Nguyễn Thị Sen
(VNTB) – Đây là lần đầu tiên bại lộ chuyện người đi vượt biên theo chuyên cơ của quan chức vì những sơ hở thiếu sót của Bộ KH-ĐT.
Vượt biên theo diện đi nhờ máy bay Chủ tịch Quốc Hội
Vụ 9 người đi ké máy bay của Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc đã không được cơ quan thông tấn Việt Nam nhắc tới sau khi vụ việc xảy ra ngày 7/12/2018. Mãi 10 tháng sau, ngày 23/09/2019 người trong nước mới được biết đến 9 người trốn ở lại Hàn Quốc sau khi Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) đưa tin về vụ việc.
Đài Truyền Hình MBC cho biết đã trục xuất 2 trong 9 người trong phái đoàn kinh tế đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Sau khi lộ chuyện, ông Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký, người phát ngôn của Quốc Hội cho biết những người bỏ trốn là thành viên của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc… họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính thức”.
Cũng từ lúc đó ông Phúc đã khẳng định “Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, lãnh đạo Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp các bên có liên quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Sau hơn 1 năm 7 tháng sau khi tin bị lộ ra và gần 2,5 năm từ khi vụ việc xảy ra thì báo chí mới loan tin vụ việc sẽ được đem ra xét xử chứ không phải là được cho chìm xuồng. Câu hỏi đặt ra là tại sao bây giờ mới dám đem ra xử vụ án “tổ chức, môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài theo diện tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc năm 2018”?
Ai là thủ phạm?
9 người đi ké máy bay, đội lốt doanh nhân đã trả từ 10.000 – 11.500USD/người để được bà Trần Thị Tuyết và Lê Thị Liễu đưa lậu sang Hàn Quốc.
Ông Trần Văn Khang, Giám đốc Công ty An Trí, đã giúp bà Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ thuộc Bộ KH-ĐT, đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của Công ty An Trí, ký đóng dấu thủ tục cho người này tham gia vào đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội.
Bà Tuyết nhân viên tạp chí Kinh tế và dự báo của Bộ Kế hoạch – đầu tư, bị cáo buộc tổ chức cho 2 người là Ngô Khánh Hoàng, Phạm Văn Đức tham gia đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc sau đó trốn ở lại và được hưởng 48 triệu đồng.
Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Cúc, cũng đã giúp bà Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty GVA, đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của công ty, tham gia xác nhận để người này tham gia cùng đoàn doanh nghiệp sang Hàn Quốc.
Bà Liễu cũng đi Hàn Quốc với 4 người khác đã được thu xếp làm giấy tờ giả mạo là Hùng Quang là trợ lý kinh doanh của Công ty Hưng Cúc; Ngô Duy Hảo là phó giám đốc Công ty Freshtech Vina; Trần Văn Dũng là giám đốc Công ty Hà Phát. Bà Liễu còn giúp ông Lý Thái Hưng tham gia đoàn doanh nghiệp. Trong phi vụ này bà Liễu thu được 700 triệu đồng sau khi mất 138 triệu phí dịch vụ cho Vietravel.
6 người trong số 9 người trốn ở lại đã xác định được danh tính, 4 người trong số đó đã trở về/ bị trục xuất. 2 người khác vẫn trốn ở lại. 3 người còn lại vẫn biệt tăm.
Nhưng có phải là quá khó khăn để xác định danh tính của những người có mặt trên chuyên cơ của bà Nguyễn Thi Kim Ngân?
Trước chuyến đi Đại sứ quán Hàn Quốc đã cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp. Đơn từ xin cấp thị thực theo yêu cầu của Bộ KH-ĐT. Nên để xác nhận ai đi mà không về là điều không có gì khó.
Ngoài ra, người đi máy bay luôn phải xuất trình hộ chiếu, danh sách người đi và về được các hãng hàng không nắm rõ, nên ai có mặt hay không trên chuyến bay trở về đã lập tức được biết. Vậy mà mãi đến gần 2 năm rưỡi mới dám công bố tên họ của 6 người trong những doanh nhân trá hình này? Vậy còn 3 người còn lại là ai mà tại sao chưa dám công bố tên họ?
Không ít có ý kiến rằng vì Chủ tịch Quốc hội còn tại vị, nên vụ việc được dàn xếp cho nằm im theo kiểu “vuốt mặt nể mũi, đánh chó ngó chúa”. Giờ bà Ngân đã về quê làm người tử tế nên là lúc mang vụ việc ra xử để thể hiện thái độ quyết liệt đối với những sai phạm trong quá khứ. Nhưng mà liệu rồi có xử được?
Xử được dân, không xử được quan?
Bà Lê Thị Liễu, giám đốc Công ty CP GVA, các ông Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuân Hiếu cùng trú tỉnh Nghệ An bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
5 người khác bị truy tố về tội “môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” gồm: Lê Thị Xuân, nguyên là đại diện Văn phòng tư vấn du học Công ty CP Tư vấn du học quốc tế IEC; Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo (Bộ Kế hoạch – đầu tư); Nguyễn Thị Lương, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An; Lương Mạnh Hùng, nguyên giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam và Trần Phục Hưng, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam.
Các cơ quan tố tụng cho biết họ không thể xử lý trách nhiệm trong vụ này vì “không có cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật”.
Các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc… theo lời của cơ quan xét xử điều tra là “ không biết các bị can đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp.” Ngay cả bản thân hai người đã làm xác nhận giả người của doanh nghiệp cũng không bị xem là vô can.
Ông Hưng không biết động cơ mục đích của bà Liễu nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm. Ông Khang do nể nang bà Tuyết, không được hưởng lợi, lại khai báo thành khẩn, nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chỉ đề xuất xử lý về hành chính.
Bên đã để người đi lậu lọt lưới là Bộ KH&ĐT đã được cơ quan điều tra xác nhận chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp. Vì vậy Bộ này chỉ cần có biện pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên bại lộ chuyện người đi vượt biên theo chuyên cơ của quan chức vì những sơ hở thiếu sót của Bộ KH-ĐT. Có lẽ cũng tới lúc cần phải xem thử liệu đã có bao nhiêu người đi lọt “theo diện đi nhờ máy bay lãnh đạo” đến Âu châu, Mỹ, Nhật … mà đều bị ém đi?