VNTB- ‘Bà cô già’: Nạn bức tử Đà Lạt và trách nhiệm chính quyền

Phương Thảo
 
 Những cây thông nhiều năm tuổi ở Đà Lạt bị đốn hạ (ảnh:danviet)
 
(VNTB) – Chính quyền Đà Lạt cần phải làm gì để Đà lạt lại là cô gái cao nguyên hấp dẫn chứ không phải già cỗi như một bà cô già đi theo năm tháng cố gồng mình khoác lên các chiếc áo của thiếu nữ đôi mươi.
Theo báo Tuổi trẻ, Lâm Đồng sẽ có một Safari rộng 490 hecta ở tại huyện Lạc Dương. Mục đích của việc này theo lời ông Đoàn Văn Việt, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, là để thu hút 1,2 triệu du khách mỗi năm và đem lại 300 tỷ đồng cho tỉnh nhà. Dự án này đã được bộ Đầu Tư và Kế Hoạch phê duyệt với vốn đầu tư 45 triệu đô la, trong đó nguồn vốn do ngân sách ( địa phương?) đóng góp 35%. Safari thứ hai này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Mới thoạt nghe thì có vẻ như là một dự án đầu tư lớn đem lại lợi nhuận và việc làm cho người dân sở tại cũng như kích thích phát triển du lịch Đà lạt – Lâm Đồng. Nhưng với bất kỳ một người dân hơi lo xa, cả nghĩ và có lòng với Đà Lạt, thì dự án này là một sự tự sát và góp phần bức tử thành phố Đà lạt sớm hơn.
Những cái chết đã được báo trước
Safari Phú Quốc đã quá nổi tiếng về vụ thú chết hang loạt và chủ đầu tư đã tìm mọi cách để ỉm đi sự thật. Báo chí lên tiếng rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Tỉnh Lâm Đồng mong muốn phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư là một điều dễ hiểu. Nhưng có lẽ Safari Phú Quốc vẫn chưa đủ để cho họ có được một bài học nhãn tiền. 490 hecta được sử dụng để làm Highland Safari, bao nhiêu trong số diện tích đó sẽ được san bằng để làm đường đi, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu bán hàng lưu niệm, bãi giữ xe? Các loại thú lạ mang về có bao nhiêu sẽ trốn thoát ra tự nhiên để đem lại hiểm họa về giống di truyền cho các loại thú đặc trưng của núi rừng Đà Lạt?
Sân Golf Dalat 25 năm trước là Đồi Cù, một khoảng không gian thoáng mát dành cho tất cả mọi người. Nhưng từ khi có dự án sân Golf, thì hàng đoàn xe tải lần lượt chở cát từ Phan Rang Phan Thiết lên  để làm sân Golf. Những người lái xe hồi hởi bởi họ có them thu nhập, một số lao động địa phương cũng vui mừng vì họ có được việc làm thời vụ. Khi xong thì Sân Golf bị rào lại, chỉ một số ít người có đủ tiêu chuẩn và quan hệ để có việc làm trong sân Golf. Chính quyền thành phố và tỉnh phải đối diện với những con đường đầy ổ gà ổ voi, nước thải và các loại hóa chất nhằm duy trì cỏ ở Sân golf đi thẳng xuống hồ Xuân Hương. Lợi nhuận đâu không biết, ngân sách tỉnh phải rót ra để làm lại đường nhưng người lãnh đủ là dân Đà Lạt trong hiện tại và cả trong tương lai. Tảo xanh, mùi hôi thối đang hủy hoại Hồ Xuân Hương là lời cảnh tỉnh cho các quan chức chính quyền Đà Lạt Lâm Đồng.
Hồ Tuyền Lâm cũng đã bị “cưỡng hiếp” bằng dự án có tên Đà lạt Eden. Lợi nhuận đem lại là bao nhiêu không ai biết, nhưng rừng phòng hộ quanh hồ đã bị cắt xén không thương tiếc. Người ta ồ ạt đến để chụp ảnh, tham quan, để lại sự ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường từ rác thải. Chặt đi một cây thông rất nhanh, nhưng để trồng lại một cây phải mất cả mấy chục đến hàng trăm năm. Và tất cả sẽ không chỉ dừng lại ở đấy, hết Eden thì đến Safari, hết Safari sẽ đến một loạt các dự án khác. Sương mù Đà lạt đã thành của hiếm, thông Đà lạt rồi sẽ chỉ còn là kỷ niệm.
Diện tích rừng Đà lạt Lâm Đồng đã ngày cang bị thu nhỏ và cắt xén đủ kiểu do các dự án đầu tư khác nhau. Họ đã nhắm mắt ký duyệt các dự án nhưng bao nhiêu người dân Dalat được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án này?  Bao nhiêu cây thông sẽ phải ngả rạp để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người lắm tiền này? Thông bị đốn ngã không chỉ làm cho lá phổi của Đà lạt đã teo lại càng teo thêm mà còn góp phần tạo ra lũ quét, hạn hán cho khu vực cao nguyên mà cả ở vùng đồng bằng. Hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có trông chờ vào chính quyền Trung Cộng xả nước mà còn phụ thuộc cả vào lượng mưa và lưu lượng nước của các con sông bắt nguồn từ cao nguyên trung phần.
Đà Lạt giờ nóng gần như Sài Gòn, nhiều gia đình phải sắm quạt máy. Nhìn quanh Đà lạt đã mất hẳn đi các góc thơ mộng mà thay vào đó là bê tông cốt thép và các nhà trồng hoa trắng toát. Thu nhập có cao lên, người dân lại đua nhau vào núi phá rừng, vỡ đất làm nhà kính trồng hoa. Chính quyền đã làm gì trước thực trạng này hay chỉ làm ngơ để tận thu ngân sách? Các nhà hoạch định có bao giờ nghĩ đến việc lũ quét là do các nhà kính gây ra khi nước mưa không còn có chỗ để được thẩm thấu tự nhiên vào đất góp phần làm ổn định lượng nước ngầm và ổn định dòng chảy của sông suối? Chưa kể đến các loại hóa chất được nông dân sử dụng được thải trực tiếp xuống sông suối và đi thẳng tới Hồ Xuân Hương, Thác Cam Ly và cả các hồ chứa nước uống ở hạ nguồn.
 
 Chất thải ngập đầy ở chân thác Cam Ly
 
Đà Lạt không phải là một con bò sữa để vắt kiệt đến tận lúc lăn ra mà chết thưa ông chủ tịch Đoàn Văn Việt. Kế để đánh thức Đà lạt không khó, mà chỉ cần có tâm thôi ông ạ.
Làm gì với Đà lạt?
Với tham vọng đón 1,2 triệu du khách một năm chỉ riêng cho safari, Đà lạt đã làm gì để chuẩn bị cơ sở vật chất? Khách sạn thường xuyên bị quá tải vào các dịp lễ, nạn chặt chém tràn lan, cơ sở vật chất nghèo nàn thì du khách sẽ một đi không trở lại. Lại thêm các vụ tử nạn của du khách nước ngoài ở Dalat đã làm cho hình ảnh du lịch của Dalat trở nên kém hấp dẫn. Vậy thì chính quyền Đà Lạt cần phải làm gì để Đà lạt lại là cô gái cao nguyên hấp dẫn chứ không phải già cỗi như một bà cô già đi theo năm tháng cố gồng mình khoác lên các chiếc áo của thiếu nữ đôi mươi.
Với khí hậu, chỉ có cách duy nhất là trồng rừng, và tránh tuyệt đối nạn phá rừng để trồng hoa, làm rẫy cà phê, dự án Safari hay bất kỳ dự án cần phá rừng theo bất kỳ hình thức nào. Những con đường mới mở hay dự án mở rộng đường nên mạnh tay dành khoảng không để trồng cây, đừng biến những con đường Đà lạt thành đường Cách Mạng Tháng 8 ở Sài gòn, chỉ có nhà, cửa hàng san sát mà không có một bóng cây. Và quan trọng là trồng cây có chọn lọc để đem lại các nét duyên vốn có cho Đà Lạt chứ không phải đem các loại cây đâu đó thấy đẹp và mang về trồng cho vui. Các loại cây hoa có sẵn đều có khả năng tạo thành các mùa thưởng ngoạn hoa quanh năm.
Nhật bản có mùa hoa Anh Đào, Đà lạt cũng có thể hoàn toàn làm được điều này. Đà lạt đã có sẵn mai anh đào, đào má hồng và cả bích đào. Một vài con đường đã có hoa anh đào, nhưng nếu khéo vận động có thể Đà lạt sẽ có được các cây anh đào thật thụ từ Nhật bản để tạo thành một công viên hoa anh đào lôi kéo du khác đến thưởng ngoạn hoa mỗi đầu mùa xuân.
Một loài hoa cũng đi vào trong nhạc khi nói về Đà lạt là Mimosa. Hoa Mimosa cũng có thể trồng tập trung trong một công viên hay dành cho một con đường với cung đường đẹp. Tương tự như vậy có thể làm với Phượng Tím để dành cho du khách đến thưởng ngoạn vào tháng 3 như ở nước Úc. Chỉ cần chú trọng cắt tỉa tán lá để cây có độ xòe đẹp và không vươn quá cao.
Dã quỳ giờ đây cũng đã hiếm ở trung tâm thành phố, muốn thấy hoa quỳ, người ta phải đi về miệt Đơn Dương. Trước đây Dã Quỳ mọc đầy trên các bờ rào, hoa nở chi chít vàng ươm vào tháng 10- tháng 11 báo hiệu mùa khô đến. Cây Dã Quỳ mạnh, lại không cần phải mất công chăm bón mà chỉ cần cắt bỏ đi sau mùa hoa để năm sau lại mọc lên tiếp.
Hình ảnh các đồng hoa dại bất tận ở châu Âu vào mùa xuân và hè làm cho du khách phải ngạt thở. Có lẽ với ý tưởng đó mà tỉnh trưởng Đà lạt xưa đã cho trồng hoa glay ơn quanh quả đồi bao quanh Dinh Tỉnh Trưởng. Với ý tưởng đó, những quả đồi quanh Đà lạt có thể được bao phủ bằng các loại hoa như hoa cúc trắng Marguerit, hoa Coquelicot (xen với hoa cải vàng).
Vườn hoa Keukenhof ở Hà lan chỉ mở cửa 2 tháng mỗi năm và thu hút hơn 1 triệu du khách. 10 tháng còn lại trong năm họ chăm sóc cây, vườn và chuẩn bị cho 2 tháng mở cửa. Mỗi một năm lại có một chủ đề khác nhau và khi đặt chân vào thì cứ nghĩ như đang lạc vào tiên cảnh. Vườn hoa Đà lạt mở cửa quanh năm nhưng liệu có đón được dăm triệu du khách mỗi năm? Vườn hoa Đà lạt cần người có gu thẩm mỹ tính sáng tạo lãnh đạo để có sức làm mới vườn hoa mỗi năm, thu hút du khách đã đến một lần lại muốn quay lại chứ không phải chỉ đến một lần rồi một đi không trở lại.
Thêm vào đó dứt khoát dẹp bỏ các loại cây vô duyên, không hợp thổ nhưỡng và đem lại lợi ích cho Đà lạt như cây ban, cây tháp bút, hay hàng loạt các loại cây không biết xuất xứ từ đâu đã được rước về trồng ở các con đường huyết mạch của thành phố. Ngoài ra có các biện pháp để xử lý nước dẫn vào hay thải xuống Hồ Xuân Hương, hồi sinh lại hồ nước ở trung tâm thành phố này và cả thác Cam ly.

 

Những việc làm này không phải chỉ thực hiện ngày một ngày hai là thành. Nhưng nếu ông làm được những điều đó, thì không chỉ người Đà lạt nay mà cả đời con, đời cháu họ sẽ biết ơn ông – người đã giữ cho hồn và nét duyên Đà lạt được trường tồn.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)