VNTB – Bạn đọc viết: Hạnh phúc là gì?

VNTB – Bạn đọc viết: Hạnh phúc là gì?

Bích Liên

 

(VNTB) – Hạnh phúc lớn nhất trên đời của mỗi người là được LÀM NGƯỜI đúng nghĩa, có được NHÂN QUYỀN là có hạnh phúc. Đừng đặt chuyện viển vông vô ích.

 

Phát biểu bế mạc phiên buổi chiều của Hội nghị Văn hóa toàn quốc hôm 24-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã lặp lại câu ở bài tham luận trước đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hạnh phúc không phải chỉ là nhiều tiền lắm của”.

“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như vậy.

“Hạnh phúc không phải chỉ là nhiều tiền lắm của. Nhưng chắc chắn nghèo không hạnh phúc được, không có tiền mua vắc xin thì làm sao hạnh phúc. Cho nên ta phải chống được lạc hậu. Phải phát huy được sáng tạo của toàn dân để phát triển nhanh, bền vững hơn” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cả hai chính khách đều sáo rỗng trong chuyện hô khẩu hiệu về hạnh phúc.

Tôi cho rằng khi người dân có quyền được nói, đó là hạnh phúc.

Nếu có quyền được nói mà không bị đe dọa tù đày của án “an ninh quốc gia” mà mấy ông, bà nhà báo tự do như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm Báo Sạch…, thì nhân hội nghị văn hóa toàn quốc này, xin được thưa với quý ngài rằng, nếu đã cao giọng khuyên con người đừng tham quyền cố vị, vậy thì bản thân mình bám giữ chức tước bổng lộc quyền hành cho bằng được để làm gì, mà kéo suốt tới 3 nhiệm kỳ?.

Khuyên mọi người tiết kiệm giản dị, nhưng mình toàn chơi nhà cao cửa rộng, xe sang, ăn ngon mặc đẹp. Đứa đệ tử chơi ngông ăn thịt bò dát vàng làm xấu thể diện quốc gia trước thiên hạ mà cũng không dám mắng nó một lời.

Khuyên thiên hạ tôn trọng luật pháp nhưng bản thân mình xé luật pháp hơn xé giấy vụn. Khuyên mọi người đừng phá rừng nhưng mình trồng biểu diễn nguyên cây cổ thụ, mọi người góp ý mãi vẫn không sửa, cứ bỏ ngoài tai. Khuyên cán bộ đảng viên chú trọng thực chất nhưng mình thì quấn đầy người lời xưng tụng, băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt…

Nếu có quyền được nói – tức hạnh phúc được ‘mở miệng’ mà không bị “mời cà phê”, và mang ra đe dọa những điều luật hình sự như điều 117 chẳng hạn, thì mong rằng quý ông bà nghị của Quốc hội cần biết sử dụng quyền lực của mình để yêu cầu tu chỉnh Hiến pháp.

Hiến pháp 2013, điều thứ 14 ghi rằng ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Việc xác định Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người và quyền công dân, là để bảo đảm tính khoa học về kỹ thuật lập hiến cho việc thực hiện cả hai quyền này.

Tuy vậy, thuật ngữ “bảo đảm” được xác định trong điều này liền sau việc đã “công nhận, tôn trọng, bảo vệ” là chưa bảo đảm được tính khoa học của luật pháp quốc tế, vì bản thân nội hàm của thuật ngữ “bảo đảm” đã gồm các hàm nghĩa thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện hai quyền này trên thực tế.

Việc chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, do đó, chưa thực sự bảo đảm được tính khoa học về kỹ thuật lập hiến; từ đó có thể gây rào cản cho việc hiểu và thực thi quyền con người và quyền công dân trên thực tế.

Xét về mặt ngôn ngữ học, theo Đại Từ điển tiếng Việt, quyền con người và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa.

Nhân quyền, ở góc độ khái quát nhất, theo Liên hợp quốc, có thể hiểu là những gì bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được bảo đảm thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người.

Tại Việt Nam, một số định nghĩa về quyền con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng nêu ra cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Thế nhưng khi áp dụng thì “quyền con người” – “nhân quyền” đều phải chịu sự điều chỉnh trong từng thời kỳ khác nhau của Đảng. Thực tế này dẫn đến tận hôm nay mà Đảng vẫn tiếp tục loay hoay chủ đề thế nào là hạnh phúc, hạnh phúc là gì?

Xem chừng những câu thơ của Chế Lan Viên đến tận hôm nay vẫn là thời sự đối với Đảng:

lũ chúng ta, ngủ trong giường chiếu hẹp

giấc mơ con đè nát cuộc đời con

hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

một mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn

(Trích thi phẩm Người đi tìm hình của nước, tập thơ “Ánh sáng và phù sa”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1960).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “LÀM NGƯỜI đúng nghĩa” Well, 2 chữ “đúng nghĩa” đó cũng thay đổi tùy vùng . “đúng nghĩa” của 1 thời là chống độc tài tư bản trị, chống Mỹ . “đúng nghĩa” của thời này có theo “đúng nghĩa” của thế hệ cha ông hay không, hay đúng hơn, có phản bội lại truyền thống cách mạng của cha ông không, chuyện đó có cần phải đem ra hay không ?

    “nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người”

    Nếu hoàn toàn chỉ dựa trên “những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có & khách quan” thì VN có dư đến thừa mứa luôn . Toàn bộ “những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có & khách quan” bao gồm Tứ Khoái . Có thể cái “khoái” thứ III hơi bị khó để thỏa mãn, phải chờ tới khi VN đạt được chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng vấn đề đó không chỉ xảy ra ở VN, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu . Tuy vậy, oanh tạc nát đã giúp nhiều để những người có nhu cầu đều có thể tự lo . Muốn đấu tranh thì cũng khó, vì đã bị hard-coded vô DNA của mọi người qua quá trình hàng triệu triệu năm . Có nghĩa phải thế nào thì mới có thể mừng Đảng, mừng Xuân . Và tiêu chuẩn thì mỗi người mỗi khác . Nói chung, rất phiền phức, có thể khó ngang với chuyện dân chủ tư bản cho VN, providing đa số -nói cho rõ- người Việt đã đứng lên đánh đổ nó in the 1st place.