Chánh Thành
(VNTB) – Có 10 ngàn tấn gạo và 500 máy vi tính đem cho Cuba, còn quyên góp được hơn 10 ngàn tỷ mà dân vùng bão chỉ được “hỗ trợ” 200 đồng/mét vuông ruộng bị thiệt hại
Theo thông tin từ facebook Đặng Thị Huệ, những ngày gần đây dân ở Hải Dương được nhà nước thông báo sẽ đền bù thiệt hại do bão Yagi gây ra là 70.000 đồng/sào ruộng (360m2). Người dân phải làm rất nhiều thủ tục kê khai khó khăn thì mới nhận được tiền. Ban đầu thì yêu cầu phải có đơn đề nghị hỗ trợ bằng giấy. Sau đó cán bộ lại yêu cầu bắt kê khai đăng ký qua cổng dịch vụ công.
Nhưng nông dân thì đa số không thạo công nghệ, nhiều người cũng không có điện thoại thông minh, nên nhiều người chấp nhận bỏ không nhận 70.000 đồng. Vì so ra chi phí xăng xe đi lại, chờ đợi, làm thủ tục nhập nhằng mà chưa chắc đã nhận được tiền. Trong khi đó số tiền 70.000 đồng này cũng chẳng đủ hai bữa cơm, và dĩ nhiên là không thể bù đắp cho những thiệt hại mà người dân mắc phải.
Coi lại các quy định về đền bù thiên tai thì quả thật mức hỗ trợ 70.000đồng/360m2 này là đúng với luật của Việt Nam.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ thiệt hại đối với cây trồng do bão gây ra như sau:
Hỗ trợ đối với cây trồng:
Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;
Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. (2)
Như vậy, cán bộ tỉnh Hải Dương áp dụng mức hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi hecta ruộng lúa thuần, ngô (bắp) và hoa màu. Mỗi hecta tương đương 10 ngàn mét vuông. 2triệu/hecta = 200đồng/mét vuông. Một sào ruộng ở miền bắc là 360m2, tương đương mức đền bù 72.000đ/sào.
Vậy thì cán bộ làm đúng, nhưng vấn đề nằm ở quy định của đảng. Vì có những gia đình nông dân ở miền bắc chỉ có khoảng 5-10 sào đất. Tức là tổng cộng mỗi nhà chỉ nhận đền bù từ 350.000-700.000đ. Nhưng chi phí đi lại, thủ tục rườm rà khiến cho người dân bức xúc. Với số tiền này thì cũng không thể khôi phục được vụ mùa, không đủ bù vào tiền giống, phân thuốc…
Có điều đây là trường hợp hiếm hoi cán bộ nhà nước làm đúng quy định. Những trường hợp kê khống, rồi chặn tiền dân là không kể hết. Cũng theo facebook Đặng Thị Huệ, ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), người dân đang vô cùng khốn đốn vì lũ quét sạt lở đồi. Nhưng cán bộ xã chỉ đưa ra mức hỗ trợ 2000-7000 đồng (2 ngàn đồng tới 7 ngàn đồng) theo kiểu bố thí người dân. Bị dân phản ứng thì sau đó các quan xã mới tăng lên lên 20.000đ/nhà dân.
Ngoài ra, theo facebook Khai Vu thì ở Bình Giang, tỉnh Hải Dương, bình luận rằng địa phương của anh “chưa từng có một chính quyền nào đến để xem thiệt hại do bão như thế nào, chưa nói gì đến hỗ trợ”.
Như vậy có 2 vấn đề mà người dân đang gặp phải. Một là mức quy định hỗ trợ thiệt hại thiên tai quá thấp, không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Hai là cán bộ nhà nước làm việc quan liêu, tắc trách, có dấu hiệu biển thủ công quỹ. Trong khi tiền người dân quyên góp cho Mặt Trận Tổ Quốc lên tới hàng ngàn tỷ, mà chi cho nạn nhân chỉ vài trăm ngàn đồng, lại không có hỗ trợ lương thực thuốc men…
Chưa kể, phải chi nhà nước thiếu gạo thiếu tiền thì không nói. Đằng này mới mấy ngày trước ông tổng bí thư Tô Lâm còn mang 10 ngàn tấn gạo và 500 cái máy vi tính tặng không cho Cuba. Gạo dư như vậy mà dân đói khổ thì là do đảng chứ đâu phải tại thiên tai!