VNTB – 4 tiếp viên Vietnam Airlines có vướng tội buôn lậu?

VNTB – 4 tiếp viên Vietnam Airlines có vướng tội buôn lậu?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Chiều 22-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy vì chưa đủ cơ sở khởi tố.

 

Bốn tiếp viên được trả tự do gồm: Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Phương Vân, Trần Thị Thu Ngân và Võ Tú Quỳnh. Trước đó, các tiếp viên này đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra, có căn cứ xác định bốn tiếp viên này không biết rõ số hàng hóa vận chuyển từ Pháp về Việt Nam có chứa ma túy nên chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự.

Tạm không tranh luận về lý do trên của cơ quan điều tra, ở đây cần làm rõ vậy thì đó có phải hành vi buôn lậu hay không?

Theo thông tin trên báo chí, các tiếp viên khai nhận được một người (không rõ danh tính tại Pháp) nhờ xách tay một số hàng hoá về Việt Nam là những hộp kem đánh răng. Các tiếp viên hàng không đã kiểm tra ngẫu nhiên, và cho rằng đó là kem đánh răng nên đồng ý nhận mang về Việt Nam, số tiền thuê nhận được cho 4 người là 10 triệu đồng.

Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an – cho biết căn cứ kết quả điều tra, ngày 21-3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật liên quan vụ việc bốn tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy.

Kết quả bước đầu xác định khi bốn tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp, thì có một nghi phạm người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng, và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.

Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp đã bị trà trộn, cất giấu ma tuý. Do đó, các cơ quan chức năng xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Cũng theo trung tướng Tô Ân Xô, trong ngày 22-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên hàng không nêu trên.

Giá một tuýp kem đánh răng cùng hiệu với 4 tiếp viên hàng không kể trên, giá rao bán “(Hàng air ✈️ Pháp) Kem đánh răng Signal White now giúp trắng răng” trên kênh thương mại điện tử Shopee, có giá từ 115.000 đến 285.000 đồng/ set 3 tuýp. Nhà bán hàng là thuy_authentic_noibai. Nguồn hàng được giới thiệu lấy từ Cỏ Shop.

Lấy mức giá bán cao nhất 285.000 đồng/ set 3 tuýp, cho thấy tính bổ đồng giá bỏ sỉ từ Pháp với lợi nhuận khoản 10%, thì có giá tương đương 70 ngàn đồng Việt Nam/ tuýp, vị chi 327 tuýp là 22.890.000 đồng. Tiền trả công cho các tiếp viên là 10 triệu đồng/ 327 tuýp, vậy thì lợi nhuận thực tế cho chuyến hàng này từ phía bỏ sỉ là không đáng kể cho chuyến buôn lậu hàng xách tay. Hơn nữa, nếu ‘ăn đồng chia đủ’ thì mỗi cô tiếp viên trong vụ này chỉ nhận có 2,5 triệu đồng gọi là tiền công cho lô hàng xách tay.

Cũng mặt hàng kem đánh răng Signal White now, một nhà phân phối khác quảng cáo lấy nguồn hàng từ hệ thống siêu thị Carrefour Pháp, kèm cam kết: “Hàng nội địa Pháp, đảm bảo hàng đi air và có bill do chính tay mình mua tại Pháp không qua trung gian”, được chào bán trên kênh Shopee, “Set 3 tuýp kem đánh răng Signal nội địa Pháp 75ml dành cho người lớn” có giá 220.000 đồng Việt Nam, tức mỗi tuýp có giá bán lẻ khoảng 73.000 đồng.

Với cách tính toán tương tự sẽ cho ra đáp số về lợi nhuận thu về khá ít ỏi so với chuyện đối mặt rủi ro của vận chuyển hàng dạng xách tay qua đường hàng không.

Tin rằng các cô tiếp viên hàng không ở những chuyến bay quốc ngoại rất am tường về lĩnh vực mỹ phẩm, nên rõ ràng với mức thù lao 10 triệu bạc cho cả chuyến hàng tính rộng tay lắm cũng chỉ là chưa đến 23 triệu đồng, thì quả là mức hời khó thể bỏ qua.

Đồn đoán hành lang cho biết rằng sở dĩ hải quan sân bay Paris Charles de Gaulle để “lọt lưới” số hàng kem đánh răng kể trên, thật ra đó là một chuyện cố tình, bởi cảnh sát hay hải quan Pháp theo dõi đường dây này từ lâu, và biết chuyến này có “hàng”, nhưng họ chả bắt lại làm gì cho rắc rối. Cứ để cho lên máy bay rồi mật báo cho phía Việt Nam chặn bắt.

Bắt ở Pháp lại tốn công điều tra, xét xử, bao nhiêu chi phí nuôi tù, rồi dư luận, quan hệ hai nước trong bối cảnh hai bên đang tưng bừng những nghi thức của kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao…

Vậy thì tốt nhất là người Việt thì cứ để về Việt Nam bắt và xử. Lên máy bay thì chỉ có chạy đường trời… Ai dè, đến giờ chót bất ngờ cú hồi mã thương quyền lực đàng sau hậu trường giúp cả bốn cô tiếp viên hàng không “trắng” luôn nghi án buôn lậu xuyên quốc gia.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)