Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bao giờ tiền công đức mới minh bạch?

Châu Nam Việt 

 

(VNTB) –  Chênh lệch khoảng tổng thu và tổng chi tiền công đức là 490 tỷ đồng. 

 

Con số 4.100 tỷ đồng thu từ tiền công đức có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Theo đó, tổng số tiền công đức, tài trợ thực thu trên cả nước trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật hay công trình xây dựng. Báo cáo cho thấy các cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác) thu về hơn 3.060 tỷ đồng, chiếm 75% tổng số thu; còn các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo) thu được gần 1.040 tỷ đồng, chiếm 25%. (1)

Điều đáng chú ý là chỉ có 49% trong tổng số 31.581 các di tích có số liệu thu, chi rõ ràng. Còn theo báo cáo của địa phương thì cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ. Với việc không có số liệu thu chi cụ thể có nghĩa là số tiền thu thực tế sẽ lớn hơn con số 4.100 tỷ đồng đã được báo cáo có thể lớn hơn rất nhiều.

Chùa Hương ở Hà Nội, chỉ trong một mùa lễ hội là thu được hàng trăm tỷ đồng, có mùa thu được lên tới 700 tỷ đồng. Cả đất nước Việt Nam có 31.211 di tích lịch sử – văn hóa, và hàng trăm ngôi chùa được xây mới trong những năm qua để phục vụ du lịch tâm linh, thì số tiền công đức không thể chỉ ở mức khiêm tốn 4.100 tỷ đồng được.

Gần đây, hiện tượng “ma tăng” sử dụng tiền công đức cho mục đích tiêu xài cá nhân đã được nhắc tới rất nhiều. Như trường hợp ông Thích Chân Quang dùng tiền công đức đi mua xe hơi hạng sang, mua cả loạt đồng hồ Rolex. Hoặc ông Thích Trúc Thái Minh đi tu mà xài điện thoại Vertu có giá trị hàng trăm triệu đồng. Những khoản tiền lớn này chắc chắn không phải do các thầy tu này kinh doanh hay bỏ công sức làm việc để có được, mà đến từ tiền công đức của người dân cúng dường.

Những thầy tu này đi “khất thực” phải đem theo cả bao tải để đựng tiền cúng dường của người dân. Những số tiền này không được bỏ vô thùng công đức, hay ghi vào sổ sách để báo cáo tài chính, cũng không có cơ quan chức năng đi theo kiểm kê, thì làm sao biết được chính xác họ đã thu được bao nhiêu tiền. Thậm chí ông Thích Chân Quang còn chê tiền người dân cúng dường bằng tiền lẻ, và buộc các tín đồ phải cúng tiền chẵn cho chùa để “hưởng phước”.

Đó là chưa kể nhiều chùa chiền hiện nay đều mở các “khóa tu” để kinh doanh theo mùa, với mức học phí, phụ phí sinh hoạt rất cao. Có chùa thu được hàng trăm tỷ đồng sau các khóa học. Muốn biết những khoảng tiền đó đã đi về đâu thì rất cần phải thanh tra, kê khai minh bạch tài sản của những thầy tu, hoặc người giữ đền, đình, miếu, các di tích lịch sử.

Ngoài ra, trong số 4.100 tỷ đồng thu được, thì hơn 3.610 tỷ đồng đã được chi cho các hoạt động như quản lý, lễ hội, tu bổ, tôn tạo, tuyên truyền, an ninh trật tự và từ thiện. Tiền công đức thì có thể làm từ thiện, hỗ trợ bá tánh, tu bổ, tôn tạo di tích. Nhưng lại có thêm phần tiền cúng dường được sử dụng để “tuyên truyền” thì cần phải được làm rõ là tuyên truyền cái gì, cho ai.

Một vấn đề khác cần lưu ý là sự chênh lệch giữa số thu và số chi. Tổng số thu là 4.100 tỷ đồng, trong khi tổng số chi là hơn 3.610 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 490 tỷ đồng. Vậy số tiền chênh lệch đó đã được giao cho ai quản lý hoặc được sử dụng vào mục đích gì?

Những bất cập này cần phải được xử lý nhanh chóng và nghiêm minh vì nhà chùa, cơ sở tôn giáo và các di tích lịch sử là nơi người dân đặt niềm tin tín ngưỡng, đạo đức trong một xã hội đầy nhiễu nhương hiện nay. Cần phải có cơ chế quản lý, hướng dẫn sử dụng tiền công đức cho đúng mục đích để đồng tiền của người dân được sử dụng hiệu quả. Thậm chí, phải xử lý hình sự một vài ma tăng để làm gương cho kẻ khác. Không thể để ma tăng tung hoành ngoài vòng pháp luật được.

 

_______________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/nguoi-dan-cong-duc-4-100-ty-dong-trong-nam-2023-4763002.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phồn vinh giả tạo, bần cùng thực sự

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hủy hoại rừng – Báo chí đừng chỉ đưa tin

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sự nhạy bén “quốc gia”

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.