Nguyễn Phúc – Tuấn Nguyễn
(VNTB) – Trong sổ sách kế toán doanh nghiệp, một khoản chi tiền tỷ không phải dành cho mục đích từ thiện, bác ái, mà lại là ‘hiếu hỷ’ của ‘quà biếu’ cho một đơn vị quản lý hành chánh nhà nước, thì sẽ hạch toán ra sao? Liệu có được chấp nhận là khoản chi phí khấu trừ cho tính thuế thu nhập doanh nghiệp?
Một trong 2 chiếc xe Công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau Ảnh: Gia Bách
Ngày 22-2-2017, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) – doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe Lexus GX 460 trị giá mỗi chiếc 3,1 tỉ đồng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, nói với báo chí rằng vào hơn một năm trước, vào ngày 23-3-2016, Công ty Công Lý có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau, ngỏ ý muốn tặng 2 chiếc Lexus để lãnh đạo thuận tiện hơn trong việc đi lại chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống cháy rừng… trong bối cảnh đường sá ở Cà Mau xấu.
Nhiều người biết chuyện thì nói rằng đây có thể là chuyện phải quấy, khi cũng thời điểm này, ngân sách tỉnh Cà Mau duyệt chi 25 tỷ đồng cho Công ty Công Lý với lý do “hỗ trợ mua thiết bị”.
Ở Cà Mau, Công ty Công Lý là một đại gia với nhiều dự án lớn, như Nhà máy Điện gió Khai Long – Cà Mau, Khu Du lịch sinh thái Khai Long và Đất Mũi, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy Xử lý rác Cà Mau…
Cũng trong ngày 22-2-2017, một thông tin từ ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, thì chiếc xe biển số xanh 43A-29999 mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh làm phương tiện đi lại, là một trong 7 chiếc được các doanh nghiệp tặng Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trong những năm qua.
Ông Bằng nói rằng chiếc xe biển số xanh 43A-29999 có hiệu Toyota Avalon Limited, màu đen, sản xuất năm 2015 tại Mỹ. Xe này có giá 1,3 tỉ đồng. Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã cung cấp cho các cơ quan báo chí các loại giấy tờ liên quan như Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận đăng ký xe, bảo hiểm và hóa đơn giá trị gia tăng của xe biển số xanh BKS: 43A-299.99.
Các ông chủ salon ở khu An Dương Vương, quận 5, Sài Gòn nói rằng làm gì có chuyện dòng sedan như Toyota Avalon mà giá dưới 2 tỷ bạc. “Chiếc Toyota Avalon phiên bản 2014 sử dụng động cơ xăng, điện (hybrid) cùng tùy chọn cao cấp nhất (limited) đang được chào bán với mức giá 2,625 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn khoảng 438 triệu đồng so với mẫu xe ở phân cấp trên là Lexus ES250 (động cơ 2.5L, 4 xi-lanh) mới 100% mà LexusViệt Nam phân phối chính hãng”. Giới chủ salon xe ở Sài Gòn cho biết như vậy. Không cần phải lặn lội tìm ở đâu xa, chỉ cần vào trang http://www.toyota.com/avalon/, là người ta biết ngay mức giá chào bán dòng xe ấy là bao nhiêu. Lưu ý, mức giá này khi bán tại Việt Nam sẽ được nhân lên gấp 3-4 lần do các loại thuế, phí.
Ngoại trừ công việc từ thiện, ai cũng biết rằng trên đời này không có gì là miễn phí. Sẽ chẳng ai cho không bạn cái gì, nếu bạn không cho họ lợi ích. Hai chữ miễn phí chỉ xuất hiện khi họ đưa lại cho bạn cái mà đối với họ không có giá trị, hoặc từng có giá trị nhưng bây giờ không còn. Và nói một cách bóng bẩy văn chương, thì một khi những quan chức ở Cà Mau, ở Đà Nẵng (và có lẽ còn nhiều nơi khác nữa) chưa học được cách trả phí, rất có thể vài hôm tới đây, với hiệu ứng domino, họ sẽ phải trả giá với những gì được nhận miễn phí trong… nhiệm kỳ này.
Bởi theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg “quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước”, và Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg, về “Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”, thì cầm chắc là hai cơ quan nhà nước ở Cà Mau và Đà Nẵng sẽ khó tránh vi phạm.
Bánh ít đi, thì bánh quy lại. Ông bà mình đã dạy vậy.