VNTB – Bảo hiểm xã hội: ai hơn ai thiệt?

VNTB – Bảo hiểm xã hội: ai hơn ai thiệt?

Mai Lan

 

(VNTB) – Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan doanh nghiệp thuộc Chính phủ. Vậy tính toán thiệt hơn với Chính phủ, thị dân đành chào thua là cái chắc.

 

Khi ông Nhà nước tính

Theo Nghị định 89/2020/NĐ-CP, ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì đây là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Chuyện tính thiệt hơn trong số tiền ‘phí bảo hiểm’ bắt buộc phải đóng hàng tháng, chắc chắn phía người lao động luôn ‘nắm đàng lưỡi’.

Mới đây, doanh nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất về việc sửa đổi quy định đóng bảo hiểm xã hội theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động, và điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công bằng nhìn nhận, đề xuất “đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động” ở đây là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nghị quyết số 28-NQ/TW, “Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Theo đó ở phần III.8 của Nghị quyết, ghi:

“Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động”.

Nghị quyết nếu trên ký ban hành ngày 23 tháng 5 năm 2018.

Ghi nhận tiếp theo đây không nhằm ‘chống chính sách của Đảng’, mà là rất mong được Đảng đoái hoài, xem xét lại một số yêu cầu, để doanh nghiệp và người lao động có thể được mâm cơm tươm tất hơn chút trong mùa dịch Covid-19 ròng rã suốt từ đầu năm 2000 đến nay.

Quy định của pháp luật hiện hành, mức đóng bảo hiểm xã hội là 32% mức tiền lương của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, chưa kể các khoản đóng quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…

“Năm 2020, do dịch Covid-19, doanh nghiệp chỉ được tạm hoãn 3 tháng, sau đó lại đóng tiếp. Lẽ ra, trong bối cảnh này phải giảm hoặc có hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc đóng bảo hiểm xã hội là an sinh lâu dài cho người lao động, còn an sinh trước mắt của người sử dụng lao động chính là lo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp trước hết phải tồn tại, thì mới có việc làm và thu nhập cho người lao động…” – một chủ doanh nghiệp ‘van nài’ với cam kết rằng ông chưa bao giờ dám chống chính sách của Đảng, chỉ mong được ‘giãn cách’ thời gian cho vài năm tới, khi chuyện làm ăn hồi phục.

Phép so sánh thiệt hơn của thị dân

Tính toán của các doanh nghiệp, nếu mức lương bình quân của người lao động khoảng 5,5 – 6 triệu đồng/tháng, với đề xuất trên, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ khoảng từ 1,5 – 1,7 triệu đồng. Điều này là cực kỳ khó khăn, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Góc nhìn thị dân, ông Hà Nhân Hợp có phân tích vầy, mong được sự xem xét của ông Tổng Bí thư Đảng Khóa XIII:

“Tôi tham gia công tác từ tháng 12/2001, đến hết năm 2021, số năm đóng bảo hiểm xã hội là 19 năm 8 tháng, có gián đoạn 5 tháng. Do áp lực công việc và nhàm chán, tôi muốn nghỉ việc để về nhà kinh doanh vào năm 2022. Nếu đóng đủ 20 năm để chờ lương hưu thì đến tháng 10/2038 tôi đủ 60 tuổi 10 tháng, có nghĩa là phải chờ sau 17 năm nữa mới được hưởng lương hưu.

Trong khi đó, nếu tôi rút bảo hiểm xã hội một lần, cộng với số tiền giải quyết thôi việc theo Nghị định 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì tổng tiền được hưởng là 200 triệu đồng.

Tôi thử làm một bài toán như sau: Số tiền trên 200 triệu đồng gửi vào ngân hàng với mức lãi suất bình quân 5,6%/ năm, trong thời gian 17 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, tôi sẽ có khoảng 505 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Nếu tôi tiếp tục đem số tiền này gửi vào ngân hàng, số lãi hàng tháng 0,47%, tức hơn 2,3 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu tính mức lương hưu, tôi đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp bốn tháng nữa để đủ 20 năm theo quy định và chờ sau 17 năm thì mức hưởng là 45% cũng chỉ tương đương số tiền lãi suất tiền gửi.

Nhưng nếu gửi tiết kiệm, bản thân tôi sẽ có nhiều lựa chọn hơn: một là gửi tiết kiệm để lấy lãi, hai là đầu tư kinh doanh. Nghĩa là tôi sẽ có thể tự chủ về kinh tế. Còn hưởng lương hưu rủi ro lớn bởi lẽ không biết ngày sau ra sao?

Một vấn đề nữa là Luật Bảo hiểm xã hội, và các văn bản dưới luật thay đổi quá nhiều, gây khó cho người lao động. Sau 17 năm nữa, tôi không biết chính sách sẽ thay đổi ra sao? Đó là lý do tôi có cùng suy nghĩ với nhiều người là sẽ lựa chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần thay vì chờ lương hưu”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)