Thới Bình
(VNTB) – ‘Án điểm’ là khi được Tổng bí thư yêu cầu “khẩn trương xét xử”
Dĩ nhiên cách hiểu trên không nằm trong hệ thống văn bản quy pháp pháp luật, mà là cách diễn nôm cho việc thi thoảng báo chí lại đưa tin về sự xuất hiện của vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, và vị này thường đưa ra các ‘chốt hạ’ về những vụ án cần “khẩn trương xét xử”.
Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 15-10-1994 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, viết rằng, “Vụ án trọng điểm không nhất thiết phải là vụ án về tội phạm nghiêm trọng, nhưng nhất thiết phải là vụ án mà việc giải quyết nó có tầm quan trọng nhất định”. (Năm 1994, Công an thuộc Bộ Nội vụ).
“Các vụ án trọng điểm là các vụ án mà việc giải quyết các vụ án đó được xác định là quan trọng, lãnh đạo ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Toà án có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, ưu tiên sử dụng lực lượng để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian ngắn nhất, bảo đảm xử lý nghiêm minh, kịp thời chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và cả nước”.
Có thể hiểu là Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 15-10-1994 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, đưa ra nguyên tắc chung phải thỏa mãn là khi xác định các vụ án trọng điểm phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương vào thời điểm phát hiện tội phạm.
Như vậy, có thể thấy trong tất cả các vụ án được gọi là “án điểm”, hay “án diện Ban Chỉ đạo trung ương chống tham nhũng chỉ đạo” đều thuộc về “án chính trị” về các dạng thức khác nhau liên quan đến các quan chức trong bộ máy cầm quyền của Đảng.
Chính điều này nên vấn đề tư pháp độc lập của tòa án gần như là… vô vọng vì vị chánh án ở đây cũng đồng thời là vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này cũng giải thích nguyên do vì sao nhiều ‘bị án’ khi ‘nói lời cuối’ ở phiên xét xử thường dễ mếu máo xin lỗi… bác Nguyễn Phú Trọng (!?).
Liên quan đến vai trò của Tổng bí thư trong các vụ gọi là “án điểm”/ “án diện Ban Chỉ đạo trung ương chống tham nhũng chỉ đạo”, một nhà báo ‘đặt hàng’ cụ thể sau đây với ngôn từ thuộc dạng… khó nghe và có chút trịch thượng của quyền Hiến định về một ông chủ nhân dân nói với đầy tớ Đảng:
“Cụ tổng chủ và ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương lâu lâu lại họp nhắc lôi vài vụ án điểm dậm chân tại chỗ ra để hâm cho nóng, cho dân đỡ sốt ruột. Cả đời sống trong cái chăn của các vị, tôi còn lạ gì trò này.
Những án ấy, trong nội bộ với nhau, ta đánh ta, thôi thì các vị ngâm hay hâm, chả mấy ai thấy, chừng nào rảnh thì làm cũng ‘Ok’. Nhưng, cụ và các ông các bà hãy mở to mắt và làm ngay cái án “điểm của điểm” này, chứ dân thì ngứa mắt bực tức lắm rồi: Túm ngay tất cả những đứa nhớn đứa bé dính dáng tới con rắn xi moong đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vào tù, rồi lôi ngay ra vành móng ngựa cho dân coi mặt.
Ai đời, một vết hắc lào nhục nhã như thế trên khuôn mặt thủ đô thanh lịch, cũng là vết lở loét trên cơ thể đất nước, kéo dài hơn chục năm bốc mùi tanh tưởi mà cứ để được, cứ bao che cho nhau.
Tính đến hôm nay, cái hạn định lần thứ n mà các vị đặt ra còn 2 tuần lễ nữa, để rồi dân chống mắt xem các vị có dám ngồi lên con rắn đó đi làm mẫu (giống như từng biểu diễn đi xe buýt) cho bà con thưởng lãm không?.
Nếu không, thì sập cả đường lẫn người xuống hết đi, dân đỡ phải dụi mắt!”
___________
[ads_color_box color_background=”#f0e9e9″ color_text=”#444″]
9 vụ án trọng điểm cần tập trung hoàn thành xét xử
1. Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), quận 1, TP.HCM
2. Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM.
3. Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan.
4. Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.
5. Vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan.
6. Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
7. Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
8. Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).
9. Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
[/ads_color_box]