Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bao giờ Sài Gòn hết ngập nước?

Cao Việt Sỹ

 

(VNTB) – Nếu nguyên nhân gây ngập do triều cường có thể bắt đầu từ Phú An thì việc xây các cống ngăn triều ở Sài Gòn là chưa hợp lý, cần xem xét kỹ hơn. Trong kỹ thuật không thể duy ý chí.

 

Sài Gòn chiều mưa, ngồi trên gác uống café, nhìn qua cửa sổ thấy cảnh nước ngập đường phố, người dân lội trong nước đục ngầu, buồn tình có mấy vần thơ: 

MƯA SÀI GÒN

Mưa Sài Gòn buồn lắm phải không em ?

Nước lênh láng ngập tràn đường phố

Em đi trong chiều mưa, nước đổ

Phố thành sông, đâu lối em về ?

 

     

Đường ngập nước trong mưa lớn (Ảnh: Hải An.)

 

Những cơn mưa đầu mùa lại nhấn chìm nhiều đường phố ở Sài Gòn, người dân lội trong dòng nước đục ngầu, hôi hám. Tình trạng ngập nước nhiều đường phố Sài Gòn đã kéo dài nhiều năm. Chính quyền Thành phố đã thực hiện một số giải pháp chống ngập nước nhưng kết quả còn hạn chế và mang cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Đường bị ngập nước thì nâng cao lên, kết quả là nhà dân hai bên đường bị nước tràn vào lênh láng. Dùng máy bơm hút nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh khi bị ngập, kết quả không như mong muốn. Có vị còn đề xuất dùng lu chứa nước để chống ngập và chuyện trở thành tiếu lâm cho dân mạng xã hội. 

Theo ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C “Chuyện chống ngập của TP. hiện đang đi hai chiều trái ngược nhau. Nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu tạo tiền đề thì rất mỏng, nhưng làm dự án thì rất là to trong khi lẽ ra phải làm ngược lại. Nghiên cứu về chống ngập phải rộng, phải sâu, còn làm dự án thì nên giải quyết dần dần từng phần, từng vùng, làm nhanh gọn với số tiền vừa phải”.

1. Lê Long chuyên gia tư vấn độc lập kiến nghị Sở GTVT tổ chức nhóm tư vấn hiểu biết về chống ngập, về khí tượng thủy văn.v.v. để nghiên cứu từng khu vực cụ thể. Nếu không đi vào những việc vừa cụ thể, vừa tổng thể thì sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán chống ngập.

2. Vũ Xuân Ái, Trường đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định, TP.HCM đang lún do khai thác nước ngầm quá nhiều, do TP.HCM đã bị bê tông hóa, không có chỗ cho nước mưa thấm xuống tầng nước ngầm. Ông đề xuất cần có quan trắc lún và cần có nghiên cứu tổng thể và cụ thể, có cơ quan tư vấn nghiên cứu, điều hành với những số liệu chính xác để chống ngập đúng hướng.

Ông Lê Ngọc Quyền giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phân tích, những năm 1960, đỉnh triều ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn chỉ khoảng 1,25 m, đến nay đã lên mức 1,68 m. Trong khi đó, mực nước ở Vũng Tàu trong 30 năm qua chỉ tăng hơn 10 cm. Theo ông Quyền, giải pháp chống ngập phải xem xét tổng thể từ chuyện mưa lớn, triều cường, vận hành các hồ chứa xả lũ ở thượng nguồn sông Sài Gòn – Đồng Nai, đến chuyện đô thị hóa làm cho nước chảy tràn không thẩm thấu được xuống đất. Những số liệu đầu vào chuẩn, mới đưa ra được những giải pháp, công trình chống ngập. 

Trên nước ta, có nhiều thành phố cũng bị ngập nước nghiêm trọng khi bị mưa lớn như Hà Nội, Đà Lạt, Huế, Bình Dương, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Sơn La và nhiều nơi khác. Đáng chú ý là vấn đề ngập nước ở các thành phố đó lặp lại giống hệt Sài Gòn mặc dù diễn ra sau nhiều năm. 

Mưa lớn ở Sài Gòn vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống cống, đã làm ngập nhiều tuyến phố. Thời gian ngập nước trên các tuyến phố diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng từ 1-3 giờ. Một số đường phố bị ngập là kết quả của việc  bề mặt nhiều khu vực bị bê tông hoá cản trở nước tự ngấm; việc xây dựng hệ thống thoát nước không được quy hoạch tốt, khả năng tiêu thoát nước kém. Việc xây dựng hệ thống cống tiêu thoát mới, đáp ứng khả năng thoát nước rất tốn kém và khó khăn vì vướng nhiều công trình đã xây dựng từ trước.

Những cơn mưa lớn ở Sài Gòn có các đặc điểm chung, thời gian mưa kéo dài trong khoảng vài chục phút đến dưới 3 giờ, các đoạn đường bị ngập có tính chất cục bộ, lượng nước gây ngập có thể tính toán, đo đạc được. Trên cơ sở thực tế này, chúng tôi đề xuất giải pháp “ Chống ngập do mưa lớn ở Sài Gòn bằng hệ thống cống rời rạc”, đưa nước gây ngập xuống lòng đất, không để ứ đọng phù hợp với từng tuyến phố.

Hệ thống cống rời rạc được thiết kế và hoạt động theo cơ chế đơn giản, có khả năng tiêu thoát nước tốt. Đây là hệ thống cống được kết nối từ nhiều cống rời rạc vì vậy việc thi công đơn giản và nhanh, tốn ít thời gian và ít ảnh hưởng đến giao thông tại các khu vực bị ngập nước. Khái niệm “cống rời rạc” được hiểu do tính liên kết rời rạc giữa các đơn nguyên của cống. Hệ thống cống rời rạc được xây dựng độc lập song song với đường cống ở đoạn bị ngập, giúp tiêu thoát nước khẩn cấp hết lượng nước mưa trong khoảng thời gian thực tế. Dễ dàng kiểm tra hiệu quả của Hệ thống cống rời rạc bằng cách phun lượng nước như đã tính toán theo thời gian mưa thực tế.

Để giải quyết vấn đề ngập nước do mưa lớn ở Sài Gòn phải có cơ sở khoa học, dựa trên thực tế của thành phố. Với kinh nghiệm trên 20 năm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, người viết mong muốn hợp tác với các đối tác, giải quyết triệt để vấn đề ngập nước do mưa lớn ở Sài Gòn.

Sài Gòn ngập nước do triều cường

Ngập nước do triều cường ở Sài Gòn không xẩy ra thường xuyên nhưng diễn ra trên diện rộng tại nhiều tuyến phố và nước rút cũng chậm hơn.

Số liệu đo đạc ở huyện Nhà Bè và ở trạm Phú An khi có triều cường cho thấy, mực nước ở Phú An  luôn cao hơn ở Nhà Bè. Trạm Phú An  cách xa Nhà Bè khoảng 70km. Nguyên nhân gây ngập nước ở Sài Gòn có thể từ Phú An, với mực nước cao hơn chảy xuống, gặp thời điểm triều cường, nước từ dưới dâng lên đã tạo thành “màn chắn” làm nước dâng lên, gây ngập nhiều tuyến phố. 

Muốn giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường ở Sài Gòn theo chúng tôi, nên bắt đầu khảo sát từ trạm Phú An đi qua Nhà Bè xuống cửa biển Vũng Tàu, tìm đúng nguyên nhân và đưa ra giải pháp hợp lý. Để chống ngập do triều cường ở Sài Gòn, cần chia tách lượng nước đi từ Phú An xuống, xây dựng phân vùng và xử lý cục bộ. Từ Vũng Tàu theo đường sống đến Sài Gòn dài khoảng 128km, triều cường từ dưới dâng lên, không chịu tác động của nước từ Phú An đi xuống, sẽ không cao như trước đây và khả năng ngập các tuyến phố sẽ giảm nhiều, có thể sẽ không ngập nữa. Giải quyết vấn đề thực tế phải xem xét hết sức cụ thể, không nói chung chung như một số học giả.

 

Dự án Ngăn triều cường 

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Dự án Ngăn triều, chống ngập nước giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

“Theo báo cáo tổng quan dự án của chủ đầu tư Dự án Ngăn triều – Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và 7,8km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, xây dựng Nhà quản lý trung tâm và hệ thống Scada.

Khi hoàn thành và đưa vào vận hành, Dự án Ngăn triều góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ thoát nước cho hệ thống thoát nước đô thị hiện hữu khi xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường cao”. 

“Dự án Ngăn triều hoàn thành, đi vào vận hành, sẽ không còn cảnh người dân phải điều khiển các phương tiện giao thông lội bì bõm trong dòng nước ngập đen kịt bốc mùi hôi thối, không còn cảnh các hộ dân kè bao cát trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà vừa tát nước ngập từ nhà ra ngoài v.v”. Tham vọng từ công trình ngăn triều cường, chống ngập của Thành phố rất lớn, mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp. 

Người viết xin có đôi lời trao đổi về vấn đề này. Thông thường, khi xây dựng các công trình chịu ảnh hưởng của thủy động lực với kinh phí lớn, người ta xây dựng Mô hình thủy động học để kiểm tra tính đúng đắn của công trình và tiết kiệm chi phí. Bởi một công trình với chi phí lớn, khi xây dựng mà hoạt động kém hiệu quả thì tổn thất kinh tế sẽ rất lớn. 

Mô hình thủy động học được xây dựng có hình dáng và các đặc trưng giống thực tế; kích thước thu nhỏ theo tỷ lệ nào đó với các tác động tương tự thực tế. Khảo sát trên Mô hình thủy động tác động của triều cường lên các tuyến phố (như ở Sài Gòn), nếu tình trạng ngập nước phù hợp với thực tế, mô hình được xây dựng hợp lý. Khi đưa các cống như Bến Nghé, Tân Thuận v.v. vào hoạt động, các tuyến phố không còn tình trạng ngập nước. Như vậy các cống ngăn triều cường hoạt động có hiệu quả. Từ kết quả thử nghiệm trên Mô hình thủy động, đưa ra những đánh giá về kỹ thuật, kinh tế và khả năng đưa vào xây dựng thực tế.

Theo người viết, nếu nguyên nhân gây ngập do triều cường có thể bắt đầu từ Phú An thì việc xây các cống ngăn triều ở Sài Gòn là chưa hợp lý, cần xem xét kỹ hơn. Trong kỹ thuật không thể duy ý chí.

 

Cống Bến Nghé  (ảnh báo Tin Tức)

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn đổi thành Hồ Chí Minh, sửa “đường” thành “phố”: xoá sạch ký ức huy hoàng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sài Gòn kỷ niệm

Phan Thanh Hung

VNTB – Lung linh sắc màu Giáng sinh ở các trung tâm thương mại

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo