VNTB – 4,4% người lao động thất nghiệp có đủ tiền dành dụm cho ‘lockdown’ 6 tháng

VNTB  – 4,4% người lao động thất nghiệp có đủ tiền dành dụm cho ‘lockdown’ 6 tháng

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Đến lúc này thì Sài Gòn ‘lockdown’ đã 5 tháng ròng…

 

“Có tới hơn 50% số người lao động bị mất việc từ 1-3 tháng, trong khi đó nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng” – trích báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19, được thực hiện với gần 70.000 người lao động và hơn 21.500 doanh nghiệp/hộ kinh doanh.

Báo cáo được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), công bố hôm 7-9-2021.

45% người thất nghiệp phải sống nhờ vào giúp đỡ của người thân

Theo kết quả khảo sát, kể từ đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4, diễn ra vào đầu tháng 5, cho tới nay, 62% trong tổng số 70.000 người tham gia khảo sát, trả lời đã bị mất việc làm, tương đương 42.754 người. Trong đó, các nhóm ngành xây dựng và dịch vụ có tỷ lệ mất việc rất cao, trên 60%.

Khi xem xét các ngành nghề kinh tế dịch vụ, thì tỷ lệ mất việc cao nhất 87% thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch; dịch vụ giúp việc, bảo vệ.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch lần đầu vào đầu năm 2020, và đến đợt dịch bùng phát từ tháng 5-2021 cùng với các chính sách giãn cách tại các thành phố lớn thì các hoạt động ăn uống bị đóng cửa nên đây là nhóm có tỷ lệ mất việc lớn nhất.

Tỷ lệ lao động mất việc ở trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 33,1%, phần lớn lao động làm trong lĩnh vực này là lao động làm trong các phòng khám tư nhân. Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 52,2%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng.

Cũng theo khảo sát Ban IV, trong tổng số 42.754 câu trả lời, 45% người mất việc phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%.

Tỷ lệ số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%. Nhưng con số về lao động mất việc do ảnh hưởng về dịch tiếp cận được “Từ gói hỗ trợ của nhà nước” là nhỏ nhất và rất nhỏ chỉ đạt 2%. Con số 3,5% trong hình 14 là tính gộp cả những người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc. Sau khi thất nghiệp, có tới 48,2% số người trả lời là không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới.

Trong khi đó, người lao động thử sức tìm kiếm/tạo việc làm cho mình sau khi mất việc là thực hiện các hoạt động kinh doanh online như bán hàng online, với gần 21% số người mất việc muốn thử sức trong nền tảng online.

Gánh nặng gia đình

Do thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các tỉnh, thành phố cho trẻ em ở nhà. Rất nhiều gia đình ở thành phố phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền internet, tiền kết nối 3G, 4G tăng lên để cho con tham gia các buổi học trực tuyến… nên đây lại là khoản chi phát sinh do dịch Covid-19 bùng phát mà nhiều người lao động tham gia khảo sát lựa chọn, chiếm 41,2%.

Ngoài khoản chi này, chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng là chi phí phát sinh cao thứ hai với hơn 28% người tham gia khảo sát phải chi trả.

Ngoài ra, có tới gần 15% số người trả lời khảo sát cho biết chi phí phát sinh khác gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng.

Người lao động, đặc biệt người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng như những người lao động đang ở trong các thành phố đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, Đà Nẵng, phản ánh khoản chi dành cho lương thực, thực phẩm, dù duy trì mức sinh hoạt tối thiểu nhưng họ phải trả cho giá lương thực, thực phẩm “tăng phi mã”, “tăng đột biến”, “tăng gấp hai, gấp ba”…

Chi phí khác còn bao gồm chi phí thuê nhà đối với lao động đi thuê, và chi phí lãi vay ngân hàng đối với người mua nhà lần đầu. Dù khoản chi này không tăng nhưng lại là gánh nặng rất lớn đối với lao động mất việc hoặc có việc nhưng tiền lương giảm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)