T.K.Tran
(VNTB) – Nhà nước trì hoãn việc thành lập tổ chức độc lập đại diện người lao động tại doanh nghiệp
Để thực thi những cam kết về lãnh vực lao động sau khi tham gia vào những hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP, nhà nước Việt Nam sửa đổi Bộ luật lao động 2019, cho phép thành lập các “tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp“. Các tổ chức này được hoạt động độc lập, được bình đẳng với Công đoàn cơ sở – là tổ chức trực thuộc đảng CSVN – về quyền và nghĩa vụ. Đồng thời Việt Nam cam kết phê chuẩn các Công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Nhà nước trì hoãn việc thành lập tổ chức độc lập đại diện người lao động tại doanh nghiệp
Thế nhưng, tại thời điểm đầu năm 2024, Công ước ILO quan trọng nhất là Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức vẫn chưa được phê chuẩn. Các tổ chức đại diện người lao động vẫn chưa thành hình bởi nhà nước Việt Nam không ban hành các Nghị định hướng dẫn việc đăng ký các tổ chức này, mặc dù Bộ luật lao động đã cho phép.
Trên giấy tờ thì nhà nước đã có những văn bản về việc ban hành Nghị định hướng dẫn thành lập những tổ chức đại diện người lao động cũng như việc phê chuẩn các Công ước ILO theo thứ tự thời gian như sau:
11/03/2019:
Văn bản số 290/QĐ-LĐTBXH do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) với tên gọi: “Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP)“ Trong Quyết định này có phần nội dung xây dựng hồ sơ và tiến hành các công việc trình phê chuẩn Công ước 98,105 và 87 của ILO. Đơn vị chủ trì là Vụ Pháp chế. Thời gian thực hiện 2019-2023.
Quyết định này đặt ra vấn đề cần có cơ quan thực hiện việc đăng ký hoạt động đối với những tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt nam“. Đơn vị chủ trì là Cục Quan hệ lao động và tiền lương+Vụ Tổ chức cán bộ. Thời gian chuẩn bị 2019-2020.
03/09/2020:
Bộ LĐ-TB&XH ban hành Văn bản Số 1061/QĐ-LDTBXH) với tên gọi “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)“. Trong văn bản này có đề mục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 của ILO về tự do hiệp Thời gian thực hiện 2020-2023. Một đề mục khác là: Rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động. Thời gian thực hiện 2020-2025.
27/3/2023:
Một văn bản của Bộ Tư pháp mang tên “Dự thảo Đề án ban hành chương trình hành động quốc gia, hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam“ cho biết là Bộ LĐ-TB&XH sẽ “chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ với mốc thời gian hoàn thành là năm 2025 (1).
14/07/23:
Dự thảo nói trên trở thành văn bản chính thức số 843/QĐ-TTg với tên gọi: “Quyết định ban hành chương trình hành động quốc gia… giai đoạn 2023-2027“ do Phó thủ tướng Trần lưu Quang ký.
Trong lãnh vực lao động, Quyết định này, khác với Dự thảo, không đề cập tới tổ chức đại diện người lao động. Câu viết ở Dự thảo có tính ràng buộc: “trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thành lập tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ bị gạch bỏ hoàn toàn, được thay thế bằng một đoạn có tính cách chung chung như sau:
“Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật, quy định liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động, phúc lợi của người lao động trong quan hệ lao động, việc làm đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (gồm: Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành)“(2).
Đáng chú ý là Luật Lao động không nằm trong số các luật sẽ được “rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung“ mặc dù Bộ luật này có nhiều bất cập.
Quốc tế quan tâm tới việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động ở Việt Nam như thế nào?
Việc tuân thủ những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do EVFTA, TPTPP bảo đảm một môi trường công bằng trong việc sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia thành viên với nhau. Mỗi quốc gia không được gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách hạ giá thành của sản phẩm qua việc bóc lột sức lao động của công nhân hay tàn phá môi trường.
Do đó vấn đề Việt Nam phê chuẩn các Công ước ILO cũng như việc thực thi Bộ luật Lao động 2019 được Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cũng như các quốc gia thành viên khác của các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) lưu tâm theo dõi:
Tổ chức lao động Quốc tế (ILO):
Trong năm 2023 tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã 2 lần tiếp xúc với Ủy ban xã hội Quốc hội Việt Nam:
Sáng 21/02/2023 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp bà Chihoko Asada-Miyakawa Giám đốc ILO khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (3).
Chiều 18/10/2023 đoàn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) do bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam làm trưởng đoàn, đã làm việc với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong. Hai bên đã trao đổi về các nội dung liên quan tới Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng như quyền tự do hiệp hội của người lao động (4).
Chính phủ Canada:
Ngày 15/03/2023 chính phủ Canada đồng ý xét đơn của một hội đoàn người Việt tại Canada tố cáo chính phủ Việt Nam vi phạm quy định về lao động trong chương 19 của Hiệp định CPTPP. Tới nay chưa có thông tin thêm về vụ việc này(5).
Bộ Lao động Hoa kỳ:
Ngày 15/11/2023 “Đối thoại lao động Việt Nam – Hoa Kỳ” lần thứ 17 giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hoa Kỳ đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hai bên đã thảo luận các nội dung về việc thực thi Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019, nhất là các nội dung liên quan đến tổ chức đại diện của người lao động, kế hoạch sửa đổi Luật Công đoàn và cập nhật về các lĩnh vực hợp tác với Hoa Kỳ.
Tại “Đối thoại“ này, ông Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) biện hộ về việc trì hoãn ban hành Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể. Ông Ngô Hoàng hứa hẹn “sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn tất quy trình tham vấn nội bộ và các thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhất, dự kiến nửa đầu năm 2024“(6).
Liên minh Âu châu/ Báo cáo của nhóm tư vấn trong nước DAG (EU Domestic Advisory Group)
Ngày 27-28/11/2023 vừa qua tại Bruxels, nhóm EU DAG và Việt Nam DAG đã có phiên họp chung lần thứ 3. Báo cáo của nhóm EU DAG trong dịp này nhấn mạnh: nhân quyền là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-VN và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA.
Về vấn đề lao động, Báo cáo viết tiếp bằng một ngôn từ mạnh mẽ hiếm thấy như sau:
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thực hiện đúng cam kết đã đưa ra trước khi thực thi EVFTA và phê chuẩn Công ước C87 của ILO về Tự do Hiệp hội ngay lập tức. Chúng tôi cũng mong muốn thấy kế hoạch làm việc về Quyền lao động được triển khai hiệu quả và nhanh chóng, cũng như việc thông qua và đưa vào hiệu lực nghị định về đại diện của người lao động và thương lượng tập thể.“(7).
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)
Ngày 04/01/2024 ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW kêu gọi khối 27 quốc gia của EU nên có các hành động cụ thể đối với sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam:
“Thay vì tiếp tục bị đùa giỡn, EU nên bắt đầu vạch ra các biện pháp để bắt đầu thu hồi các lợi ích theo EVFTA cho đến khi Hà Nội thực sự duy trì các cam kết bảo vệ quyền lợi, cho phép thành lập các công đoàn độc lập và thực hiện các cải cách môi trường thực sự, song hành với xã hội dân sự”(8).
Bao giờ Việt Nam ban hành Nghị định hướng dẫn thành lập các tổ chức đại diện độc lập?
Từ khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực đến nay đã hơn 4 năm mà vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn việc thành lập các tổ chức đại diện độc lập.Người viết cho rằng việc nhà nước Việt Nam ban hành Nghị định có thể tùy thuộc những yếu tố sau
Tùy thuộc vào việc thông qua Luật Công đoàn sửa đổi
Về phía Việt Nam, để bào chữa cho việc trì hoãn ban hành nghị định, đại diện Bộ LĐ-TB&XH “phân bua“ với Bộ Lao động Hoa kỳ trong phiên họp ngày 15/11/2023 rằng: “Đây cũng là Nghị định có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam nên cần thêm thời gian để trao đổi, thảo luận…“. “Ngoài ra, Nghị định có một số nội dung liên quan đến Luật Công đoàn trong khi Luật Công đoàn cũng đang trong quá trình xem xét để sửa đổi, bổ sung nên cần có sự phối hợp, điều phối bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật“(6).
Tùy thuộc vào tiến trình “đổi mới“ của Công đoàn Việt Nam
Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì việc phải cạnh tranh với các tổ chức khác “là nhiệm vụ mới, khó khăn, nặng nề, chưa có tiền lệ“ (9). Để đáp ứng với những đòi hỏi của tình hình mới này, Công đoàn phải đổi mới từ chủ trương tới phương thức hoạt động. Đồng thời Công đoàn phải chiêu dụ thêm nhiều đoàn viên (chỉ tiêu thêm 1 triệu đoàn viên trong năm 2024, đưa tổng số đoàn viên lên tới 15 triệu trong năm 2028), cũng như 100% doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở như nghị quyết của Đại hội Công đoàn kỳ thứ 13 đề ra. Đó là chiến thuật “lấy thịt đè người“ trong cuộc cạnh tranh sau này với các tổ chức độc lập.
Thêm vào đó nhà nước yểm trợ tối đa Công đoàn bằng cách trì hoãn lâu như có thể việc ban hành Nghị định thành lập hợp pháp các tổ chức đại diện độc lập.
Ta có thể cho rằng các tổ chức độc lập chỉ sẽ được phép hoạt động sau khi Công đoàn có đủ sức mạnh đè bẹp các tổ chức độc lập này. Mốc thời gian có thể là 2028. Vào thời điểm này Công đoàn có thể sẽ có 15 triệu đoàn viên và 100% doanh nghiệp có thể sẽ có Công đoàn cơ sở.
Tùy thuộc vào việc thực thi nghiêm chỉnh các hiệp định thương mại tự do
Những hiệp định thương mại tự do (EVFTA, TPTPP) mà Việt Nam đã ký kết đều có những điều khoản về lao động.
Liên quan tới EVFTA, những báo cáo về lao động của cơ quan giám sát DAG sẽ được chuyển đến “Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững“. Nếu có những bất đồng, cơ chế “tham vấn chính phủ“ và “hội đồng chuyên gia“ sẽ tìm kiếm một giải pháp hay hành động thích hợp.
Hiệp định CPTPP có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Việt nam có thời hạn ân huệ 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (14/01/2019) để chuẩn bị, thay đổi luật pháp tương ứng. Trong thời gian này những vi phạm cam kết về tự do liên kết và thương lượng tập thể không bị trừng phạt.
Trong 2 năm tiếp theo đó (cụ thể là từ 14/01/2024 tới 14/01/2026) những vi phạm sẽ được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng lao động theo điều 19.12 hiệp định CPTPP. Bước kế tiếp là đối thoại có tính chất hợp tác với quốc gia vi phạm. Sau đó là bước tham vấn có khả năng giảng hòa, nơi mà đôi bên có thể sử dụng chuyên gia độc lập, tư vấn. Bước cuối cùng là cơ chế giải quyết tranh chấp, có thể dẫn tới đình chỉ ưu đãi hay trừng phạt thương mại.
oOo
Tóm lại, trên giấy tờ Việt Nam đã có những văn bản chuẩn bị cho việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp với những mốc thời gian khác nhau:2020, nửa đầu năm 2024 hoặc 2025. Sau này mốc thời gian không còn được nêu lên.
Tương tự như vậy, Công ước ILO 87, thoạt tiên được cam kết phê chuẩn trong quãng thời gian 2020-2023, nhưng cho tới nay vẫn chưa được bàn thảo, nói chi tới việc phê chuẩn.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam không thực tâm sớm cho phép thành lập các tổ chức độc lập đại diện người lao động cũng như không muốn đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Hiện nay, kể từ ngày 14/01/2024, thời hạn 5 năm ân huệ của hiệp định CPTPP đã qua và để tránh bị trừng phạt thương mại thì Việt Nam phải tuân thủ cam kết trong hiệp định, muộn lắm là thời điểm 2026, sau khi Hội đồng lao động rà soát các vi phạm và các quốc gia thành viên khác của các hiệp định thương mại không nhân nhượng Việt Nam.
Quan trọng là những tiếng nói phản biện cần liên tục cất lên báo động cho dư luận quốc tế và quốc nội, tạo áp lực để Việt Nam nghiêm chỉnh thi hành những cam kết đã ký.
____________________
Nguồn:
1. https://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-quyet-dinh-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-quoc-gia
3. https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/tintuc/Pages/hoat-dong-doi-ngoai.aspx?ItemID=1710.
4. https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/tintuc/Pages/hoat-dong-doi-ngoai.aspx?ItemID=1798
6. https://tapchilaodong.vn/doi-thoai-lao-dong-viet-nam-hoa-ky-gop-phan-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-hai-nuoc-1329529.html