Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bạn đọc viết: Từ đại học Harvard, nghĩ đôi điều về tự do học thuật

Camille Nguyễn

 

(VNTB) – Khái niệm tự do học thuật, được hiểu một cách đơn giản là quyền tự do giảng dạy, học tập, nghiên cứu cũng như trau dồi tri thức của giảng viên và sinh viên mà không có sự can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp hoặc áp lực của công chúng.

 

Những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đại học Harvard không phải là điều mới. Một số nhà lập pháp Mỹ, chủ yếu là người Đảng Cộng hòa, đã bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh đang thao túng Harvard để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tuyển mộ nhân tài, né tránh luật an ninh quốc gia và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ…

 

Từ đại học Harvard…

Theo nhiều thông tin được tổng hợp, Harvard university – tiền thân là New College được thành lập vào năm 1636 (1), bởi cơ quan lập pháp thuộc địa vịnh Massachusetts, Hoa Kỳ.

Xuyên suốt bề dày của lịch sử, của dòng chảy thời gian, qua nhiều đời tổng thống của Hoa Kỳ, Harvard tồn tại tựa như một trong những biểu tượng của sự học tập, nghiên cứu.

Trong một cuộc tọa đàm về giáo dục năm 2003, tổng thống Mỹ đến từ đảng Cộng hoà là George W. Bush đã bày tỏ niềm tự hào của mình về Harvard khi phát biểu: “Harvard chính là lịch sử của giáo dục Hoa Kỳ”.

“Cá nhân mình thì không dám nói chuyện to lớn, vĩ đại. Học hành cũng không bao nhiêu, cũng không dám nói sâu về khía cạnh học thuật. Nhưng mình nghĩ đơn giản:

– Thứ nhất, với bề dày lịch sử về học thuật của một cái trường, là cũng đủ để chứng minh rồi. Bởi, từ mái trường đó, bao nhiêu người thành công đã tốt nghiệp, đã góp sức xây dựng đất nước?

– Thứ hai, cũng liên quan đến bề dày lịch sử, nếu có vấn đề thì không lẽ những đời tổng thống khác không nhận ra? Tin vào tầm nhìn cũng như năng lực của họ thôi.

– Thứ ba, nếu giải thích là lúc trước chưa có, bây giờ mới có. Đồng ý luôn, nhưng nếu dựa vào lập luận đó mà đánh giá thì xem ra có phần đánh giá hơi thấp những người học hành đàng hoàng ra à nghen. Những người có tri thức, có đầu óc, đủ để biết đâu là đúng, đâu là sai”, một quan sát viên chia sẻ.

 

… đến tự do học thuật

Khái niệm tự do học thuật, được hiểu một cách đơn giản là quyền tự do giảng dạy, học tập, nghiên cứu cũng như trau dồi tri thức của giảng viên và sinh viên mà không có sự can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp hoặc áp lực của công chúng.

Có một thời gian không quá ngắn, cũng không quá dài, tôi theo học tiếng Pháp. Tôi nhớ, trong những tiết giảng về kỹ năng nói cũng như kỹ năng viết, giảng viên đã khuyến khích học viên tự do trình bày ý kiến của mình trong phạm vi giới hạn ngôn ngữ đang có. “Bạn có thể phản bác lại ý kiến của đề thi, phản bác lại ý kiến của giám khảo, nhưng bạn phải có dẫn chứng, lập luận thuyết phục người đọc và người nghe; chứ ban giám khảo không duy ý chí, khăng khăng cho rằng suy nghĩ của mình luôn đúng và dùng quyền hành của mình ép buộc bạn phải nghe theo thì mới có điểm cao”.

Thiết nghĩ, tự do thật sự, không chỉ là một cuộc sống không bị đàn áp mà còn có quyền được nói, lẽ dĩ nhiên tự do ngôn luận không đồng nghĩa với miệt thị hay xúc phạm. Nếu có những ý kiến trái chiều: đưa ra những lập luận, chứng cứ phản bác… thay vì vui vẻ tiếp thu, cùng thay đổi thì “ghét ra mặt”; hoặc là giả vờ để đó tính sau thì liệu chăng, hai tiếng tự do có còn đúng với giá trị và bản chất của nó? Nhất là trong môi trường học thuật, không có phản biện, không có ý kiến thì có khác chăng những “con cừu”?

Thay lời kết, xin được mượn ý trong lời của cựu giáo sư Sử – Địa, thầy Trần Minh Quốc trong một lần chia sẻ. Chính trị, nên nằm ngoài cánh cửa học đường.

_________________

Tham khảo:

(1)https://www.harvard.edu/about/#:~:text=The%20history%20of%20Harvard&text=On%20October%2028%2C%201636%2C%20Harvard,of%20the%20Massachusetts%20Bay%20Colony.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo sư Thêm rất kiên định với “tiên học lễ”

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạn đọc viết: Kết quả ý kiến 76% người tán thành TT Trump sau thông điệp đầu nhiệm kì II

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Trung Quốc đang làm “con chó giữ nhà” cho Việt Nam?!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo