VNTB – Ai hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng?

VNTB – Ai hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC lao dốc mạnh.

 

Theo đó, từ mức lợi nhuận ròng hơn 300 tỷ – gần 400 tỷ đồng/năm tới hiện nay Công ty SJC chỉ đạt 74 – 80 tỷ lãi ròng mỗi năm.

Bà Lê Thúy Hằng – tổng giám đốc Công ty SJC – cho biết như trên tại buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Công ty SJC lên tiếng về vấn đề này.

Cụ thể, bà Hằng cho hay từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng/lượng. Do vậy vấn đề chênh lệch giá vàng thì Công ty SJC hoàn toàn không có lợi.

“Về giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung – cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung – cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường”, bà Hằng nói.

Về lý thuyết thì trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua – bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện.

Tóm tắt về tình hình hoạt động của thị trường vàng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Công ty Doji (Hà Nội) cho biết, trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Chủ tịch Công ty Doji đánh giá nếu Ngân hàng Nhà nước không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng; mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.

Sau khi Nghị định 24 ra đời, cơ quan chức năng đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi…

Tuy có nhiều ngợi khen như lời của ông Đỗ Minh Phú, song trên thực tế cho thấy giá vàng trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với giá chung của thị trường vàng thế giới.

Góp ý kiến lý giải về thực trạng đó, theo bà Lê Thúy Hằng, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Và theo cách hiểu về lệch pha cung cầu từ chuyện độc quyền thương hiệu vàng quốc gia như trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng đối với câu hỏi chênh lệch giá vàng miếng SJC vào túi ai, có thể khẳng định là không có vào doanh nghiệp nào vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

Tuy nhiên bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn không giải thích được vì sao các thương hiệu vàng không phải SJC, giá vẫn cao hơn đáng kể so giá vàng trên thế giới, và chênh lệch giá cả này có đúng là không ai thủ lợi hay không?

Người viết cho rằng nếu như biện minh của bà Thống đốc, vậy thì vì sao không niêm yết giá vàng SJC ngang bằng với các loại thương hiệu khác xem lời biện hộ kể trên là thật hay giả?.

Dân đầu cơ liều lĩnh mua vào, nhưng tôi nghĩ dân đầu cơ ồ ạt bán vàng SJC ra để cắt lỗ mà thôi. Chính vì sự tạo giá giả giữa vàng miếng và vàng nữ trang, rồi sau đó tự đẩy giá lên. Người đầu cơ cứ mỗi sáng thức dậy xem giá niêm yết như thế nào để ra quyết định chứ họ có quyết định được giá bán mua đâu mà bảo quy luật cung cầu thị trường ở đây. Ai theo dõi sự việc đều biết cả, thưa bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)