VNTB – Ai chịu trách nhiệm về định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường?

VNTB – Ai chịu trách nhiệm về định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường?

 

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Chỉ một nền kinh tế thị trường thông thường là đủ rồi

 

“Ai chịu trách nhiệm về định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường?” Câu hỏi này xin được đặt lên bàn của tác giả bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Đệ nhất lý luận Đảng

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải trong sự kiện mang tính lễ nghi chính trị là “Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 -19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ngày 23-5-2021)”, có đoạn như sau:

“Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(…) Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế.

Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta” (dừng trích)

Bài viết rất dài với những diễn ngôn cảm tính của một chính khách ‘salon’, và theo đánh giá của một số biên tập viên báo chí ở Sài Gòn thì phần lớn nội dung của bài viết đã được nêu ở “Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Ở văn kiện Đảng kể trên có đoạn: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”…

Thực tế 

Từ những cách hiểu kể trên về nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, liệu người ta phải giải thích sao đây khi giới kinh doanh xăng dầu đang phản ứng rất mạnh trước cách điều hành của nhà chức trách, khi một mặt thì Chính phủ đưa ra chỉ đạo từ tháng 11-2022 Bộ Công Thương bắt đầu xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 để đưa ra lấy ý kiến.

Mặt khác thì từ đó đến nay Chính phủ vẫn không thấy có động tĩnh gì trước việc chưa có một hội thảo nào được tổ chức công khai lấy ý kiến về các sửa đổi nghị định liên quan xăng dầu.

Đã vậy, việc các thông tin chưa được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương, cùng những dự thảo “ba không” (không ký, đóng dấu; không ngày tháng và không có nội dung gửi lấy ý kiến) được lan truyền trong cộng đồng doanh nghiệp, đã khiến doanh nghiệp không thể phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin cũ, thông tin mới.

“Tạm gác qua những lý thuyết mang tính suy diễn về sự tốt đẹp của nền kinh tế có định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng chỉ cần ở một nền kinh tế thị trường thông thường, nếu như xảy ra các việc như tình trạng quản lý xăng dầu kể trên, tin chắc không chỉ mấy ông bộ trưởng phải bay chức, mà cả nội các chính phủ cũng phải từ chức.

Lá phiếu mà người dân bầu cho các ghế của đảng phái chính trị ở quốc hội cũng sẽ khiến đảng đang chịu trách nhiệm về nhiệm kỳ đó của chính phủ cũng nghỉ hưu non giống như ông chủ tịch nước hôm 27 Tết Quý Mão vừa qua” – một cựu biên tập viên ở Sài Gòn đã có nhận xét như vậy với trang Việt Nam Thời Báo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)