Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí Việt Nam công khai tin tức về tân Tổng Bí thư khóa 13

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – “Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước của chúng ta là hơn 65 tuổi. Như vậy, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một trong số các đồng chí đặc biệt”.

 

Ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một trong số các trường hợp đặc biệt được giới thiệu tái cử Bộ Chính trị tại Đại hội XIII lần này.

Cầm chắc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là tân Tổng Bí thư khóa 13, nếu như sức khỏe của ông vẫn ổn cho tới ngày 2-2-2021.

Theo ông Hầu A Lềnh, đề án nhân sự sẽ được trình tại Đại hội XIII trong vài ngày tới. Tuy nhiên, về số lượng cụ thể các trường hợp đặc biệt, ông Lềnh cho biết vẫn nằm trong đề án trình đại hội, không được tiết lộ.

Ông Hầu A Lềnh, sinh năm 1973, là một chính trị gia người H’Mông, quê quán xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hiện ông Lềnh đang giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII, Phó Bí thư Đảng đoàn Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Ông Hầu A Lềnh xuất thân là một thiếu sinh quân, có 5 năm là Trợ lý nghiệp vụ Cục 16, Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo), Bộ Quốc phòng. Với lý lịch như vậy, khó có thể xảy ra chuyện ‘vạ miệng’ ở đây về ông Nguyễn Phú Trọng.

Trước đó, vào chiều ngày 22-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết các trường hợp nhân sự thuộc diện ‘đặc biệt’, hay việc có sửa Điều lệ Đảng hay không sẽ do đại hội quyết định.

Hiện tại thì Điều lệ Đảng ở điều 17.1 “Ðồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, thì trước tiên cần phải sửa điều 17.1; và việc sửa này trong trường hợp diễn ra ở thời gian Đại hội XIII, cho thấy khó thuyết phục, mà chỉ có thể giải thích là việc ‘chữa cháy’ để hợp thức hóa chuyện ‘giữ ghế’ của ông Nguyễn Phú Trọng.

Với một quốc gia đang có trên 5.1 triệu đảng viên, thì việc liên tiếp 3 nhiệm kỳ không thể tìm ra được người đủ tài để làm người đứng đầu, mà vẫn là ‘người cũ’, cho thấy đang có biểu hiện của thao túng quyền lực ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền.

Giả dụ như ngờ vực trên được cho là ý đồ của “diễn biến hòa bình” từ “thế lực thù địch”, thì đó vẫn đỡ nguy hơn nhiều so với mối lo Đảng đang khủng hoảng ‘cá nhân phụ trách’.

“Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”, ký tên X.Y.Z, đăng trên báo Sự Thật, số 100, ra ngày 23-9-1948. Đây là một trong những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo có đoạn như sau:

“Chính quyền thì có những Hội đồng. Các đoàn thể thì có những Uỷ ban. Đó là tập thể lãnh đạo.

Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo ?

Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.

Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó.

Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm.

Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó.

Vì sao cần phải cá nhân phụ trách ?

Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy.

Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này uỷ cho người kia, người kia uỷ cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu: “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” là như thế”.

Mang di huấn trên đặt trong bối cảnh những gì đang diễn ra ở Đại hội XIII, quả là đáng lo khi tập thể Đảng đang ‘bối rối’ trong việc ‘nhất trí’ về ‘cá nhân phụ trách’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đừng ‘chụp mũ chính trị’ khi người dân có ý kiến về nhân sự Đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông tiến sĩ Bùi Văn Cường chịu thiệt hại gì khi bị “vu khống”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vỗ cho béo rồi thịt

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo