Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bắc Kinh: đưa chiến lược Biển Đông đến Himalaya

Anh Khoa dịch 

 

(VNTB) – Trung Quốc đã xây dựng một ngôi làng trên lãnh thổ vương quốc Bhutan tuyên bố chủ quyền, lặp lại chiến thuật gây hấn của họ ở biên giới với Ấn Độ và ở nơi xa hơn.

 

Steven Lee Myers

27/11/2020

 

Chiến lược Biển Đông trên núi

Đúng vào dịp Quốc khánh vào tháng 10, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một ngôi làng mới trên núi cao vùng Tây Tạng của Trung Quốc tiếp giáp với vương quốc Bhutan. Một trăm người đã chuyển đến ở trong hơn hai chục ngôi nhà mới bên cạnh sông Torsa và hát quốc ca cùng treo cờTrung Quốc để kỷ niệm ngày lễ quốc khánh.

Mỗi người chúng ta là một toạ độ của đất mẹ vĩ đại,” một người lính biên phòng được hãng thông tấn nhà nước chính thức, China Tibet News dẫn lời nói.

Vấn đề là, những “tọa độ” mới này nằm sâu gần 2km bên trong khu vực Bhutan coi là lãnh thổ của họ.

Việc xây dựng, được ghi lại trong các bức ảnh vệ tinh, theo một cuốn sách mà Trung Quốc đã sử dụng trong nhiều năm. Họ đã gạt bỏ các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng sang một bên để củng cố vị thế của mình trong các tranh chấp lãnh thổ bằng cách đơn phương thay đổi sự thật trên thực tế.

Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật tương tự ở Biển Đông, là củng cố và trang bị vũ khí cho các bãi cạn mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù đã hứa với Hoa Kỳ sẽ không làm như vậy.

Năm nay, quân đội Trung Quốc đã xây dựng lực lượng trên dãy Himalaya và tiến qua biên giới vào lãnh thổ Ấn Độ dẫn đến cuộc đụng độ đẫm máu nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, khiến ít nhất 21 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, cùng với một số lượng không xác định của quân Trung Quốc. Bạo lực đã làm xấu đi những mối quan hệ vốn đang dần được cải thiện.

Ngay cả khi bị thách thức, việc chiếm lãnh thổ của Trung Quốc cũng khó có thể đảo ngược mà không dùng vũ lực, như chính phủ Ấn Độ đã chứng kiến. Kể từ khi xảy ra tranh chấp ở biên giới, quân đội Trung Quốc vẫn đóng quân tại các khu vực mà Ấn Độ từng kiểm soát.

“Cuối cùng, điều đó phản ánh sự củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền”, M. Taylor Fravel, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts và là một chuyên gia về quân sự của Trung Quốc cho biết.

Trong năm qua, Trung Quốc đã có những hành động gây hấn đối với nhiều nước láng giềng mà dường như không quan tâm đến vấn đề ngoại giao hoặc địa chính trị. Các hành động của Trung Quốc cho thấy tham vọng của Tập Cận Bình, nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ, lợi ích kinh tế và nhu cầu chiến lược của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Ông Tập thường trích dẫn những mối hận trong lịch sử Trung Quốc đối với sự xâm lấn và thực dân hóa của nước ngoài, sử dụng quá khứ để biện minh cho các hoạt động chiến lược hiếu chiến của mình.

Việc xây dựng ngôi làng ở Himalaya cho thấy Trung Quốc đã tăng cường một chiến dịch rộng lớn hơn để củng cố sườn phía nam để thâu tóm cả Bhutan, quốc gia Phật giáo với 800.000 dân nổi tiếng với khái niệm “Giá trị hạnh phúc quốc gia”.

Trong khi đang tiến hành xây dựng ở khu biên giới tranh chấp kéo dài, Trung Quốc chiếm thêm vào mùa hè này gần 300 dặm vuông lãnh thổ trong khu bảo tồn động vật hoang dã Wildlife Sanctuary Sakteng của Bhutan nằm phí bên kia của ngôi làng đang được xây dựng.

Với việc vượt qua giới hạn như vậy, Trung Quốc dường như đã gạt qua hàng thập kỷ đàm phán yên lặng và không có kết quả để hoàn thiện biên giới hai nước. Vòng đàm phán thứ 25 trong năm nay đã bị hoãn lại vì virus corona.

Người Trung Quốc rõ ràng đang mất kiên nhẫn,” Tenzing Lamsang, biên tập viên của tờ báo Người Bhutan và là chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Bhutan, viết trên Twitter.

 

Vùng đất chiến lược

Tranh chấp bắt nguồn từ những cách hiểu khác nhau về một hiệp ước được ký kết vào năm 1890 giữa hai cường quốc hiện không còn tồn tại – Vương Quốc Anh khi còn cai trị thuộc địa của Ấn Độ và Triều nhà Thanh.

Ngôi làng mới nằm gần Cao nguyên Doklam, nơi biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan hội tụ. Cao nguyên này là nơi diễn ra cuộc giao tranh kéo dài 73 ngày giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2017, bắt đầu từ việc Trung quốc cho mở một con đường vào lãnh thổ Bhutan. Ấn Độ, quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ Bhutan theo một hiệp ước an ninh lâu đời, đã cho quân tới để ngăn chặn việc làm của Trung Quốc.

Bhutan, quốc gia trong những năm gần đây cảm thấy bị chèn ép giữa nước lớn, không gây ra mối đe dọa quân sự nào cho Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát khu vực này sẽ mang lại cho quân đội của họ một vị trí chiến lược gần một dải đất hẹp là Hành lang Siliguri ở Ấn Độ.

Chiến lược gia quân sự Ấn Độ còn gọi khu vực đó là Cổ gà, kết nối phần lớn Ấn Độ với các tỉnh cực đông giáp Bangladesh, Myanmar và Trung Quốc.

Ông Lamsang lưu ý rằng Bhutan từ lâu đã phải làm theo các lợi ích an ninh của Ấn Độ. Trong các cuộc đàm phán lặp đi lặp lại với Trung Quốc, Bhutan cho đến nay không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào dọc theo biên giới phía tây và miền trung.

Ông Lamsang viết: “Với việc Bhutan từ chối nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hoặc thậm chí đồng ý với các thỏa hiệp của Trung Quốc, chúng ta đang phải trả giá.”

Cả Bộ Ngoại giao Bhutan và Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận.

 

Không từ bỏ thủ đoạn bành trướng

Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản thường lặp lại quan điểm diều hâu của các quan chức Trung Quốc, đã chế nhạo những tuyên bố rằng ngôi làng mới xây là ở Bhutan, đổ lỗi cho Ấn Độ gây ra căng thẳng với các nước láng giềng phía nam của Trung Quốc. Một ngày sau, tờ báo cảnh báo rằng “các lực lượng nước ngoài hậu thuẫn cho chiến dịch đánh phá Trung Quốc trên dãy Himalaya.”

Vị trí chính xác của ngôi làng mới, được gọi là Pangda, xuất hiện trong một loạt hình ảnh vệ tinh được công bố gần đây bởi Maxar Technologies, một công ty có trụ sở tại Colorado. Họ cho thấy rằng việc xây dựng đã bắt đầu vào cuối năm ngoái và có vẻ như đã hoàn thành, không lâu trước ngày 1 tháng 10, ngày Quốc khánh của Trung Quốc. Phiên bản biên giới của Trung Quốc nằm ở phía nam của ngôi làng.

Theo phát ngôn viên của Maxar, Stephen Wood, những hình ảnh này cũng cho thấy việc mở đường thêm mới và xây dựng những gì trông giống hầm chứa quân sự. Tuy nhiên, các boongke nằm trong lãnh thổ Trung Quốc không gây ra tranh cãi, cho thấy Trung Quốc đã tìm cách tăng cường hiện diện quân sự dọc theo phần lớn khu vực biên giới Himalaya. Những hình ảnh về công trình xây dựng mới của Trung Quốc đã được NDTV, một đài truyền hình ở Ấn Độ đưa tin trước đó.

Trung Quốc không giấu giếm việc xây dựng, bằng chứng là một số phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về ngôi làng. Một người kể lại buổi lễ nhậm chức vào ngày 18 tháng 10 có sự tham dự của các quan chức cấp cao từ Thượng Hải, trong đó có cả phó bí thư thành uỷ Yu Shaoliang.

Ở Trung Quốc, các tỉnh giàu hơn thường tài trợ cho các dự án phát triển ở các vùng nghèo hơn, đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương. Trung Quốc bắt đầu thâu tóm Tây Tạng từ năm 1950, với việc chính quyền Cộng sản đang tìm cách khẳng định lại chủ quyền đối với người dân và lãnh thổ Tây Tạng đã bị mất sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ. Mặc dù người Trung Quốc gọi việc sáp nhập là “Giải phóng hòa bình Tây Tạng”, nhiều người Tây Tạng không hài lòng với sự cai trị của Trung Quốc.

Ông Fravel từ M.I.T. nói rằng với việc xây dựng gần đây, Trung Quốc dường như đã lùi bước trước những thỏa hiệp tiềm tàng mà họ đã đưa ra trong các vòng đàm phán biên giới trước đó với Bhutan, trong đó họ đề nghị trao đổi các vùng lãnh thổ.

Ông nói: “Những ý tưởng thỏa hiệp trước đây từ những năm 1990 có thể không còn nữa, vì Trung Quốc có thể không muốn hoặc không rút khỏi lãnh thổ nơi họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy. ”

Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/11/27/world/asia/china-bhutan-india-border.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Đón Mỹ cửa trước, cửa sau Việt Nam bí mật mua vũ khí Nga.

Do Van Tien

Các tổ chức xã hội dân sự khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên hợp tác với Mỹ và các nước Phương Tây ở Cam Ranh.

Do Van Tien

Đối thoại Shangri-La: Thủ tướng Úc cảnh báo Trung Quốc bắt nạt láng giềng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo