VNTB – Ai sẽ khởi tố công an đánh dân bất chấp tỷ lệ thương tích?

VNTB – Ai sẽ khởi tố công an đánh dân bất chấp tỷ lệ thương tích?

Hà Nguyên

(VNTB) – Khi công an còng tay và đánh một người dân, thì đó là hành vi tra tấn, là nhục hình.

 

Báo chí đưa tin có một người dân ở Nghệ An bị công an xã đánh bằng dùi cui khiến hai chân bị bầm tụ máu phải nhập viện, nhưng giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.

“Khi về trụ sở, ông Ngọc còng tay anh Bang lên cửa sổ phòng làm việc. Do bức xúc về hành vi chửi bới, thách thức và dùng gậy chống lại lực lượng thi hành công vụ nên ông Ngọc và ông Quân đã dùng gậy cao su (công cụ hỗ trợ cấp cho công an xã) đánh vào mông, đùi và chân anh Bang” – trích bài báo “Công an tỉnh Nghệ An kết luận gì về vụ công an xã đánh dân?”, Thanh Niên số phát hành ngày 20-3-2022.

Bài báo cho biết giám định thương tích sau bị đánh… 48 ngày của Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với anh Bang là 0%. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tin báo vụ việc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ.

Viện dẫn tỷ lệ thương tật 0% để ban hành quyết định không khởi tố của Công an tỉnh Nghệ An là không phù hợp khi tình tiết vụ việc cho thấy đây là hành vi tra tấn.

Xin được diễn giải chi tiết hơn.

Chương II Hiến pháp năm 2013 có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn…

Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự… Đặc biệt, trong năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung mới hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ hơn; chú trọng việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn.

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn mà Việt Nam là thành viên, thì “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.

Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.

Trong vụ việc xảy ra ở công an tỉnh Nghệ An như theo tường thuật của báo Thanh Niên, cho thấy căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 thì trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì được gọi là đồng phạm.

Trong khoa học luật hình sự, đồng phạm được coi là hình thức phạm tội đặc biệt, có nhiều điểm khác biệt để phân biệt với trường hợp phạm tội riêng lẻ. Do đó, trong Bộ luật Hình sự đã quy định nguyên tắc xử lý có tính riêng biệt cho trường hợp phạm tội này và quy định bổ sung về trách nhiệm hình sự của đồng phạm và của từng loại người đồng phạm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Chí Quang 2 years

    Dưới sự “nãnh đạo” tài tình sáng suốt của đảng, vn ta đã vươn lên trở thành 1 xã hội với hệ thống luật pháp không giống ai trên trường quốc tế, nghĩa là lý thuyết đi một đằng, thực tiễn đi một nẻo.
    Về mặt lý thuyết thì công an là đầy tớ, nhân dân là chủ, đầy tớ phải có bổn phận phục vụ, bảo vệ cho chủ, ôi thật nhân văn, tốt đẹp quá chừng…
    nhưng trong thực tế thì cái đám “đầy tớ” ấy thường xuyên lôi cổ các “chủ nhân” vào đồn, nện cho lên bờ xuống ruộng, nếu lỡ nặng tay làm “chủ” chết thì kiếm sợi dây treo cổ nó lên rồi thông báo là “chủ” đã tự sát! Xong! Làm gì có ai khởi tố họ được? trừ khi nó đang hí hửng đi ăn nhậu thì nhận được tin: vợ nó vừa bị đồng chí bí thư đảng ủy “hấp diêm” sau tiệc rượu, thì nó mới biết nhân quả là gì…