tự do và hạnh phúc của dân? [1]

“Không quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi”, nhà báo nhà văn Huy Đức, 3 năm tù, 2025.

“Luật pháp bảo vệ chế độ hơn là bảo vệ người dân, …” Luật sư Võ An Đôn, bị cấm hành nghề luật sư, Giải Nhân Quyền Việt Nam 2016. [2]

“… cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, và tôi cần sự ủng hộ của tất cả các bạn – những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi. Nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, 9 năm tù, Giải NQVN 2018. [3]

“Nếu bạn im lặng thì ai sẽ nói?” Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, án tù 10 năm, Giải NQVN 2017. [4]

“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm.” Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc, 13 năm tù, Giải NQVN 2021. [4]

Blog Anh Ba Sàm là “Cơ quan ngôn luận của Thông tấn xã vỉa hè,” với mục tiêu “khai dân trí, phá vòng nô lệ.”, “Dọc ngang trời đất rực vẻ văn minh, tức tối nước nhà cam đường hủ bại.” Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, 5 năm tù, Giải NQVN 2017. [5]

Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ. Tôi yêu quê hương, đất nước, từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình. Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn… Nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thủy, 7 năm tù, Giải NQVN 2021. [4]

“Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc. …. Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến.” Tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù, Giải NQVN 2020. [4]

“… thăng tiến tự do cho mỗi cá nhân là điều kiện tiên quyết để thăng tiến tự do xã hội. Mỗi công dân Việt Nam phải có quyền quyết định vận mệnh của mình và góp phần quyết định vận mệnh của đất nước. Để được như thế mọi người phải có quyền tự do tư tưởng và tự do bày tỏ quan điểm, không bị can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông.” Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Giải NQVN 2016. [6]

“Tên tôi là nạn nhân cộng sản.” Nhà hoạt động cho dân oan bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, mỗi người 8 năm tù, Giải NQVN 2021. [4]

Những người viết báo rơi nước mắt trước cảnh với những em bé vùng xa phải bắt chuột ăn thay cơm, đau xót với những dân nghèo bị ‘giết sống’ nơi rốn xả lũ thủy điện, cảm thông với hàng chục ngàn nạn nhân của ô nhiễm môi trường và hàng triệu dân oan từ quốc nạn thu hồi đất đai vô lối… sẽ có được tình cảm và sự chở che của Nhân dân.Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Giải NQVN 2020. [7]

“… tiếng kêu khóc khàn giọng của bà con dân oan vang lên nghe thảm thiết hàng ngày động đến trời cao, lòng chỉ biết xót xa cho đồng bào mình” Tù nhân lương tâm Đặng Đăng Phước, 8 năm tù, Giải NQVN 2024. [8]

“Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc… Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử.” Nhà hoạt động nhân quyền Bùi Văn Thuận, 8 năm tù, Giải NQVN 2024. [4]

“Tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu nước và hy sinh cho sự công chính.” Nhà thơ Trần Đức Thạch, 12 năm tù giam, Giải NQVN 2022. [4]

“Tôi sẽ tiếp tục kháng án, vì tin rằng việc đấu tranh cho dân chủ tự do, công bằng xã hội và quyền lợi của dân nghèo KHÔNG phải là một cái tội. Tôi sẽ tiếp tục bênh vực, đấu tranh cho công lý, cho lẽ phải và cho quyền sống chính đáng của con người, ngay cả trong thời gian bị giam cầm ở trong nhà tù.” Ký giả Trương Minh Đức, 5 năm tù, Giải NQVN 2010. [4]

“Tôi bình thản nhất định không nhận tội để giảm án. Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại tôi vẫn làm như thế thôi.” Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, 11 năm tù, Giải NQVN 2022. [4]

“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – HS.TS.VN” Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 8 năm tù, Giải NQVN 2019. [9]

“Khao khát Việt Nam có được một công đoàn riêng của công nhân và phải được công nhận: đó là mục đích mà các anh em muốn hướng tới.” Nhà hoạt động dân chủ và quyền của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, 7 năm tù, Giải NQVN 2011. [4]

“Tình hình đàn áp, bách hại về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam rất trầm trọng, …”, Hòa thượng Thích Không Tánh, 10 năm tù cải tạo, nhiều lần tù nữa tổng cộng 6 năm tù, Giải NQVN 2015. [4]

“Tôi tha thiết mong rằng tự do dân chủ sẽ sớm đến với nhân dân tôi, mọi người trên đất nước mình phải được hưởng quyền con người như các nước tiến bộ khác trên thế giới. Tôi thấy trong cuộc đấu tranh này, một lời nói lên tiếng của quý vị không chỉ là nguồn động viên khích lệ mà chính các quý vị đang góp phần đấu tranh cho dân tộc và cho nhân dân Việt Nam.” Nhà hoạt động vì nhân quyền Hồ Thị Bích Khương, 5 năm tù, Giải NQVN 2015. [10]

“Tôi nghĩ đây là một cuộc đấu tranh bất bạo động ôn hòa. Mục tiêu lớn nhất là đánh động vào nhận thức của con người.” Kỹ sư và chủ hãng điện tử Trần Huỳnh Duy Thức, 16 năm tù, Giải NQVN 2013. [11]

“Dân chủ là sự cùng tồn tại của những quan điểm khác biệt đồng nghĩa với Đa đảng hay thực hiện chế độ đa đảng là cách duy nhất để có được dân chủ.” Luật sư tiến sĩ họa sĩ Cù Huy Hạ Vũ, 7 năm tù, Giải NQVN 2011. [4]

“Cùng với nhau, chúng ta sẽ đạt được tự do, dân chủ và công bằng cho nhân dân Việt Nam.” Hội Anh Em Dân Chủ, Giải NQVN 2017. [4]

“Phải dân chủ hóa Việt Nam thì mới có chính danh, thứ nhất trong nước để có sự hậu thuẫn của quần chúng, để phát triển kinh tế, văn hóa, ra khỏi nghèo đói rồi phát triển dân chủ. Trên vấn đề Biển Đông, phải dân chủ hóa Việt Nam mới có chính danh để đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho dân tộc chúng ta.” Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhiều lần vào tù, tổng cộng 21 năm tù, Giải NQVN 2004. [12]

 

____________________

Tham khảo:

1. Đại Biểu Nhân Dân. Tại sao “Nhật ký trong tù” viết bằng chữ Hán? 18/05/2023; Available from: https://daibieunhandan.vn/tai-sao-nhat-ky-trong-tu-viet-bang-chu-han-post329015.html.

2. Tú Mi. Luật sư Võ An Đôn: ‘Luật pháp bảo vệ chế độ hơn là bảo vệ người dân’. 22/12/2014; Available from: https://vanviet.info/van-de-hom-nay/luat-su-v-an-dn-luat-php-bao-ve-che-do-hon-l-bao-ve-nguoi-dn-2/.

3. RFA. Giải thưởng nhân quyền cho hai tù chính trị và nhà hoạt động Việt Nam. 05/12/2018; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-human-rights-network-awards-two-political-prisoners-and-one-activist-12052018081657.html.

4. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. GIẢI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM. Cập nhật ngày 21/12/2024; Available from: https://www.vietnamhumanrights.net/viet/Awards.htm.

5. Đào Tiến Thi. Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, con người đáng quý. 13/01/2016; Available from: https://vanviet.info/van-de-hom-nay/anh-ba-sm-nguyen-huu-vinh-con-nguoi-dng-qu/.

6. Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Mạng Lưới Blogger Việt Nam. 10/12/2018 Available from: https://mangluoiblogger.blogspot.com/2013/12/mang-luoi-blogger-viet-nam.html.

7. Phạm Chí Dũng. VNTB-Nhà báo độc lập: Có Nhân dân sẽ có tất cả. 03/08/2014; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-bao-doc-lap-co-nhan-dan-se-co-tat-ca/.

8. Đặng Đăng Phước. Tôi đã từng là lính nghĩa vụ quân sự. 23/12/2017; Available from: https://dangdangphuoc.blogspot.com/2017/12/toi-tung-la-linh-nghia-vu-quan-su.html.

9. Paulus Lê Sơn. Thư gửi Nguyễn Đặng Minh Mẫn 17/01/2019: https://www.sbtn.tv/thu-gui-nguyen-dang-minh-man-paulus-le-son/.

10. Human Rights Watch. Việt Nam: Các Nhà văn được Vinh danh vì đã Dấn thân cho Nhân quyền. Tám người Việt Nam được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett. 13/09/2011; Available from: https://www.hrw.org/vi/news/2011/09/13/243988.

11. VOA. Trần Huỳnh Duy Thức: ‘Tôi chưa bao giờ đánh mất ý chí tự do trước sự bức hại nào’. 02/10/2024; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/voa-phong-van-tran-huynh-duy-thuc/7807161.html.

12. VOA. BS Quế: ‘Dân chủ hóa giúp đòi quyền lợi quốc gia trên Biển Đông’. 26/11/2013; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/phong-van-bac-si-nguyen-dan-que/1797299.html.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đổi mới kinh tế qua chín điểm

Phan Thanh Hung

VNTB – Bác Hồ ơi, làm sao lật đổ Putin?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhờ Bà Phó Thủ Tướng Canada liên hệ với tòa Đại Sứ Việt Nam tại Canada về Blogger Lê Anh Hùng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo