Ân xá Quốc tế, ngày 11/8/2016
(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
Việc kết án tù đối với Trần Thị Thanh Loan, một người tìm kiếm tị nạn và bị Australia buộc phải quay trở lại cùng với chồng và bốn đứa con vào tháng 3 năm 2015, sẽ là một sự trừng phạt nhẫn tâm về hành vi thực hiện quyền xin tị nạn của cô.
Lời người dịch: Tháng 4 năm 2016, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã xét xử bốn người tỵ nạn bị Australia cưỡng bách hồi hương với mức án hai hoặc ba năm tù mặc dù chính phủ Việt Nam đã cam kết với Australia rằng sẽ không bỏ tù những người này. Họ bị kết án theo Điều 275 “tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép” của Bộ luật Hình sự.
Ngày 11/8, Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí phản đối các bản án trên, cho rằng việc xét xử và giam cầm những người đó là vi phạm quyền tỵ nạn. Hơn thế nữa, việc giam cầm họ sẽ tước đoạt quyền được chăm sóc của những trẻ em là con của những người tỵ nạn, vi phạm Công ước về Quyền trẻ em, mà Việt Nam là nước thành viên.
Vài tháng trước đây, chính quyền Việt Nam cũng cử sỹ quan an ninh sang Campuchia nhằm bắt về nước những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang tìm cách tỵ nạn ở nước này.
Việc kết án tù đối với Trần Thị Thanh Loan, một người tìm kiếm tị nạn và bị Australia buộc phải quay trở lại cùng với chồng và bốn đứa con vào tháng 3 năm 2015, sẽ là một sự trừng phạt nhẫn tâm về hành vi thực hiện quyền xin tị nạn của cô, Ân xá Quốc tế cho biết. Thêm vào đó, bản án sẽ mang lại hậu quả thảm khốc cho bốn đứa con có độ tuổi từ bốn đến mười hai. Chính quyền Việt Nam kết án tù cô sau khi đã bỏ tù người chồng hồi đầu năm nay với cùng một tội danh, và cả hai bản án đều không chấp nhận được.
Loan và chồng cô, Hồ Trung Lợi, cùng với bốn đứa con, nằm trong số 46 người đã bỏ chạy khỏi Việt Nam bằng thuyền vào tháng 3 năm 2015 nhằm tìm kiếm tị nạn tại Úc. Thuyền mà nhóm đã đi bị chặn chặn bởi các nhà chức trách Australia và chính quyền Úc đã buộc họ quay về Việt Nam trong tháng 4 năm 2015.
Mặc dù Việt Nam và Australia cam kết rằng những người bị trả về sẽ không bị bỏ tù, cặp vợ chồng này thuộc số bốn người bị xử án tù theo Điều 275 Bộ luật hình sự – ‘Tổ chức và/hoặc ép buộc người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” trong tháng 4 năm nay. Loan bị án tù ba năm trong khi chồng cô bị án hai năm. Hai người khác, Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hải, đã bị kết án ba và hai năm tù giam tương ứng.
Trong khi Hồ Trung Lợi đã bị giam từ tháng 7 năm 2015, Trần Thị Thanh Loan vẫn được tại ngoại sau khi cô kháng cáo. Hôm thứ Hai ngày 08 tháng 8, Loan đã nhận được thông báo rằng kháng cáo của cô đã bị từ chối và cô có bảy ngày để trình diện cơ quan công an ở La Gi, tỉnh Bình Thuận để chấp hành hình phạt. Thời hạn bảy ngày trên sẽ hết hạn vào ngày 15/8.
Loan và Lợi, cùng với Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hải, đã bị kết án vì đã thực thi quyền con người được quốc tế bảo vệ, họ nên được trả tự do và được xóa bản án ngay lập tức. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các công cụ luật pháp quốc tế khác quy định về quyền xin tị nạn bên ngoài đất nước của mình. Thay vì xử phạt thực hiện quyền xin tị nạn, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền này, vì nó là một chuẩn mực của luật tập quán quốc tế mang tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia.
Ngoài việc xét xử trái pháp luật thì án tù của cặp vợ chồng Loan-Hồ sẽ làm cho bốn đứa con nhỏ của họ không có cha mẹ và người giám hộ hợp pháp. Theo Công ước về Quyền trẻ em, mà Việt Nam là nước thành viên, các nhà chức trách Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các lợi ích tốt nhất của trẻ em bằng việc xem xét và cân nhắc tất cả các hoạt động liên quan đến trẻ em, bao gồm cả những việc được quyết định bởi các cơ quan hành chính và tòa án.
Trong một trường hợp riêng biệt nhưng gần tương tự, bốn người khác từ làng La Gi, tỉnh Bình Thuận, đã bị kết án theo Điều 275 sau khi một chiếc thuyền họ đang đi trên đó đã bị chặn lại bởi chính quyền Úc và họ đã bị buộc quay trở lại Việt Nam vào tháng 2015. Hai người đàn ông, Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Minh Quyết, đã bị bắt giữ sau khi nhóm trở về. Họ bị xử hai năm tù trong phiên tòa vào tháng 5 năm nay còn hai người phụ nữ Trần Thị Lụa và Huỳnh Thị Kiều bị án tù ba năm. Lụa và Kiều đang tại ngoại chờ kết quả của kháng cáo. Nguyễn Đình Quý và Huỳnh Thị Kiều đã kết hôn, với ba con trong độ tuổi từ năm đến 20 tuổi. Nến Kiều phải thực hiện án tù giam, con cái của họ cũng sẽ bị tước đoạt cả cha mẹ bởi hệ thống tư pháp hình sự.
Nguyễn Minh Quyết được ra tù vào tháng 4 năm 2016 do tình trạng sức khỏe tồi tệ đã khiến ông không thể đi lại. Ông phải thực hiện nốt án tù dưới dạng quản chế tại nhà. Trong khi các nhà chức trách đã tuyên bố rằng sức khỏe yếu của ông là do những yếu tố khác, có nguồn tin báo rằng nguyên nhân là do ông đã bị đánh đập trong khi bị giam giữ tại đồn cảnh sát La Gi.
Việc giam giữ và cầm tù của một cá nhân vì đã thực hiện quyền tị nạn của mình là tùy tiện và trái pháp luật. Các nhà chức trách Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bốn cá nhân đang ở trong tù và bị quản thúc tại nhà và xóa án tích cho cả tám người nói trên.