Trần Quí Thường
(VNTB) – Nếu lên tiếng, nhẹ thì bị chửi bới, chụp mũ là phản động, công an tới công ty gây áp lực để bị đuổi việc, nặng thì bị mời lên đồn, bị bắt giam, tù đày…
Chỉ trong 1 ngày, có 3 vụ sử dụng bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc hiển thị Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc. Thế nhưng phản ứng từ phía dư luận tỏ ra yếu ớt. Thậm chí vụ việc nghiêm trọng này còn ít được người dân quan tâm hơn những scandal trong showbiz Việt.
Ngày 08/4, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng với Công ty cổ phần sự kiện Peak, đơn vị tổ chức giải bơi lội quốc tế Oceanman, vì sử dụng bản đồ có thông tin xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ngoài việc bị xử lý hành chính, bị yêu cầu gỡ bỏ bản đồ thì giải đấu này cũng buộc phải tạm dừng.
Theo bản đồ này, khu vực quần đảo Trường Sa có một phần lãnh thổ được chú thích với tên gọi đảo Hải Dương (bằng tiếng Trung Quốc). Quần đảo Hoàng Sa thì bị chú thích là quận Tây Sa (tiếng Trung Quốc; một phần khác của bản đồ được chú thích là quận Tam Sa, cũng bằng tiếng Trung Quốc.
Cũng trong ngày 08/4, xuất hiện bản đồ của hãng xe công nghệ Grab hiển thị thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam. Nhiều khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng hiển thị tên tiếng Trung, tiếng Anh.
Cụ thể, bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền VN nhưng trong bản đồ của bãi đá này lại ghi rõ nội dung tiếng Anh và tiếng Hoa là “đảo Mỹ Tế – Tam Sa – Trung Quốc”. Bãi Xu Bi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng được bản đồ của Grab thể hiện bằng tiếng Hoa. Bãi Chữ Thập thì được ghi là “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”. “Huyện Nam Sa” do Trung Quốc tự đưa ra và đặt cơ quan hành chính tại bãi Chữ Thập để quản lý quần đảo Trường Sa.
Đến tối ngày 09/4, tiếp tục tới hãng thời trang Yody đăng ảnh bản đồ không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hình ảnh bản đồ này được đăng tải trên website và fanpage của doanh nghiệp để mô tả vị trí của 230 cửa hàng trên khắp cả nước.
Ngay sau khi bị phát hiện, Grab và Yody đã gỡ bỏ thông tin, và gửi thư xin lỗi. Hai doanh nghiệp này thừa nhận đã để xảy ra thiếu sót, do bộ phận truyền thông sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung.
Tuy nhiên điều đáng nói là phản ứng của người dân tỏ ra khá yếu ớt về vấn đề chủ quyền quốc gia này. Trong những ngày qua dư luận Việt Nam quan tâm khá nhiều tới việc nữ ca sĩ Vy Oanh bị cấm xuất cảnh do liên quan tới vụ tố tụng của bà Nguyễn Phương Hằng. Ngoài ra truyền thông trong nước cũng tập trung vào thông tin ba cha con lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát bị khởi tố và tạm giam.
Chị Thuỳ Trang, một nhân viên văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết “ít khi để ý tới vấn đề biển đảo, vì các thông tin này có tần số xuất hiện ít hơn các scandal trong giới nghệ sĩ”. Chị vẫn thường mua hàng tại Yody và di chuyển bằng Grabbike, nếu họ có sơ xuất trong bản đồ thì chị cũng không tẩy chay các sản phẩm này. Đơn giản vì chuyện biển đảo là do đảng và nhà nước lo, dân mà quan tâm thì có khi phải đi “uống trà” với công an.
Không thể trách người dân khi đảng cộng sản thường xuyên cố tình né tránh những vấn đề liên quan tới lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền quốc gia, đặc biệt là sự xâm lăng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Truyền thông thì bị ban tuyên giáo định hướng xoay quanh những câu chuyện đời tư nhảm nhí, lố bịch của giới nghệ sĩ, showbiz. Còn tin tức về chủ quyền, lợi ích quốc gia thì bị giấu giếm.
Đã vậy bất cứ ai lên tiếng phản đối đường lưỡi bò đều bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay. Nhẹ thì bị dư luận viên vào trang cá nhân chửi bới, chụp mũ là phản động, công an tới công ty gây áp lực để bị đuổi việc, nặng thì bị mời lên đồn, bị bắt giam, tù đày… Thử hỏi làm sao những người chân yếu tay mềm chạy ăn từng bữa dám lên tiếng nữa?
Hậu quả tất yếu thì càng ngày người ta sẽ càng lơ là câu chuyện chính trị, chủ quyền. Nguy cơ mất nước cũng sẽ càng tăng lên… Chính vì vậy, đảng cộng sản muốn giữ được toàn vẹn đất nước Việt Nam thì phải để người dân được tự do ngôn luận, được lên tiếng vì quê hương, dân tộc mình.