Nguyễn Nam
(VBNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt – Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là ‘hai nước anh em, đồng chí’.
“Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là hai nước anh em, đồng chí” – trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022).
Theo tường thuật của báo chí thì rất có thể Hà Nội ‘đóng’ vai ‘ông anh’, bởi hai lễ kỷ niệm này đều được diễn ra tại Hà Nội, và ‘ông em’ phải khăn gói sang nhà ‘ông anh’ để dự. Tuy nhiên dường như ‘ông em’ cũng chỉ dự cho ‘đúng lễ’ vì chỉ có mỗi Thường trực Ban Bí thư, Phó chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany, thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Đảng, nhà nước Lào.
Phía nhà ‘ông anh’ thì đầy đủ bá quan, văn võ của ‘đương kim tứ trụ’ cho đến các ‘nguyên tứ trụ – nguyên tổng bí thư’.
Thật ra thì những mẫu câu “hai nước anh em, đồng chí” là quen thuộc trong các diễn văn của các quan chức cao cấp trong hệ thống đảng cộng sản. Theo cách hiểu đó thì “anh em” ở đây thuần ý nghĩa chính trị, tương tự như trước đây khi chuẩn bị nhân sự cấp cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam, người ta hay thấy báo chí đưa tin về đoàn đại biểu cấp cao nào đó của Hà Nội sang Bắc Kinh. Và sau khi cơ cấu ghế xong, lại có đoàn nhân sự cấp cao khác từ Hà Nội lại qua Bắc Kinh để “báo cáo kết quả đại hội”.
Trung Quốc được Việt Nam coi là anh cả đỏ. Đến lượt mình, trước đây Hà Nội tự nhận mình là “anh hai” có hai “người em” là Cam-pu-chia và Lào.
Trong quan hệ ngoại giao thì rất không nên giữ theo nếp cũ về “anh – em”, vì quốc gia nào cũng có sự độc lập và tự chủ về chính trị. Không thể có chuyện ‘ông anh’ theo đuổi chủ thuyết cộng sản, nên buộc ‘phận em’ phải nghe theo lời là cũng phải cộng sản.
Quan niệm Á Đông còn là ‘quyền huynh thế phụ’, nên nếu cứ giữ lề lối “Mối tình hữu nghị Việt – Trung vừa là đồng chí, vừa là anh em”, thì liệu có phải là cậy thế ‘ông anh cả đỏ’, Trung Quốc tha hồ ‘đè đầu’ mấy ‘thằng em’ như Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào?
“Tôi muốn khẳng định và nhấn mạnh thêm rằng, tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là hai nước anh em, đồng chí” – trong diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng có đoạn như vậy.
Nếu phân tích đoạn trên theo cách của một học trò cấp trung học cơ sở, có nghĩa vì lẽ gì đó mà Đảng cộng sản của Lào thay đổi – vì quốc gia này có thể chế chính trị là “cộng hòa dân chủ”, sẽ dẫn đến việc đe dọa tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam – quốc gia theo thể chế “xã hội chủ nghĩa”. Khi ấy, chẳng lẽ lại đoạn tuyệt tình “anh em” khi đã không còn là “đồng chí”?
Quan niệm Á Đông nói rằng nhà nào anh em lục đục, đó là “gia môn bất hạnh”.