VNTB – Báo chí giờ bắt đầu được ‘đa chiều’?

VNTB – Báo chí giờ bắt đầu được ‘đa chiều’?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Dường như kể từ khi Sài Gòn ‘xuất hiện’ cựu phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, báo chí bắt đầu được quyền ‘mở miệng’.

 

Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại – hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo, được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Bình đã lên đường vào TP.HCM tham gia Tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 tại đây ngay sau khi nhậm chức. Nhiệm vụ cụ thể của ông Lê Hải Bình kể từ ngày 23-8-2021, là chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Trước khi được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lê Hải Bình trải qua nhiều vị trí công tác tại Bộ Ngoại giao và đảm nhiệm các chức vụ: Phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược; Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí; Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao; Phó giám đốc Học viện Ngoại giao kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược.

Tháng 10-2019, ông Lê Hải Bình được điều động, phân công giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại – hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương. Tháng 11-2019, ông Bình được Ban Bí thư phân công giữ chức Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương. Tại Đại hội  XIII của Đảng, ông Lê Hải Bình được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Có một điểm chung giữa tân Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với tân Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đó là ông Phạm Minh Chính cũng xuất thân trong ngành ngoại giao.

Lý lịch trích ngang cho biết, năm 1989, ông Phạm Minh Chính được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao, làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani. Đây là thời điểm mà Rumani và cả xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ông công tác ở Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt Nam trong thời kỳ này, tức ‘tình báo kinh tế’.

Khi trở về Việt Nam, ông Phạm Minh Chính được điều sang Bộ Công an và từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật. Năm 2006, ông Phạm Minh Chính được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an.

Trở lại với cựu viên chức ngoại giao, tân Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.

Ngày 29-8-2021, các tòa soạn báo chí tại Sài Gòn đồng loạt đưa tin nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM kêu gọi 5.000 chữ ký, kiến nghị Chính phủ ‘cứu’ doanh nghiệp.

Dẫn con số thống kê doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97,8% số doanh nghiệp cả nước, song các doanh nghiệp này đang gặp hàng loạt khó khăn khi phải ngừng hoạt động, chi phí “3 tại chỗ” tăng cao, nặng gánh phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội… Do đó, 11 lãnh đạo các doanh nghiệp đã đồng soạn thảo kiến nghị và đăng tải lên website, kêu gọi đủ 5.000 chữ ký online sẽ in và chuyển văn bản đến Chính phủ.

Việc báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin về “kêu gọi đủ 5.000 chữ ký online” cho nội dung kiến nghị tập thể để gửi đến Chính phủ, đây là điều mới mẻ vì trong quá khứ làng báo không được phép đăng tải các nội dung của hơi hướm về kêu gọi số đông cho chuyện kiến nghị về thay đổi, điều chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nếu như khi mà việc “kêu gọi đủ 5.000 chữ ký online” được báo chí đăng tải như một áp lực truyền thông, thì mai đây các nhóm xã hội dân sự khác cũng sẽ được quyền tương tự cho kêu gọi lấy chữ ký cho những yêu cầu dân sinh nào đó; kể cả việc của liên quan chính trị, như yêu cầu Đảng và Nhà nước mạnh mẽ hơn trong giải pháp pháp lý trong việc đưa Trung Quốc ra tòa, khi Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, chẳng hạn.

Một vụ việc khác cũng cần ghi nhận về việc báo chí bắt đầu dấu hiệu về quyền tự do thông tin.

Những tin tức ‘mặt trái’ liên quan dân sinh giờ cũng được báo chí đăng tải. Ví dụ như “Nhiều hộ dân ở quận 10 chưa được ‘đi chợ hộ’ dù đặt từ 25-8 trên báo Tuổi Trẻ ngày 30-8-2021.

Trên báo Tuổi Trẻ hôm 29-8-2021 có bài tường thuật nội dung ‘tố cáo trực tiếp’ vào bộ máy công quyền địa phương – trích bài báo Người dân phường Phú Hữu ‘chưa nhận được tiền hỗ trợ’ đã được hỗ trợ:

“(…) Trước đó ngày 27-8, chị Nguyễn Thị Ngọc (41 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng hàng trăm người trong hai dãy trọ lụp xụp ngay cầu Ông Bồn kéo ra vòng xoay Liên Phường để phản ứng vì chưa nhận được tiền hỗ trợ người lao động tự do thất nghiệp.

Chị Ngọc cho biết chị lên TP.HCM làm phụ hồ được 7 năm. Con trai chị vì gia cảnh khó khăn cũng gác lại tương lai theo mẹ lên TP làm thuê, hai mẹ con xin vào công trình gần chỗ trọ làm phụ hồ, ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn trang trải cuộc sống và gửi về quê cho chồng và 3 con.

Nhắc đến chồng, chị Ngọc nghẹn ngào kể: cách đây vài năm, chồng chị bệnh nặng phải phẫu thuật. Giữ được mạng sống nhưng anh không thể làm việc nặng, ở nhà trông 3 con.

Dịch ập đến, chị và con trai thất nghiệp ở nhà, cũng không thể về quê vì giãn cách, hai mẹ con nán lại nhà trọ nhưng “cũng không yên”.

“Hai tháng nay hai mẹ con không có việc mần nên không có tiền, tiền để dành cũng hết, chỉ mong chủ trọ cho nợ, khi nào hết dịch đi mần lại được trả sau. Nhưng chủ trọ không chịu, nói không trả tiền sẽ đuổi ra khỏi phòng. Bức quá anh em trong khu trọ mới kéo ra đường…”, chị Ngọc tâm sự.

Tương tự, vợ chồng anh Lê Văn Có (34 tuổi, quê Hậu Giang) hơn 2 tháng nay không đi làm, không có tiền nhưng cũng phải đóng tiền phòng trọ, điện, nước, gas… Nghe mọi người trong khu trọ nói là người khu khác nhận được tiền hỗ trợ rồi mà khu mình chưa nhận được nên cũng đi theo ra phản ứng.

“Về quê không được, ở lại cũng không xong. Thấy mọi người kéo ra vòng xoay phản ứng vì tiền hỗ trợ nên tôi đi theo nhưng được chính quyền giải thích, vận động quay lại phòng trọ. Địa phương nói sẽ làm việc với chủ trọ và vận động giảm tiền phòng trọ”, anh Có chia sẻ” (dừng trích).

Cụm từ trong tường thuật “hàng trăm người trong hai dãy trọ lụp xụp ngay cầu Ông Bồn kéo ra vòng xoay Liên Phường để phản ứng” – “bức quá anh em trong khu trọ mới kéo ra đường”, đó là hình ảnh của đúng nghĩa về một cuộc biểu tình, một quyền Hiến định của người dân được pháp luật bảo vệ.

Ở lần biểu tình hôm 27-8-2021 của bà con phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, lạ là mặc dù quân đội đang tràn ngập thành phố này, song đã không có bắt bớ, trấn áp đáng tiếc nào xảy ra; và báo chí được phép ghi nhận rồi đăng  vụ việc (mong rằng sẽ không có chiêu trò đánh nguội về sau).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)