(VNTB) – Đời sống của công nhân tuy có nhiều khó khăn, nhưng nếu nói nguyên nhân chỉ đến từ lương thấp hay lương không phù hợp với công việc, thời gian đã bỏ ra, xem ra dường như vẫn là một… thiếu sót.
Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; ước ao, mong muốn một cái gì đó nhưng không thể mua; một cuộc sống đầy bấp bênh… ngọn nguồn đều xuất phát là do lương không đủ, điều này có đúng?
Câu trả lời có thể là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Vì sao? Dưới góc độ quan điểm cá nhân, lương là một trong số những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống đầy rẫy những nỗi lo, bên cạnh đó, còn có giá cả sinh hoạt cao; rồi học phí, bệnh phí…. Đó là còn chưa nói đến vấn đề bằng cấp cũng như tuổi tác.
Trong một lần vô tình đọc được một thông tin trên mạng xã hội viết về cuộc sống của những người công nhân vào thời điểm năm 2025, nhưng từ số liệu cho đến video ghi nhận lại về người công nhân, lại là câu chuyện của cách đây 7 năm. Liệu rằng, có đủ sức thuyết phục với thông tin làm ở công ty may mặc tại Đồng Nai với mức lương 1 đô la Mỹ một giờ?

Vừa qua, Tổng cục thống kê thuộc Bộ Tài chính đã ban hành Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý 1, ngày 06 tháng 4 năm 2025.
Căn cứ tại tiểu mục 1, Mục 2 Thông cáo báo chí thì thu nhập bình quân của lao động quý 1 năm 2025 là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 131 nghìn đồng so với quý 4 năm 2024 và tăng 720 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thu nhập bình quân một tháng của lao động nam là 9,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,1 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 10,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.
“1 đô la Mỹ, tính bình quân khoảng 26.000 đồng tiền Việt Nam. Điều này có thể có ở cửa hàng tiện lợi mình làm nhưng chỉ dành cho nhân viên part-time, tức là một ngày làm việc khoảng 4 tiếng. Còn nếu nói làm chín tiếng một ngày, mình nghĩ là làm full-time, mà full-time thì chắc là không có cái giá đó đâu”, sinh viên Trường Nguyễn, hiện đang làm thêm ở cửa hàng tiện lợi chia sẻ suy nghĩ trước thông tin làm 9 tiếng một ngày mà lương chỉ khoảng 1 đô la Mỹ một giờ.
“Tôi không biết cái thông tin đó, nhưng vào những năm 2010 – 2011, tháng hè, tôi có xin đi làm công nhân ở Bình Dương, part-time để kiếm thêm thu nhập. Phần có tiền chi tiêu trong hè, phần kiếm tiền đóng tiền học phí đại học. Dưới quan điểm cá nhân của tôi, đã đi làm thì phải cực, công việc thì có cực thiệt, có quy định thời gian, nhưng được cái, làm vài tháng, đủ tiền đóng học phí cũng như các chi phí khác trong học kỳ luôn”, cựu sinh viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chị Ngọc Minh chia sẻ.
Thông qua số liệu từ Tổng cục thống kê, có thể thấy, hai câu chuyện được viện dẫn trên mạng xã hội những ngày qua cũng như phóng sự truyền hình tuy có thật nhưng chỉ đúng ở thời điểm ghi nhận, tức là câu chuyện của 7 năm về trước.
Một trong những khoảng thời gian gặp khó khăn, khó có thể quên được là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam với nhiều chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Ghi nhận thực tế một vài công nhân ở Việt Nam, có không ít công nhân thừa nhận một điều rằng, tuy mức lương không cao, đòi hỏi phải có sự tằn tiện trong chi tiêu mới đủ chi phí cho sinh hoạt hằng ngày, song, họ sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với chủ doanh nghiệp.
“Nói chung là mình cũng thông cảm cho công ty, ba bốn tháng dịch người ta đâu có xuất hàng đi được đâu! Cho nên công nhân mình cũng thông cảm cho công ty. Chứ công ty cũng thua lỗ, công nhân cũng chịu thiệt thòi thôi. Mình cũng không đòi hỏi gì”, công nhân Mỹ Dung nhớ lại đợt càn quét của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến các khu công nghiệp.
Cũng cùng thời điểm đó, công nhân Hoàng Nghĩa đồng tình: “Trong cái mùa dịch có thì đỡ phần nào, không có thì cũng chịu thôi, tại công ty cũng gặp khó khăn, thì mình cũng thông cảm cho người ta, nói chung là, có ít xài ít, có nhiều xài nhiều”.
Là công nhân của công ty Tỷ Hùng, bị cho thôi việc vì không có đơn hàng vào những năm 2022, bà Nguyễn Thị Đẹp chia sẻ: “Nó trả cho mình hai tháng lương với hỗ trợ thất nghiệp đó. Bình thường thì đi làm, cũng mua đồ ăn này kia, thì bây giờ nhín nhút lại một chút. Thí dụ bình thường mình đi chợ ngày trăm ngàn cho bốn người ăn thì giờ mình cắt lại còn bảy chục. Nếu mà kẹt nữa thì cắt năm chục”.
Có việc làm là… mừng
Cũng theo chia sẻ của ý kiến trên mạng xã hội, có không ít công nhân ca thán vấn đề tăng ca bắt buộc dù đã kiệt sức.
“Từ lúc mình có tăng ca đều đều, hàng hoá xuất đi được, mình làm tháng bảy tám triệu đi. Nhưng mà cái thời điểm dịch Covid, mình không được tăng ca, mình làm tháng còn có ba bốn triệu, bốn năm triệu gì đó”, công nhân Danh Văn Hoàng chia sẻ rằng, nhờ có tăng ca mà công nhân có thêm thu nhập.
“Không có việc làm mới sợ, chứ có việc làm là mừng. Có việc tức là có đơn hàng. Mà có sản phẩm thì mình có tiền. Bên cạnh lương, còn có thưởng những ngày lễ, rồi phụ cấp. Mình có tiền để còn lo cho gia đình, lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học nữa”, bà Liễu, một công nhân ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc chia sẻ.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, dù muốn dù không, cũng khó có thể phủ nhận một điều, càng lớn tuổi càng khó xin việc làm. Kiểm chứng hoàn toàn không khó, đó là không ít những trường hợp của nhiều người lớn tuổi đang bất chấp thời tiết chạy xe ôm mỗi ngày; đó là những cụ ông, cụ bà, những người khuyết tật bán từng tờ vé số…
“Không bằng cấp, không làm được những việc liên quan chữ nghĩa, công nghệ. Không sức khoẻ, không làm được lao động phổ thông. Đó là chưa kể đến tuổi tác, già cả, biết làm gì bây giờ ngoài việc đi bán vé số?”, nghỉ mệt ở ven đường, cụ ông Đặng Văn Sửu chia sẻ đôi điều.

Tựu trung lại, đời sống của công nhân tuy có nhiều khó khăn, nhưng nếu nói nguyên nhân chỉ đến từ lương thấp hay lương không phù hợp với công việc, thời gian đã bỏ ra, xem ra dường như vẫn là một… thiếu sót. Bởi, ngoài kia, các chi phí từ: ăn uống, sinh hoạt, học phí, sữa tã cho đến tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền trọ ít nhiều cũng ảnh hưởng đến “hầu bao” của người công nhân. Nhất là chi phí cho điện, càng lúc càng cao, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người công nhân mà còn đến nhiều gia đình khác…