VNTB – “Báo đối lập công khai chống đối chính quyền”

Đinh Liên (VNTB) Trong loạt bài về Báo chí Sài Gòn trước năm 1975, với kỳ 5, báo Lao Động đặt một cái tiêu đề vô cùng ấn tượng: “Báo đối lập công khai chống đối chính quyền.”

Theo đó, thời Việt Nam Cộng Hòa, “Bộ Thông tin – Chiêu hồi có một qui định bắt buộc báo chí thời đó phải tuân thủ: Không loan tin có hại cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, có lợi cho Quân Giải phóng. Vì thế, tất cả những tin tức có hại cho ‘an ninh quốc gia’ đều bị bóp nghẹt. Thế nhưng, những người làm báo chân chính thời bấy giờ bất chấp hiểm nguy, chống đối chính quyền, đứng về phía nhân dân, đã đưa ra ánh sáng những sự thật bị bưng bít.”

Người làm báo thời kỳ này theo tác giả, dù luật gay gắt đến thế, nhà báo miền Nam lại vẫn đủ sức phơi bày “sự thật về vụ thảm sát ở Mỹ Lai”, gọi Tổng thống Thiệu là “Tổng thống Thẹo” hay “Sáu Thẹo”, áp phích dán ngoài đường bị sửa chữ “Dân chủ” thành “Dân chửi”. Lý do đơn giản, dù có qui định nhằm kiểm soát nội dung loan tin, thì chính giới miền Nam trước 1975 không ngăn cấm báo chí tư nhân, báo chí đối lập.

GS Nguyễn Minh Thuyết trong buổi góp ý dự thảo Luật báo chí sửa đổi.
Do đó, dù trong hoàn cảnh “kiềm kẹp” của chế độ thì cánh báo chí miền Nam vẫn có một kẻ hở để “cút bắt với chính quyền” và “giỡn mặt với nhà nước”.

Sau năm 1975, đáng lý ra, sau khi tiếp nhận cái nền báo chí đủ kẻ hở đó, thì Việt Nam phải hình thành một nền báo chí đầy đủ hơn, nghĩa là thoát ra khỏi những “qui định” nhằm bảo vệ chế độ, để tiến tới một nền báo chí toàn dân qua phản ánh nguyện vọng và bênh vực hợp lý lợi quyền nhân dân. 

Thế nhưng báo chí lại bị kiềm kẹp hơn trước, trở thành thứ công cụ đặt ra vì chính lợi ích chính quyền, thành ra, báo chí Việt Nam lại trở về cái thời kỳ đầu của nền báo chí Việt ngữ, đó là vào giai đoạn 1865 – 1917, khi báo chí là công cụ chính trị của thực dân Pháp. Nếu có chút khác biệt nào đó, thì đó hẳn là thêm cái gia vị “báo chí thương mại”, còn tuyệt nhiên, báo để đi đến một ý hướng dân chủ với giá trị thực của đời sống xã hội thì lại hiếm vô cùng.

“Dự án Luật Báo chí đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).

Trong dự thảo Luật báo chí vừa qua, PGS. TS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội hân hoan trước qui định “không kiểm duyệt báo chí”. Nhưng vấn đề đặt ra, liệu điều này có-được-thực-thi hay không, khi mà Ban Tuyên Giáo vẫn còn tồn tại với bản chất là một “Tổng biên tập” định hình cho nhiệm vụ và quan điểm tuyên truyền báo chí. Và tự bản thân Dự luật báo chí cũng nằm trong khuôn khổ sửa đổi (có nghĩa sự sửa đổi mang tính hạn chế và được định hướng vùng cấm sửa đổi), thông qua phát biểu của Tổng Bí thư bế mạc Hội nghị Trung ương 10, trong đó ghi nhận, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí phải “là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.”

Thứ nữa, dự Luật báo chí sửa đổi cũng chưa thừa nhận báo chí tư nhân – mà chỉ ghi nhận “một cách dè dặt” liên kết tư nhân trong báo chí, như GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra, thông qua viện dẫn Điều 46 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.”

Sự thiếu vắng tham gia của luồng báo chí “tư nhân” (chưa nói đến đối lập) đã khiến nhà văn  Võ Thị Hảo coi đó là “tội ác”.

Mà “tội ác” lớn nhất là “ánh sáng những sự thật bị bưng bít” dù có hàng trăm ngàn tờ báo, lợi quyền nhân dân bị coi khinh, và việc “cụ thể hóa tinh thần và các quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân” vẫn dậm chân tại chỗ.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)