Mai Lan
(VNTB) – Để đáp ứng yêu cầu từ EVFTA, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đến năm 2023 Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước 87 về tự do hiệp hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), qua đó cho phép người lao động được tự do thành lập tổ chức của mình, cũng như có quyền thương lượng tập thể với chủ lao động.
Với lộ trình trên, cho thấy có lẽ cũng còn mất nhiều thời gian nữa ở Việt Nam mới có quyền tự do về công đoàn, nghiệp đoàn. Khi Công ước 87 được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thực thi tại Việt Nam, thì nó còn cần cả hệ thống tương ứng, ví dụ như quyền tự do hội đoàn; trong đó chấm dứt bắt buộc những hội đoàn dân sự phải là tổ chức trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương.
Ngay cả tên gọi hành chánh “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cũng cần định nghĩa lại trong vai trò, vị trí. Với quyền tự do thành lập những hội đoàn dân sự nghề nghiệp, đồng thời họ cũng phải bình đẳng về các quyền lợi chính trị như các hội đoàn thành lập trước ngày Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước 87.
Đó là những yêu cầu ở thì tương lai cho những chính sách luật pháp về quyền tự do của người lao động.
Hôm nay thì sao?
Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn theo trình tự. Cùng với lợi ích về kinh tế và thương mại, điểm đáng chú ý của EVFTA là cam kết phát triển bền vững về môi trường và lao động.
Một khảo sát của ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế – chính sách (VERP), cho biết ở nhiều địa phương miền Nam, để đáp ứng nhu cầu có các tổ chức đại diện, một số lao động tập hợp thành nghiệp đoàn, tự đóng đoàn phí và có địa điểm hoạt động thường xuyên. Đây là hình thức tự tổ chức phổ biến của xe ôm truyền thống, lao động bốc xếp, và các tiểu thương. Mô hình này hoạt động nhằm hỗ trợ phần nào đời sống của thành viên, kết nối họ để bảo vệ nhau trong nghề nghiệp và đời sống.
Dù với mục đích tốt đẹp như vậy, nghiệp đoàn nằm chênh vênh giữa ranh giới hợp pháp và phi pháp, bởi Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thành lập hội đoàn độc lập. Vì thế nên sự tồn tại của nghiệp đoàn mang tính địa phương: hình thức này kém phổ biến ở Hà Nội, nơi tiếng xấu của “nghiệp đoàn” bốc xếp do giang hồ “Khánh trắng” cầm đầu từ hơn 20 năm trước vẫn còn dư âm. Tính độc lập của nghiệp đoàn cũng là tương đối: không có công đoàn cơ sở đảm bảo và hỗ trợ, họ cũng không thể hoạt động.
Đi vào trường hợp cụ thể là Hội nhà báo độc lập Việt Nam. Vào ngày 4 tháng 7 tới đây, tổ chức có tên Hội nhà báo độc lập Việt Nam bước vào tuổi lên 6. Mục đích thành lập của tổ chức này, là “phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước, các cộng tác viên báo chí độc lập, và cả những nhà báo quốc doanh” (xem thêm *).
Hiện tại, theo quy định hành chánh của cơ quan quản lý, để được gọi là ‘nhà báo’, người đó phải có “Thẻ nhà báo”. Để có “Thẻ nhà báo”, người đó phải có thời gian làm việc chánh thức ở tòa soạn đó thời gian tối thiểu 3 năm liền, và phải có bằng đại học.
Những cộng tác viên báo chí, những người không có “Thẻ nhà báo” thì dường như vẫn đứng ngoài các tổ chức hội đoàn thuộc Nhà nước. Điều đó cho thấy họ cần đến các hội đoàn độc lập ‘ngoài quốc doanh’, mà Hội nhà báo độc lập Việt Nam là một sân chơi thích hợp.
Liệu ở nhiệm kỳ mới của đảng chính trị kể từ quý 1/2021, mọi chuyện sẽ theo hướng tư duy quản trị mới, khi đảng sẵn sàng trao quyền nhiều hơn cho người dân, thông qua các hiệp hội tự nguyện và độc lập. Bước đi này cũng nhiều khả năng chấm dứt sự trầm luân của dự án Luật về hội, vốn có đến 13 dự thảo và được nâng lên đặt xuống từ 20 năm trước.
____________________________
Chú thích:
(*) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/1-ever-indep-journ-ass-come-act-in-vn-gm-07032014121902.html