Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí tự do và trách nhiệm tiên phong trong bảo vệ môi trường

Tôn Phi (VNTB) Bản thân người viết bài tham luận này từng được một số thanh tra của bộ giáo dục mời lên làm việc. Khi được các thanh tra hỏi về lí do tôi tham gia báo chí phản biện, tôi đã trả lời rằng đó là do mình bức xúc vì nhà nước không quản lý được đất nước, nhất là vấn đề môi trường. Người thanh tra bộ giáo dục đã nói một câu hết sức vô trách nhiệm: “Phát triển đất nước thì ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi”. Đây là một nhận định rất sai lầm. 


I. Báo động môi trường xuống cấp trầm trọng tại Việt Nam

Xã hội Việt Nam đang tràn ngập các vấn đề gây bức xúc. Mọi vấn đề đó đến từ độc tài đảng trị, khi hiến pháp đã mâu thuẫn nội hàm thì các vấn đề sẽ nảy sinh trong mọi lĩnh vực. Trong đó, môi trường là lĩnh vực bị xâm hại nghiêm trọng nhất. Ở dưới thấp, các con sông bị ô nhiễm nặng nề, ao hồ bị san lấp để bán đất. Nạn hút cát lén ở các con sông diễn ra không thể kiểm soát. 


Ở trên cao, rừng núi cũng đang bị các nhóm lợi ích tàn phá. Các cây lâu năm bị chặt hàng loạt để khai thác gỗ. Diện tích phủ xanh đang giảm nghiêm trọng, được che giấu bởi cách tính toán sai lầm, làm người dân hiểu lầm rằng giá trị phủ xanh của các cây ngắn không chênh lệch so với các cây lâu năm. Rừng núi đang bị các nhóm lợi ích tàn phá để khai thác du lịch, và nguy hiểm hơn là cũng bị khai thác đá và các khoáng vật. Món quà thiên nhiên phải mất hàng triệu năm mới tạo được cho con người lại có nguy cơ bị xóa sổ trong vòng mấy chục năm.

Trên đất nước Việt Nam, rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý tuồn ra môi trường dân sinh ở khắp mọi nơi. Đất nước Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, cộng thêm rác thải do chính dân trong nước tạo ra thì bài toán môi trường của chúng ta là quá lớn, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Vì những lẽ đó, chúng tôi báo động tình trạng môi trường xuống cấp trầm trọng tại Việt Nam và kêu gọi toàn xã hội chung tay giải quyết.

II. Quan điểm sai lầm của nhà nước về môi trường

Nhà nước Việt Nam hiện đang có cách hành xử rất sai lầm về vấn đề môi trường. Văn hóa ứng xử với môi trường của mọi chế độ xã hội chủ nghĩa là yếu kém, tiêu biểu là Việt Nam và Trng Quốc. Một sai lầm lớn của ý thức hệ Marx- Lenin là cho rằng văn hóa không ảnh hưởng cơ bản đến tăng trưởng kinh tế. Họ chỉ công nhận kinh tế ảnh hưởng đến văn hóa. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế, theo lý luận Marx- Lenin đang giảng dạy tại các trường đại học thì chỉ có những yếu tố sau: vốn, kỹ thuật và công nghệ, và cơ cấu kinh tế. Thực ra còn có yếu tố văn hóa tham gia phát triển kinh tế, điều mà các nhà kinh tế phương tây không bỏ qua. Sự giấu giếm có chủ đích của nhà cầm quyền là nhằm nhằm che giấu tình trạng đạo đức xã hội và các chỉ số môi trường xuống cấp. 

Chính phủ phớt lờ chuyện ô nhiễm môi trường. Họ cho rằng đó không phải là trách nhiệm của họ, coi đó là yêu cầu tất yếu của công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Mục tiêu của họ phấn đấu để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng chế tài bảo vệ môi trường đáng lẽ phải đi trước kế hoạch kinh tế thì lại chưa có. Vì vậy, thực tế cho thấy cách làm công nghiệp hóa của nhà nước đang đi ngược lại lợi ích lâu dài của dân tộc. 

Thực ra ô nhiễm môi trường là thứ có thể tránh được trên con đường phát triển đất nước nếu biết phát triển đúng cách. Kinh nghiệm từ các nước phương tây đã chứng tỏ rằng vẫn vừa có thể phát triển đất nước, vừa có thể cải tạo môi trường. Bài học đáng nghiền ngẫm nhất đến từ Ả-rập Xê-ut khi họ đã biến Dubai từ một hoang mạc trở thành một hòn đảo phát triển rực rỡ, hoặc bài học từ Israel đã cải tạo vốn thiên nhiên khắc nghiệt thành một cường quốc công nghiệp mà không làm hại môi trường. Phát triển kinh tế không nhất thiết phải xâm hại môi trường. 

Nhà nước Việt Nam đang gây một ảo giác trấn an dư luận rằng họ vẫn bảo vệ môi trường. Hiện tại chính phủ Việt Nam vẫn đang tài trợ cho một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, nhưng đó là các tổ chức nhà nước, mọc ra để kiểm soát dư luận đối với Đảng Cộng Sản về tình trạng môi trường. 

Xã hội Việt Nam sai lầm trong việc tái sản xuất xã hội. Bốn yếu tố đầu tiên là tái sản xuất của cải vật chất, tái sản xuất sức lao động, tái sản xuất quan hệ sản xuất đều bị chính trị kìm hãm. Riêng yếu tố thứ năm là tái sản xuất môi trường thì bị làm ngơ. Ngân sách nhà nước dùng cho cải tạo môi trường là quá ít, trong khi ở thế giới tiến bộ vấn đề này lại được ưu tiên, trung bình cứ 4 đồng sản xuất được thì sẽ dùng 1 đồng để tái sản xuất môi trường sinh thái thì nhà nước chưa làm. Nguyên nhân đến từ việc đất nước không có tam quyền phân lập, không có đối trọng trong chính trị.

III. Báo chí phản biện phải xông pha vào mặt trận bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Hiện tại môi trường ở Việt Nam đã bị ô nhiễm quá trầm trọng. Ở Mỹ, cựu phó tổng thống AlGore và tỷ phú công nghệ Bill Gates đã lên tiếng gay gắt về vấn đề ô nhiễm môi trường khi mức độ nghiêm trọng còn chưa ảnh hưởng sâu rộng. Cả hệ thống truyền thông của họ nhận thức được vấn đề và tham gia phản biện gay gắt, kết quả là họ tác động được tới ngành lập pháp để siết chặt, hạn chế ô nhiễm môi trường một cách tối đa. Ngược lại, ở Việt Nam, một nơi mà môi trường bị tàn phá nặng nề, dường như mọi tiếng nói phê phán chính sách của nhà nước về vấn đề môi trường đã bị dập tắt. 

Báo chí của nhà nước thì mất đi tiếng nói trung thực từ lâu, họ đã nhận tiền của các doanh nghiệp để làm ngơ việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Các hội, đoàn mang tên bảo vệ môi trường tổ chức các hoạt động ca hát, nhảy múa để bảo vệ môi trường. Những hoạt động đó mang tính trình diễn, không chỉ mặt vạch tên những tổ chức nhà nước và tư nhân làm hại môi trường. Do đó, lực lượng tiến bộ trong nước không nên hy vọng gì vào báo chí nhà nước và các tổ chức bảo vệ môi trường quốc doanh việc đối phó với ô nhiễm. 

Vậy ai sẽ lên tiếng hữu hiệu để bảo vệ môi trường? Chỉ có báo chí tự do với tư cách độc lập, tinh thần khách quan sẽ sát cánh cùng với người dân trong nhiệm vụ khó khăn này. Báo chí tự do phải là quyền lực thứ tư như ở thế giới tự do phương Tây, khi đó môi trường chắc chắn sẽ được cải thiện. Báo chí tự do nơi gần nhất với dân để phản ánh thực trạng, tham mưu giải quyết và hỗ trợ cộng đồng nhằm giải quyết thực trạng môi trường ô nhiễm. 

IV. Những lực lượng ủng hộ báo chí tự do trong công cuộc bảo vệ môi trường

Lực lượng thứ nhất sẽ ủng hộ báo chí tự do là người dân. Trước đây, người dân bị tuyên truyền đến mất hẳn ý thức phản kháng. Họ cam chịu chấp nhận sống trong một chế độ như vậy và cho rằng đó là tất yếu. Nhưng trong thời đại thông tin, bằng truyền thông, các tờ báo tự do đã giúp họ hiểu rõ về quyền làm chủ và những bất an mà mình đang đối mặt. Tất cả những người dân hiện đã ít nhiều nhận thấy được rằng cuộc sống của họ không hề an toàn: bệnh viện xây lên không kịp, quyền của người dân bị đặt dưới quyền của doanh nghiệp… tất cả là nhà nước khống chế mọi chính sách bảo vệ môi trường theo hướng có lợi về kinh tế và bảo tồn chế độ, chứ không vì lợi ích của toàn dân.

Lực lượng thứ hai, đó là các doanh nghiệp tiến bộ. Một số doanh nghiệp có xu hướng gắn chặt lợi ích cùng cộng đồng trong lộ trình phát triển bền vứng của họ. Trong quá trình phát triển, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã bỏ qua khâu xử lý chất thải công nghiệp để hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp biết thượng tôn pháp luật sẽ đóng góp đáng kể vào việc tố giác những doanh nghiệp có hành vi sai trái đó, giống như vụ Vedan gây ô nhiễm trên sông Thị Vải cũng được phát động tố giác bởi một doanh nghiệp khác làm ăn chân chính hơn. Đây dự kiến sẽ là nguồn tài lực để chống lại những kẻ hủy hoại môi trường của toàn dân để mưu cầu lợi ích riêng tư. 

Lực lượng thứ ba, cộng đồng các nhà khoa học. Các nhà khoa học chân chính sẽ cung cấp các kết quả nghiên cứu cho hoạt động truyền thông về môi trường. Khoa học ở Việt Nam hiện phát triển không kịp để giải quyết những hậu quả do người sử dụng khoa học sai lầm gây ra cho môi trường. Đây là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đồng từ California, cũng là quan điểm của nhiều nhà khoa học lớn hiện nay. Tiến sĩ hóa học Vũ Tam Huề còn cho rằng, từ năm 1995 trở lại đây, tinh thần sử dụng khoa học đang lầm đường lạc lối. Những nhận định này là có căn cứ. Ngày càng có nhiều nhà khoa học tham gia một cách sâu sắc về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Lực lượng thứ tư ủng hộ báo chí tự do, đó là các giáo hội. Từ Huế, linh mục Phan Văn Lợi chỉ trích chế độ vô thần. Con người có năm mối tương quan, mối tương quan đầu tiên là mối tương quan giữa con người với Thượng Đế, mối tương quan thứ năm là giữa con người và thiên nhiên. Khi một chế độ thù hằn với tôn giáo, vai trò của Thượng Đế sẽ bị chính quyền vô thần phủ nhận không cần chứng minh, do đó cũng sẽ phá vỡ mối tương quan giữa con người và thiên nhiên. 

Người viết bài tham luận này đặc biệt đánh giá cao sự lên tiếng của giáo hội Công giáo- giáo hội có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Giáo hoàng Phaolô VI năm 1967, trong thông điệp “Bát Thập Niên”, đã đề cập rõ vấn đề môi trường. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng chú ý vấn đề sinh thái và môi trường khi tôn phong thánh Phaxicô Assisi làm bổn mạng các nhà sinh thái học. 

Sáng ngày 28-11-2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến 7.000 học sinh và phụ huynh người Italia dấn thân trong dự án bảo vệ trường. Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Khi tôn trọng dấu vết của Đấng Tạo Hóa trong toàn thể thiên nhiên, ta hiểu rõ hơn căn tính sâu xa và chân thực nhân tính của chúng ta… Nếu khi làm việc, con người quên mình là cộng tác viên của Thiên Chúa, thì có thể gây hại cho thiên nhiên, tạo nên những thiệt hại luôn có hậu quả trên con người, như chúng ta thấy trong nhiều trường hợp”.

Trung tâm của giáo hội Công giáo nhận thức rõ vấn đề như vậy, ở Việt Nam, các giám mục cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho rằng bổn phận người Kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Những chức sắc này cổ vũ một cách mạnh mẽ cho các hoạt động bảo vệ môi trường ở nơi các ngài đang đảm nhiệm chức trách.

Kết luận:

Môi trường tại Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng. Cải tạo và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của chín mươi triệu dân. Công việc này cần sự giúp sức về truyền thông của lực lượng báo chí tự do, vì báo chí nhà nước được quyền độc lập trong việc phản biện để thúc đẩy tiến bộ xã hội. 

Trong bối cảnh hiện tại, trách nhiệm của báo chí tự do là nặng nề nhưng hoàn toàn là khả thi. Báo chí tự do sẽ được toàn dân và các tổ chức hỗ trợ cho việc lên tiếng vì sinh mạng của mỗi người dân. Vì vậy, các lực lượng báo chí tự do có lý do phải thống nhất chương trình hành động trong một sứ mệnh khẩn cấp không thể chậm trễ một ngày nào. 

Chúng ta, lực lượng báo chí tự do, có quyền hi vọng vào việc đấu tranh thắng lợi để mang tới dân chủ và cải thiện môi trường cho đất nước Việt Nam.

Tham luận tại Hội thảo “Việt nam: Tự do cho báo chí” do Hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015

Tin bài liên quan:

VNTB – Bước qua lời nguyền tiến hành dự án đập Stung Treng – Hủy diệt môi sinh – nhìn lại 

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nóng: Thêm tội ác của Formosa

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh về ‘Hòn ngọc Viễn Đông’: Không có hoặc chẳng cần nhà vệ sinh công cộng – đái công khai!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo