Hoài Nguyễn
(VNTB) – 18 vị trong “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần thử nếm mùi nhà tù vài hôm để hiểu nỗi đau của những người tù phải chịu án oan khuất.
Chuyện ở Vương quốc Bỉ
55 thẩm phán Bỉ trải nghiệm môi trường nhà tù. Chính xác là 55 vị quan tòa có quyền kết tội đã tự nguyện trải nghiệm một ngày mất tự do trong một nhà tù mới xây ở thủ đô Brussels (Bỉ).
Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Tư pháp Vincent Van Quickenborne cho biết các vị quan tòa này sẽ trải qua một ngày đêm đúng vai trò tù nhân “để có ý thức hơn về các mức án sau này”. (*)
Bộ trưởng Vincent Van Quickenborne, 49 tuổi, cho biết cuộc thử nghiệm có thể giúp các thẩm phán đưa ra các bản án có căn cứ. Do đó, việc giam giữ nên được thực hiện càng thực tế càng tốt. Tuy nhiên, các thẩm phán không phải chia sẻ phòng giam với những tội phạm đã bị kết án. Cuộc kiểm tra đang diễn ra tại một nhà tù ở Haren, thuộc vùng Brussels, nơi một nhà tù mới dành cho gần 1.200 tù nhân sẽ mở cửa vào cuối tháng 9-2022.
Tổng giám đốc hệ thống trại giam của Bỉ, ông Rudy Van de Voorde, giải thích trong một thông cáo báo chí: “Trải nghiệm thực sự này mang lại cho các thẩm phán, là những người ra các bản án tù, có cơ hội trải nghiệm việc tước đoạt tự do có nghĩa là gì”.
Các thẩm phán thử “ở tù” này phải tuân theo hướng dẫn của nhân viên nhà tù, và không được phép sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, không giống như những tù nhân thực sự, các tình nguyện viên có thể dừng cuộc thử nghiệm bất cứ lúc nào.
55 tình nguyện viên này chỉ được yêu cầu làm công việc bếp núc và giặt ủi trong thời gian họ “ở tù”.
Chuyện Việt Nam
Sáng kiến trên nếu được áp dụng ở các vị thẩm phán cấp tòa phúc thẩm tại Việt Nam, liệu có khả thi?
Người viết bài này tin rằng không thể vận dụng chuyện ở tù nói trên để các vị thẩm phán có trách nhiệm hơn như mấy ông tòa ở Bỉ. Rất đơn giản, khi tuyên án, các quan tòa đều “nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để luận tội và tuyên án.
Kêu các quan tòa thử nếm mùi “ở tù”, khác nào bỏ tù nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Lưu ý, ở đây còn là chuyện làm gì có tư pháp độc lập mà yêu cầu thử ở tù như xứ Bỉ…
Cũng không thể trách các thẩm phán, vì thử tìm hiểu đi, nếu ai đó ‘tò mò’ xét một số văn bản luật quan trọng quy định việc xét xử thì sẽ nhận ra rằng bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính đều không có từ công lý.
Bộ luật hình sự, bộ luật dân sự hay luật tổ chức tòa án cũng không có từ công lý. Thậm chí từ công lý lại không được nhắc đến trong các văn bản tố tụng và hiếm khi được nói ra từ miệng các cán bộ tư pháp.
Hoàn toàn có lý khi đưa ra câu hỏi thế này với những chính khách cao cấp nhất trong Bộ Chính trị, đó là có phải không, sở dĩ nhân danh nước cộng hòa sẽ là không ổn, vì đất nước mặc dù cao quý nhưng không có tinh thần, không có tâm hồn nên đất nước không được cho là thực thể có khả năng đoán định đúng sai đem lại công lý.
Còn nếu nhân danh nhà nước thì cũng không ổn, vì nhà nước chỉ là sản phẩm công cụ của con người, có thể trở thành một bên đương sự đối trọng với người dân. Và trong hệ thống pháp luật đã có một luật là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vậy khi Nhà nước có sai phạm và trở thành một bên đương sự thì làm sao Nhà nước vừa là người phán quyết đem lại công lý vừa là đương sự được trong tuyên bố nghe rất hùng hồn của các quan tòa, “nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như nêu tại Điều 2.2 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Trong vế ngược lại, để có thể gọi là “hoạt động bảo vệ công lý” thì cần có “tư pháp độc lập”.
Để có thể đảm nhận được nhiệm vụ “bảo vệ công lý”, tòa án phải giữ một vị trí, tư thế độc lập, một cương vị đứng ngoài cuộc trong một mức độ nào đó. Do đó, nguyên tắc tư pháp độc lập là nguyên tắc mang tính cốt lõi để tòa án thực thi công lý.
Ở Việt Nam thì đến nay vẫn còn chuyện “chỉ đạo án”, “họp liên ngành”, đặc biệt là “án bỏ túi” từ một cơ quan không rõ được xếp vào khối ngành nào của trục lập pháp – hành pháp – tư pháp, đó là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam” với người đứng đầu là Tổng bí thư Đảng.
Cá nhân người viết cho rằng nếu “học tập 55 thẩm phán Bỉ”, thì chỉ cần 18 vị trong “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam” thử nếm mùi nhà tù vài hôm thôi, chắc hẳn họ sẽ hiểu thế nào là nỗi đau đớn ê chề của những người tù phải chịu án oan khuất.
1 comment
Tam quyền phân lập!