VNTB – 30 năm hữu nghị và sự im lặng của Việt Nam

VNTB – 30 năm hữu nghị và sự im lặng của Việt Nam

 

Thới Bình

 

(VNTB) – Hội hữu nghị Việt Nam – Ukraine đã làm gì trong mấy tuần lễ qua?

 

Hồi đầu năm nay, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Hội hữu nghị Việt Nam – Ukraine và Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam tổ chức 30 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ukraine (23/1/1992 – 23/1/2022).

Theo tường thuật của báo chí, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ukraine, ông Đặng Văn Chiến đã “khẳng định trong suốt chặng đường phát triển quan hệ hai nước, Ukraine luôn là nước bạn bè truyền thống, gắn bó của nhân dân Việt Nam.

Nhiều thế hệ người Việt luôn ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của các bạn Ukraine trong những năm đấu tranh giành độc lập cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 1/1992 đến nay, quan hệ hữu nghị hợp tác song phương đã từng bước phát triển mạnh mẽ”.

Trong phần đáp từ, bà Natalya Zhynkina – Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, nói rằng Ukraine sẵn sàng là đối tác tin cậy của Việt Nam tại châu Âu. Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Hội Hữu nghị Việt Nam – Ukraine trong các hoạt động giao lưu, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thế nhưng trong 3 tuần lễ qua khi mà người dân Ukraine phải chạy gồng gánh nhau chạy giặc, và mới nhất là trong một tuyên bố chung, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và các giám đốc điều hành của UNICEF và UNFPA, quỹ về trẻ em và dân số của Liên Hợp Quốc, kêu gọi việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe khỏi mọi hành vi bạo lực.

Họ cho biết các cuộc tấn công vào các cơ sở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe kể từ khi chiến tranh bắt đầu đã khiến ít nhất 12 người chết và 34 người bị thương, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.

“Hôm nay, chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tất cả các cuộc tấn công nhắm vào việc chăm sóc sức khỏe ở Ukraine. Những cuộc tấn công kinh hoàng này đang giết chết và gây thương tích nghiêm trọng cho bệnh nhân và nhân viên y tế, phá hủy cơ sở hạ tầng y tế quan trọng và buộc hàng nghìn người từ bỏ việc tiếp cận các dịch vụ y tế bất chấp nhu cầu thảm khốc” – trích Tuyên bố chung.

Các cơ quan này cho biết họ đang “làm việc với các đối tác để mở rộng các dịch vụ và hỗ trợ cứu mạng người để đáp ứng các nhu cầu y tế khẩn cấp”.

Vậy thì Hội hữu nghị Việt Nam – Ukraine đã làm gì trong mấy tuần lễ qua?

Trong vấn đề này, phía nhà nước Việt Nam đến nay vẫn dừng lại ở tuyên bố rằng cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng. Do đó, Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraine giảm căng thẳng, ngừng bắn, bảo đảm an ninh an toàn, nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an ninh an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Ukraine, trong đó có người Việt Nam.

Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý, luật pháp quốc tế.

Lập luận trên còn dùng để giải thích lý do lá phiếu trắng mà Việt Nam đã chọn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02-03 khi biểu quyết ban hành nghị quyết có tên là “hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine” (Russia’s aggression against Ukraine).

Nếu Việt Nam chọn lá phiếu trắng, và Hội hữu nghị Việt Nam – Ukraine vẫn chưa thấy động tĩnh gì gọi là thể hiện tình hữu nghị, vậy thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì sao lại không thực thi bổn phận của mình?

Sở dĩ gọi là bổn phận vì ngày 05-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Genève về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Và ngày 04-11-1957, Hội Hồng thập tự Việt Nam của miền Bắc chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Lịch sử cho biết, ngày 15-12-1965, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 31-7-1976, Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đây là kiểu tiếp quản từ Hội Hồng thập tự của Việt Nam Cộng Hòa, thành lập ngày 25-12-1951) thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Có lẽ thay lời kết ở đây bằng thời sự giá vàng ở Việt Nam luôn mắc hơn thế giới vài triệu bạc. Có lẽ vậy nên trong nhiều trường hợp gọi là nhạy cảm chính trị, người ta thích chọn vàng hơn cho trú ẩn theo đúng như tục ngữ ‘im lặng là vàng’…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Hội hữu nghị Việt Nam – Ukraine đã làm gì trong mấy tuần lễ qua?”

    Có thể họ đang chuẩn bị nhập vào hội hữu nghị Việt-Sô . Nghe nói có cả cung văn hóa hữu nghị Việt-Sô ở Hà Nội, bác nào biết kể ra dùm