VNTB – 30 tháng 4, 1975 Giải Phóng: Xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, tư tưởng, văn hóa đồi trụy!

VNTB – 30 tháng 4, 1975 Giải Phóng: Xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, tư tưởng, văn hóa đồi trụy!

 

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Những đám cháy bùng lên từ các đống sách, chỉ một vài tiếng đồng hồ, “tàn dư chế độ cũ” bị thiêu hủy

 

Người Sài-Gòn sau khi ra đường ngơ ngác sợ sệt nhìn quân giải phóng, với những chiếc xe motolova lạ mắt và những bộ quân phục nhếch nhác, tác phong bê bối, nói năng ngây ngô ngốc nghếch của đám quân giải phóng tràn vào thành phố thân thương, về nhà, nhìn tủ sách ngay ngắn, sạch sẽ, quý phái của mình, lạnh toát sống lưng, họ thấy toàn sự phản cách mạng chứa trong đó, từ hình thức đến nội dung. Không ai bảo ai, họ chọn lựa những cuốn sách nghĩ là phản cách mạng nhất, sách ngoại ngữ, bất kể thứ ngoại ngữ nào không phải tiếng Việt, ngay cả những sách khoa học, kỹ thuật, chuyên môn như y khoa,  tự điển, vội vã đem ra ngã ba, ngã tư, đầu hẻm vứt đi. Chỉ trong một bữa, sách vở chất đống như rác.

Phường 6 Đa Kao, phần từ đường Hai Bà Trưng, Phan Thanh Giản xuống gần Hồng Thập Tự, Phùng Khắc Khoan, Mạc Đĩnh Chi, Trần Cao Vân, Tự Đức, Đinh Tiên Hoàng, Trần Doãn Khanh, Nguyễn Thành Ý… không ngã ba, ngã tư, đầu hẻm nào không có sách. Người vứt xách ôm từng chồng ra, vứt vào nơi đã có nhiều sách vứt đó, không ai nhìn ai, mặt buồn rười rượi. Rồi một lúc, những đám cháy bùng lên từ các đống sách, chỉ một vài tiếng đồng hồ, “tàn dư chế độ cũ” bị thiêu hủy. Đầu hẻm 146 Tự Đức, Đakao, sách cháy nám đen vách xưởng may.  

Nhà ông Nguyễn Hữu H., thanh tra bộ quốc gia giáo dục, bốn bề là sách. Sách trên các kệ xếp chung quanh tường, dọc cầu thang gỗ dẫn lên gác xép, sau một giờ đồng hồ gần như như trống trơn. Tất cả sách ngoại ngữ kể cả những cuốn giáo khoa tiếng Anh, Pháp, có vài cuốn chính ông là tác giả  đều bị đem đốt, ngay cả những cuốn truyện tranh Lucky Luke, McDonald, Tintin… các con nhỏ của ông thích nhất cũng biến khỏi góc trên tủ sách thân thương của chúng. Ông đổ xụp, ôm đầu, vai run lên từng hồi, không dám nhìn hai người giúp việc nhà theo lệnh bà chủ ôm từng đống sách, vứt ra ngã tư đường. Từ hôm đó. Ông nằm một chỗ, cho đến ngày phải gượng dậy ra trình diện học tập cải tạo. Và ông đi, đi mãi đến bây giờ!

Chiến dịch “Thiêu hủy tàn dư chế độ cũ” được các anh chị ‘cách mạng 30 tháng 4’ đến từng khu phố, từng nhà nhắc nhở người Sài Gòn hiểu văn hóa phẩm tàn dư của chế độ cũ không chỉ liên quan đến đế quốc, những gì có chữ Tây, tiếng Tàu, hay bất cứ thứ tiếng nước ngoài nào, mà còn là tất cả những gì gọi là văn hóa liên quan đến chế độ Mỹ, Thiệu, Kỳ. Từ nhạc của bất kỳ nhạc sĩ nào, các tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất bản trong Nam, những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đến sách của Mai Thảo, Nhã Ca, Hoàng Hải Thủy, Sơn Nam, Lê Xuyên, cả các loại như Tây Du Ký, Ngàn Lẻ Một Đêm, sách giáo khoa, triết học của Trần Bích Lan, Phan Phát Huồn, Trần Thái Đỉnh, Thanh Lãng, Thích Nhất Hạnh, ngay cả bộ Cảnh Đức Trấn Đào Lục của Vương Hồng Sển viết về cách sản xuất đồ cổ ngoạn từ lò Cảnh Đức bên Trung Hoa vài trăm năm trước cũng bị liệt vào loại đồi trụy vô văn hóa, phong kiến. 

Chiến dịch đánh tư sản mại bản, phá tàn dư chế dộ cũ, văn hóa phẩm đồi trụy kéo dài lâu lắm. Tàng trữ những thứ văn hóa đồi trụy là có tội

Năm 1987, Thiếu Tá ‘ngụy’ Lê Duy M. và hai anh chàng, một anh đạp xích lô, một anh ăn trộm bị xử chung vụ “Âm mưu lật đổ chính quyền và tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy”. Họ lần lượt lãnh án 12, 6 năm tù. Chuyện có thật mà như đùa. 

Duyên do. Một đêm không trăng không sao, anh  ăn trộm nhập nha* ông Thiếu tá công binh  mới học tập cải tạo về, y luồn vào từ nóc nhà, phát hiện một thùng gỗ khóa, dấu kín trên trần. Chắc mẩm đồ quý, không cần xem trong có gì, y đem xuống, chuồn ra khỏi nhà. Đứng trong bóng tối chờ một chiếc xích lô chạy tới, y vẫy xe. Trời còn khuya, chẳng may gặp đội tuần tra dân phố chận lại khám xét. Đội này phát hiện một tang chứng vô cùng bất ngờ, đáng được tuyên dương. Trong thùng anh ăn trộm được chứa vài bộ quân phục còn gắn lon thiếu tá đàng hoàng, một cây súng colt, một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa và mấy cuốn sách kỹ thuật xây dựng cầu, đường đem từ Mỹ về. Cả nhà ông Thiếu Tá vô cùng ngạc nhiên, đau khổ tột cùng khi công an ập vào nhà còng tay ông đi. Ông mới tù không án về được vài tháng. Ra tòa, cả bọn bị gép tội âm mưu lật đổ chính quyền. Dù ông Thiếu Tá thành thật khai báo, ngày giải phóng ông tiếc những gì quý nhất, đem dấu. Lâu ngày, quên mất thùng kỷ niệm lưu luyến thời oanh liệt. Còn anh ăn trộm, anh xích lô dù khai thế nào cũng bị ghép tội đồng lõa. 

Chuyện sau dính đến một ông sỹ quan bộ đội cụ Hồ.

 Sau khi vứt hết sách chữ tây, chữ tàu, chữ Việt, tủ sách gia đình Nguyễn Gia chỉ còn lại gần trăm cuốn mà vợ ông nhất định dấu dù lo ngay ngáy, trong đó gồm cả gia phả viết chữ nho của cả hai họ nội ngoại. Đầu năm 1981, dượng của vợ ông, Thiếu tá Sạng, tên còn nhớ là Sạng, tên họ thì không biết, dân tập kết, được điều về làm quận đội trưởng quận l. Ông Sạng từng hãnh diện tự nhận gốc bần cố nông, hồi nhỏ theo bố mẹ khuân thuê, vác mướn rau củ cho người bán hàng chợ Cầu Muối. Bà vợ NGT. vui mừng đem một va li gỗ lớn, loại va li của quân đội Pháp ngày trước, màu xanh cứt ngựa, gỗ thông dầy cui, các góc đều niềng bằng nẹp sắt, chứa đầy sách, khóa kỹ, đem gửi cho ông dượng. “Để trên lầu, tao biết sách quý, tao giữ cho”. Vợ NGT yên tâm, hy vọng còn giữ được những quý giá nhất còn sót lại cho chồng. Cho đến vài năm sau bà xin lại vài cuốn để đọc. Ông sai người nhà đem trả va ly gỗ trống trơn.

 

 Năm 1992, NGT. còn bị tù tại Z30D Hàm Tân Thuận Hải, chung trại với các sĩ quan cuối cùng theo lệnh trình diện đi học tập một tháng của ủy ban quân quản, trong đó có Trung Tá Nguyễn Hữu Hải thuộc cảnh sát vùng 2 chiến thuật. Một ngày ông Trung Tá Hải bất ngờ được lệnh tha. NGT đang ở đội lao động khác, nhận lời nhắn của trật tự trại lên ban chỉ huy nhận lại thùng đồ của ông Hải để lại cho. Trung Tá Hải là một trong những người được gia đình thăm nuôi rất đầy đủ. Thường ông Hải chia sẻ thức ăn cho cháu vợ NGT và cho đám ‘mồ côi’, tù hình sự. Chiều về, NGT. lên nhận thùng di sản của ông chú để lại, bụng khấp khởi mừng thầm, nhất là khi thấy cái thùng bằng sắt tây, vuông vức khoảng 60x60cm, cao khoảng 1m, còn khóa đàng hoàng, nhưng anh chàng thất vọng, ê chề khi nâng lên cái thùng nhẹ tếch, về phòng, phá khóa thấy chỉ thấy còn mấy vỉ thuốc cảm quá date, chai thước ghẻ ngứa và cuốn sách viết tay dầy cả trăm trang, chữ nhỏ rí, “Các toa thuốc Nam gia truyền trị bệnh vô cùng hiệu nghiệm!” Mỉa mai là hôm sau, NGT. bị gọi lên găp “Ban giáo dục”, bị cảnh cáo liên hệ với sĩ quan có dấu tài liệu thuộc loại văn hóa phẩm đồi trụy. Ban Chính đưa ra vài cuốn viết tay thơ của tù cải tạo Nguyễn Hữu Hải Tản Đà, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hồ Zếnh.. để trong thùng sắt. Một thời gian NGT giận ông chú vợ, sau hiểu ra ông đúng là quá ngây thơ. 17 năm học tập, lúc về giao trứng cho ác. Giao cả thùng đồ ăn, thơ đồi trụy trong thùng sắt được khóa cẩn thận cho lũ quản giáo để chuyển cho người tù khác. (Cái chìa khóa đâu?)

 

Ba câu chuyện về ba ông sỹ quan cấp Tá, một người phe Giải Phóng, hai người phe Ngụy. Cho đến nay, năm 2022, hơn 40 năm được-giải-phóng-khỏi-nô-lệ-áp-bức, nhiều tác phẩm văn học, nhạc của miền Nam vẫn bị chính phủ giải phóng có thủ đô ở Hà Nội cấm đoán. Thật vô cùng đồi trụy!

(*)Tiếng lóng dân ăn trộm: đột nhập nhà ai


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, tư tưởng, văn hóa đồi trụy”

    Điều này là đúng & cần làm . Nhà trí thức Lữ Phương đã chứng minh, theo nhà văn Nguyên Ngọc, 1 cách khoa học & khách quan trong tác phẩm của mình về sự cần thiết phải Xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, tư tưởng, văn hóa đồi trụy . Và nhờ đó, nhà trí thức Lữ Phương đã được giải Phan Chu Trinh về văn hóa .