Anh Khoa dịch
(VNTB) – Trung Quốc đã sử dụng cách tiếp cận hung hăng nhằm đồng hóa nhiều sắc dân thành một dân tộc duy nhất
Eva Xiao, Jonathan Cheng và Liza Lin
Để hiện thực hóa nước Trung Quốc trong mơ của mình, Tập Cận Bình muốn đồng hóa hàng chục sắc tộc ở Trung Quốc thành một dân tộc duy nhất.
Chương trình đồng hóa văn hóa một cách hung hăng — hay được gọi là “dung hợp sắc tộc” trong các tài liệu và bài phát biểu của chính phủ — đã trở nên cực đoan ở vùng Tây Bắc Tân Cương, nơi giam giữ hàng loạt nhiều người nhất trong nhóm thiểu số kể từ Thế chiến thứ hai. Chiến dịch này đã bắt đầu lan rộng và diễn ra mạnh mẽ hơn ở các khu vực đa dạng về sắc tộc khác.
Tại Nội Mông, một kế hoạch mở rộng giáo dục tiếng phổ thông và bắt buộc sử dụng sách giáo khoa quốc gia thay cho các phiên bản địa phương đã gây ra các cuộc biểu tình và bãi khóa và phụ huynh lo ngại rằng tiếng Mông Cổ có nguy cơ bị xóa sổ.
Một phần của chiến dịch đồng hóa dựa vào cơ sở hạ tầng an ninh được xây dựng để theo dõi và kiểm soát dân chúng. Bao gồm việc triển khai giám sát cảnh sát công nghệ cao ở những khu vực có đông dân cư thiểu số — một chiến lược được sử dụng ở Tân Cương để theo dõi liên tục những người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền địa phương cho biết cách tiếp cận này là cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Những biện pháp đó hiện đã lan rộng về phía đông đến các vùng yên bình như Quảng Tây phía tây nam Trung Quốc, nơi sinh sống của nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất đất nước, người Choang, những người theo tín ngưỡng vật linh và không cólịch sử xung đột sắc tộc gần đây.
Ở Tây Tạng, nơi các biện pháp kiểm soát vốn đã rất nghiêm ngặt, chính quyền địa phương đã khởi động một chương trình đào tạo nghề “kiểu quân đội” mới cho người dân nông thôn Tây Tạng và thông qua các quy định mới nhằm thúc đẩy đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước trong khu vực. Các tài liệu chính phủ chưa được báo cáo trước đây cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc đang tìm cách cài đặt các hệ thống giám sát công nghệ cao và các hệ thống duy trì trật tự an ninh có khả năng suy đoán. Những hệ thống này có khả năng dự báo các hoạt động của “những người cần quan tâm”.
Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một tổ chức của Đảng Cộng sản phụ trách chính sách dân tộc, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Trung Quốc có 55 dân tộc thiểu số được chính thức công nhận và trong nhiều thập kỷ qua, Đảng Cộng sản cầm quyền tin rằng họ sẽ dần dần hòa nhập vào nền văn hóa Hán có vị trí thống trị của đất nước.
Dưới thời ông Tập, ĐCSTQ đã hết kiên nhẫn với mô hình đó. Là nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất của nước này trong nhiều thập kỷ, ông Tập đặt mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ thống trị ngang hàng với các triều đại vĩ đại trong quá khứ của quốc gia này. Giấc mơ Trung Hoa theo chủ nghĩa dân tộc của ông dựa trên quan điểm rằng đất nước 1,4 tỷ người có chung một bản sắc.
“Việc tạo lên một ý thức tập thể về dân tộc Trung Quốc là trọng tâm để đạt được giấc mơ hồi sinh vĩ đại của Trung Quốc,” ông Tập nói tại một hội nghị của chính phủ về chính sách dân tộc năm ngoái.
Trung Quốc đã là một trong những quốc gia thuần chủng nhất trên thế giới, với người Hán chiếm hơn 90% dân số. Nước này cũng có hàng triệu người Tây Tạng và người Mông Cổ, người Hồi giáo gốc Thổ theo truyền thống du mục, những nhóm có liên kết văn hóa với Đông Nam Á và những nhóm khác, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, tín ngưỡng và phong tục riêng biệt của họ.
Một số nhóm thiểu số lớn nhất của Trung Quốc — và những nhóm người xa cách về văn hóa nhất với người Hán — sống dọc theo vùng ngoại vi của nước này, trong các vùng biên giới giàu tài nguyên mà trong lịch sử đã nhiều lần thoát khỏi sự kiểm soát của người Hán. Cũng như đã có quan điểm cứng rắn hơn đối với Hồng Kông, ông Tập coi việc kiểm soát các vùng dân tộc thiểu số là trọng tâm để củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Đầu tháng này, ông Tập đã thay thế người đứng đầu cơ quan chính phủ phụ trách các vấn đề dân tộc người Mông Cổ bằng một quan chức người Hán. Đây là lần đầu tiên một người không phải là người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan này trong hơn nửa thế kỷ qua.
James Leibold, giáo sư chuyên về chính sách dân tộc của Trung Quốc tại Đại học La Trobe ở Úc, cho biết: “Dưới thời Tập Cận Bình, Giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ của chủ nghĩa dân tộc lấy văn hóa Hán làm trung tâm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng “Đảng cần tham gia vào việc tạo ra sự ổn định này và tạo ra cảm nhận thuộc về quốc gia này trong mỗi người dân”.
Quyền tự chủ so với đồng hóa
Trung Quốc đã có một cách tiếp cận khác theo hệ thống chủ nghĩa Lênin được Mao Trạch Đông áp dụng vào năm 1949, khi các dân tộc thiểu số được coi là cần thêm không gian và sự trợ giúp trước khi họ có thể vượt qua sự lạc hậu về kinh tế và tham gia cuộc cách mạng vô sản.
Mặc dù Đảng Cộng sản luôn giữ quyền kiểm soát tối cao, nhưng Mao đã thiết lập một hệ thống các khu tự trị, quận và hạt trao cho những quan chức thuộc các sắc tộc thiểu số các chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương. Nhiều người được hưởng lợi từ đầu tư của nhà nước. Thành viên của các nhóm thiểu số cũng được miễn trừ chính sách một con của Trung Quốc và thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng của quốc gia này.
Dư luận đã không còn ủng hộ hệ thống này từ khoảng năm 2008, khi các cuộc bạo động sắc tộc dữ dội xảy ra ở các thủ phủ của Tây Tạng và Tân Cương. Điều đó làm dấy lên các cuộc thảo luận về tính công bằng của các chính sách ưu đãi dành cho người thiểu số, với ngày càng nhiều người Hán miêu tả người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là những kẻ vô ơn.
Một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc tên là Hu Angang và một nhà nghiên cứu chống khủng bố tên là Hu Lianhe đã sử dụng những thất vọng đó, thúc đẩy cái mà họ gọi là thế hệ thứ hai của các chính sách dân tộc sẽ chủ động xóa bỏ sự khác biệt về sắc tộc.
Hai ông họ Hu, những người không có quan hệ họ hàng, lấy cảm hứng từ ý tưởng của người Mỹ về một lò luyện, mà họ nói đã giúp “duy trì sự thống nhất quốc gia, sức sống phát triển và trật tự xã hội của Hoa Kỳ” bằng cách giảm thiểu sự chia rẽ văn hóa và tạo ra một bản sắc chung. Viện dẫn sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, họ coi sự “hợp nhất” của các sắc tộc như một vấn đề an ninh quốc gia.
Những người khác cho rằng thay vì làm như vậy, chính phủ nên tập trung vào việc kiềm chế tình trạng phân biệt đối xử, chính sách nặng tay và bóc lột kinh tế mà họ cho là đang thúc đẩy xung đột sắc tộc.
Ông Tập ban đầu giữ im lặng trong cuộc tranh luận, ít nhất là ở nơi công cộng, nhưng trở nên lớn tiếng hơn sau các vụ tấn công khủng bố chết người ở Bắc Kinh và ở thành phố Tây Nam Côn Minh vào năm 2014 mà cảnh sát cho là do những người Duy Ngô Nhĩ ly khai đến từ Tân Cương.
Trong một hội nghị của chính phủ về các vấn đề dân tộc sau cuộc tấn công Côn Minh, ông Tập đã từ chối lời kêu gọi loại bỏ hệ thống các khu tự trị thiểu số của Trung Quốc, được ghi trong hiến pháp của Trung Quốc, nhưng đã gia tăng nỗ lực hợp nhất sắc tộc.
Những người tham gia cuộc họp quyết tâm “chôn sâu hạt giống tình yêu đất nước Trung Quốc trong trái tim mỗi đứa trẻ.”
Trong một văn bản trả lời các câu hỏi, Hu Angang, nhà kinh tế của Đại học Thanh Hoa, nói rằng so với các quốc gia khác, “các chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số và các vùng dân tộc luôn là những chính sách thành công nhất.”
Hu Lianhe đã không trả lời các câu hỏi được gửi qua Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan chủ quản của ông ấy.
Lan tỏa ra nơi khác
Sự thay đổi trong chính sách đã biến đổi Tân Cương. Kể từ cuối năm 2016, các nhà chức trách ở đó đã xây dựng hàng nghìn đồn cảnh sát mới, chi hàng tỷ đô la cho việc triển khai các công nghệ giám sát tiên tiến, san bằng các địa điểm tôn giáo và xây dựng một mạng lưới trại giam trên toàn khu vực trong một nỗ lực chưa từng có để giám sát và kiểm soát dân Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Ông Tập đã đẩy lùi những người chỉ trích hành động của Đảng ở Tân Cương, tuyên bố chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực là “hoàn toàn đúng đắn” tại một hội nghị vào tháng 9.
Một yếu tố của phương pháp này hiện đang được nhân rộng ở những nơi khác: “các đồn cảnh sát tiện lợi” nhỏ cung cấp các tiện ích công cộng như internet không dây và thuốc cấp cứu đồng thời đóng vai trò là kho thu thập thông tin giám sát và điểm phản ứng nhanh với các mối đe dọa an ninh. Các trạm này không được công khai thừa nhận là nhắm đến các dân tộc thiểu số, mặc dù các khu vực có đông dân cư thiểu số nằm trong nhóm những nơi áp dụng chúng nhiều nhất.
Tại Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở đông nam Trung Quốc, các nhà chức trách đã triển khai hơn hai chục “trạm dịch vụ cảnh sát” vào năm 2019, tương tự như các cơ quan của họ ở Tân Cương, được kết nối với hệ thống quản lý an ninh kỹ thuật số của thành phố này, theo cảnh sát địa phương, nơi mô tả các bốt này là “tiền đồn chống khủng bố”.
Thành phố Golmud của tỉnh Thanh Hải, nằm trên cao nguyên Tây Tạng và nơi các dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số, đã đưa 13 đồn cảnh sát tiện lợi vào hoạt động vào năm 2019, theo điều mà cảnh sát địa phương mô tả là một sự nâng cấp “sáng tạo” cho khả năng đảm bảo ổn định và hài hòa xã hội của họ.
Ở tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc, nơi có khoảng 13 triệu người Hui theo đạo Hồi, thủ phủ Lan Châu đã nâng cấp các đồn cảnh sát thành một mạng lưới các đồn cảnh sát tiện lợi, nơi có các đội chiến đấu từ “đơn vị cảnh sát chiến thuật” của thành phố này, một lực lượng chống khủng bố chuyên nghiệp, theo ủy ban hành pháp của Đảng Cộng sản địa phương. “Các đồn cảnh sát nhỏ xây dựng hòa bình lớn”, ủy ban này cho biết trong một bài báo trực tuyến vào tháng Năm.
Không xảy ra các cuộc tấn công khủng bố hoặc bạo lực sắc tộc nghiêm trọng trong những năm gần đây .có thành phố nào trong số ba thành phố trên là nơi
Chính quyền Nam Ninh, Golmud và Lanzhou đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Bằng chứng cho thấy chiến dịch đồng hóa sắc tộc của Đảng Cộng sản đang được tăng cường ở Tây Tạng.
Theo nghiên cứu của Adrian Zenz, một học giả và nhà phê bình các chính sách sắc tộc ở Trung Quốc, kể từ đầu năm nay, các quan chức địa phương đã đưa hơn nửa triệu người Tây Tạng du mục và nông thôn tham gia chương trình đào tạo nghề để cải thiện tiếng phổ thông và khắc phục “tư duy lạc hậu” của họ. Ông Zenz viết trong một báo cáo tháng 9 dựa trên các tài liệu công khai của chính phủ Trung Quốc, chương trình thuyên chuyển những công nhân mới được đào tạo trong khu vực “cho thấy một số điểm rất tương đồng đáng lo ngại” với các chính sách được thực hiện ở Tân Cương.
Chính quyền địa phương của Tây Tạng đã đưa ra một quy chế vào tháng 1 nêu rõ việc chuyển đổi khu vực tự trị khi nơi này thành một “khu vực kiểu mẫu về sự thống nhất và tiến bộ của các dân tộc”, quy chế này đòi hỏi phải đưa sự kết hợp dân tộc vào cuộc sống của người Tây Tạng, bao gồm cả việc giảng dạy và hoạt động tôn giáo.
Các tài liệu mua sắm của chính phủ được công bố vào tháng 11 cho thấy Cục Công an Tây Tạng cùng lực lượng an ninh của Tân Cương đang tiến hành nâng cấp hệ thống giám sát và điều tra tội phạm mới do công ty công nghệ Founder International Co. có trụ sở tại Bắc Kinh cung cấp. Có rất ít chi tiết trong phiên bản công khai của hợp đồng của chính quyền địa phương ở Tây Tạng, nhưng các hợp đồng mà Founder đã ký với các sở cảnh sát địa phương khác để cài đặt cùng một hệ thống mô tả khả năng sàng lọc dữ liệu của nó — bao gồm từ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội và điện thoại di động — để tạo ra chân dung về lối sống và vòng kết nối xã hội của những người họ cần theo dõi.
Công ty Founder đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Các tài liệu mua sắm được phát hành cùng tháng cho thấy cảnh sát Tây Tạng đang tìm cách phát triển cơ sở dữ liệu về “những người cần quan tâm” như một phần của chiến dịch quốc gia chống tội phạm nhằm “quét sạch tà ác” mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng đã được sử dụng để nhắm vào những người bất đồng chính kiến trong khu vực. Theo các tài liệu, các nhà chức trách muốn kết hợp cơ sở dữ liệu với một hệ thống giám sát dự báo “thông qua nhiều báo cáo đồ họa chi tiết, cung cấp khả năng dự báo hoạt động tội phạm của các băng đảng xã hội đen và các thế lực xấu trong khi cung cấp dữ liệu quan trọng cho các cuộc đàn áp và truy tố.”
Chính phủ Tây Tạng đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Thế hệ tiếp theo
Các nhà chức trách Trung Quốc vẫn tán dương vẻ bề ngoài của sự đa dạng, kể cả tại các cuộc họp chính trị lớn, nơi truyền thông nhà nước chú ý nhiều đến các đại biểu thiểu số trong trang phục nghi lễ. Theo Dilnur Reyhan, một nhà xã hội học người Duy Ngô Nhĩ tại Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông ở Paris, sự khoan dung đó đối với sự khác biệt văn hóa là hời hợt.
Bà nói: Thông qua sự kết hợp giữa đồng hóa và chiếm đoạt dưới thời ông Tập, Trung Quốc đang “tạo ra một hình thức bản sắc thực dân mới”.
Trong một số trường hợp, các nỗ lực đồng hóa có tính cưỡng bức đã dẫn đến các hành động phản kháng – một điều hiếm gặp dưới thời ông Tập.
Các quan chức ở tỉnh đảo nhiệt đới Hải Nam đã gây phẫn nộ vào tháng 9 khi họ cố gắng cấm các thành viên nữ trẻ tuổi thuộc sắc tộc Utsuls, một nhóm dân tộc Hồi giáo địa phương với dân số khoảng 10.000 người, đội khăn trùm đầu đến trường. Theo một số người Utsul, chính phủ đã hủy bỏ quy định này sau khi dư luận phẫn nộ và xảy ra tình trạng bãi khóa. Họ cho biết, việc xây dựng một nhà thờ Hồi giáo quan trọng với sự quyên góp của cộng đồng đã bị tạm dừng trong nhiều tháng vì mái vòm và các đặc điểm kiến trúc không phải của Trung Quốc.
Chính quyền địa phương Nội Mông đã công bố kế hoạch thúc đẩy chương trình giảng dạy bằng tiếng Quan Thoại và đưa sách giáo khoa quốc gia vào các chương trình học hồi tháng 8. Theo người dân và các nhà hoạt động vì quyền của sắc dân Mông Cổ, hàng nghìn học sinh trong khu vực đã tẩy chay các lớp học và xuống đường để hưởng ứng.
Chính phủ Nội Mông và Hải Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Tại thành phố Tongliao với hơn 3 triệu người Mông Cổ ở phía đông Nội Mông, người dân cho biết chính sách giáo dục mới đã được thực hiện bất chấp sự phản đối.
Một bà mẹ trẻ cho biết những người Mông Cổ trong thành phố vẫn khó chịu trước những thay đổi, nhưng cảm thấy bất lực. “Đó là chính sách của chính phủ,” cô nói. “Làm thế nào để chúng ta chống lại nó?”
Nguồn: https://www.wsj.com/articles/beijing-accelerates-campaign-of-ethnic-assimilation-11609431781