Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Đặt vấn đề đi kiện vì thiệt hại ở đây là có thể đong đếm, và nguyên nhân gây thiệt hại đó có địa chỉ cụ thể: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong một văn bản đăng công khai trên trang web của Hội đồng Anh tại Việt Nam tối 9-11-2022, có đoạn: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo tất cả các kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, kỳ thi của bạn vào ngày 10-11-2022 sẽ bị hủy.
Quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam. Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể”.
Tham vấn một luật sư về vấn đề này, câu trả lời mang tính tham vấn như sau: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một Thông tư yêu cầu kể từ ngày 10-9-2022, các đơn vị tổ chức kỳ thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế phải làm hồ sơ trình bày rằng mình có biện pháp tốt để bảo mật và chống gian lận. Hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu về thủ tục hành chính mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, thì chưa cho tổ chức kỳ thi như mọi lần.
Đòi hỏi trên là ‘lánh nặng tìm nhẹ’ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bởi nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ có gian lận, không bảo mật tốt đề thi, đáp án, thì bộ này phải kiểm tra, phát hiện rồi xử lý vi phạm, thậm chí nếu nghiêm trọng thì chuyển sang xử lý hình sự chứ sao lại đòi hỏi về thủ tục hành chính mà Bộ đưa ra gọi là giúp “bảo mật và chống gian lận”.
Ở đây là việc văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định sai chủ thể, bởi IELTS hay những chứng chỉ năng lực khác của Pháp, Nhật, Trung Quốc… là không phải của Việt Nam. Họ dạy, họ tổ chức thi từ lâu nay theo chuẩn của họ. Như IELTS được đánh giá là chuẩn của hầu hết các nước về Anh Văn Học Thuật dành cho người không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nếu họ tổ chức dạy học, thi cử có vấn đề gì đó thì chính họ bị ảnh hưởng uy tín trên toàn cầu. Nếu du học sinh gian dối để có hồ sơ đẹp du học, năng lực không có thì chính du học sinh ấy tự bị đào thải.
Nhiều trường đại học của Việt Nam lâu nay vẫn lấy chuẩn điểm IELTS để tuyển sinh vô đại học, tốt nghiệp đại học…, đó là “ăn ké” của người ta. Nếu sự “ăn ké” đó khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo ngờ vực, thấy không đạt chất lượng thì chọn tiêu chuẩn khác có giá trị hơn chứ không phải dựng ‘hàng rào thủ tục’ như Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT.
Hệ lụy của quy định trên là việc lỡ tốt nghiệp, lỡ kế hoạch du học, lỡ xin việc… là những vấn đề mà người đăng ký dự thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế gặp phải khi kỳ thi “bỗng dưng” tạm dừng.
Về cơ bản tất cả các đơn vị tổ chức thi đều có quy chế khảo thí viết ra đầy đủ rồi. Việc kiểm soát chất lượng kỳ thi cũng có quy chế riêng, từ chọn đề, chọn địa điểm, cho đến chọn giám thị và quy trình phát đề thu đề chấm bài… Vấn đề là tự nhiên bị ngừng ít nhất 20 ngày để nộp hồ sơ lên Bộ chờ phê duyệt mới được tổ chức thi tiếp, vậy thì doanh thu từ việc tổ chức thi trong 20 – 30 ngày bị ngừng đó có được Bộ đền bù không?
Chỉ là thủ tục giấy tờ mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi biết bao nhiêu người, điều đó rất cần được khởi kiện một vụ án dân sự tương ứng.
Nói thêm, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ như IELTS, DELF/DALF/TCF, NAT-TEST/STBJ/BJT… đâu phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp được đâu mà lại lo chuyện “bảo mật chống gian lận” như nêu tại Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT.
(Giang hồ đồn đoán, vì sao hoãn thi IELTS? Bởi vì bộ của thầy Sơn đang thèm nhỏ dãi khoản thu được từ nguồn này. Đớp không được thì tìm cách làm khó vậy thôi!?)