Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bà Đặng Thị Hàn Ni đã phòng vệ chính đáng trước bà Nguyễn Phương Hằng?

Cát Tường

 

(VNTB) – Chỉ khi bị “tấn công” dồn dập trên mạng xã hội thì bà Hàn Ni mới phản ứng lại… trả đũa, đây được gọi là “phòng vệ chính đáng”.

 

Ngày 1-3, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử bị cáo Hàn Ni và bị cáo Trần Văn Sỹ về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Bà Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi) – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (62 tuổi) – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu tỉnh Bình Dương, được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, các đương sự đều đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Trong buổi xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM, bị cáo Hàn Ni cho rằng, bà Nguyễn Phương Hằng đã xúc phạm mình nhiều lần nên bị cáo mới livestream để phản biện lại.

“Bị cáo nói những thông tin về bà Hằng đã được báo chí đăng không nhằm mục đích xúc phạm về bà Hằng mà chỉ muốn nói rằng: bà Hằng cũng chỉ là một công dân bình thường, không được xúc phạm bất kỳ ai, không được ngồi xổm trên pháp luật” – bị cáo Hàn Ni trình bày. Bị cáo Hàn Ni cũng cho rằng, kết luận điều tra và cáo trạng chưa tách bạch hành vi của bị cáo và bị cáo Sỹ, gây bất lợi cho bị cáo vì đây là hai hành vi độc lập.

“Kết luận giám định cũng có sự khác nhau giữa Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương. Bị cáo không nghĩ là hành vi của mình đến mức phải xử lý hình sự” – bị cáo Hàn Ni nói thêm.

Chủ tọa cho rằng, chưa có kết luận chính thức nói rằng, bị cáo nói sai sự thật, vu khống người khác nhưng vấn đề chính ở đây mà bị cáo Hàn Ni phải nhận thức được đó là hành vi “làm lộ bí mật cá nhân” của người khác là vi phạm pháp luật, đã được quy định trong Luật An ninh mạng.

Luật sư của bị cáo Hàn Ni cho rằng trong suốt khoảng thời gian từ ngày 16-5-2021 đến ngày 8-11-2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream và đã có những phát ngôn về bí mật đời tư cá nhân, những nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân của bị cáo Ni và các cá nhân khác. Đặc biệt là trưa ngày 3-9-2021, bà Hằng đã có buổi livestream trên không gian mạng với những phát ngôn, lời lẽ xúc phạm bị cáo Ni, đơn cử như bà Hằng nói không đúng về việc bị cáo Hàn Ni “tống tiền doanh nghiệp”, “là bồ của ông Tất Thành Cang”, “chửi lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông”, đưa hình ảnh bà Hàn Ni “chửi lãnh đạo một Bộ”, đưa hình ảnh Hàn Ni và chồng cũ lên mạng xã hội để nói “làm gái”, “là phản động”…

Do đó, theo luật sư, hành vi mà bị cáo Hàn Ni đã thực hiện tại buổi ghi hình tối ngày 3-9-2021 là hành vi phản kháng, hành vi này diễn ra trong cùng một vụ việc, trong cùng không gian, thời gian liên tục, nguyên nhân và hậu quả có tính liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi hành vi tương ứng với các hành vi mà bà Hằng đã thực hiện.

Đại diện Viện Kiểm đặt vấn đề: “Ví dụ trường hợp A đánh B thì B có được quyền đánh lại A không”, đại diện Viện Kiểm sát hỏi bị cáo Ni; bị cáo Ni đáp: “Bị cáo được quyền chống trả trong giới hạn cho phép”.

Viện Kiểm sát nói: “Bị cáo chỉ được phép chống trả trong trường hợp không còn cách nào khác, không còn phương án giải quyết nào khác”.

Bà Hàn Ni khẳng định lại một lần nữa mục đích livestream của bà chỉ để nói cho công luận biết rằng những điều mà bà Hằng nói là không được phép, sai sự thật và xúc phạm rất nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác chứ không nhằm mục đích tấn công bà Hằng.

Tuy nhiên có thể căn cứ vào Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

2. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, đối với phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự là trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Đồng thời, quy định trên cũng nêu rõ, một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng trước hết bản thân người thực hiện hành vi này phải có quyền phòng vệ và đồng thời phải phòng vệ trong phạm vi giới hạn nhất định. Do đó, hành vi phòng vệ chính đáng phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm cơ sở phát sinh quyền phòng vệ, bao gồm: Có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật; Sự tấn công xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác (là những quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ); Sự tấn công phải đang hiện hữu, nghĩa là hành vi tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc.

Thứ hai, mục đích phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công, nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công.

Thứ ba, về phạm vi phòng vệ, sự phòng vệ phải trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Sự cần thiết của hành vi phòng vệ được đánh giá dựa trên các yếu tố: tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; tính chất, mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà kẻ tấn công đã sử dụng; thời gian, địa điểm xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; sức mạnh và khả năng phòng vệ.

Điểm c, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng quy định người phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ được xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

… Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Trần Văn Sỹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Còn bị cáo Đặng Thị Hàn Ni nhận thức ra sai phạm, ăn năn hối cải nhưng thái độ chưa thực sự thành khẩn nên chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng ở mức độ hạn chế. Các bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, được nhiều giấy khen, giải báo chí… Từ đó, hội đồng xét xử đã tuyên mức án phạt bà Đặng Thị Hàn Ni 1 năm 6 tháng tù – tức tuyên bằng thời gian tạm giam, phạt ông Trần Văn Sỹ 2 năm tù về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ (theo điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015).

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tiền tài trợ bị đánh thuế giá trị gia tăng

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Khi người ta khoái… nghe chửi

Phan Thanh Hung

VNTB – Tu sĩ có được phép kinh doanh?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo